Theo dự án Luật Phòng chống tác hại rượu, bia đang được Bộ Y tế lấy ý kiến, cơ quan này đề xuất lập Quỹ nâng cao sức khỏe trên cơ sở hợp nhất với Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá.
Ngày 25/5/2018 Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo với các doanh nghiệp trong ngành rượu, bia để lấy ý kiến về Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia. Mặc dù giới doanh nghiệp đều đồng tình với quan điểm cho rằng lạm dụng rượu bia có thể gây ra những tác hại đối với sức khỏe và các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến quan ngại về cách tiếp cận và những qui định trong Dự thảo có thể không giải quyết được những vấn đề của lạm dụng rượu, bia và đạt được mục tiêu mà Chính phủ đặt ra.
Mục tiêu đúng
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới công bố năm 2014, lượng rượu, bia nằm ngoài kiểm soát chiếm đến 70% tổng lượng đồ uống có cồn tiêu thụ trên thị trường. Một nghiên cứu của Viện Dân số và các vấn đề xã hội được công bố năm 2016 cũng chỉ ra rằng 75% lượng đồ uống tiêu thụ trên thị trường là những sản phẩm nằm ngoài kiểm soát như rượu nấu thủ công (74%), đồ uống có cồn nhập lậu và giả, các loại rượu, bia không đăng ký, không có nguồn gốc rõ ràng. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng các vấn đề về sức khỏe và xã hội cũng có mối liên hệ mật thiết đối với việc tiêu thụ các sản phẩm rượu, bia nằm ngoài kiểm soát. Những sản phẩm này hiện đang không bị chi phối bởi bất kỳ qui định nào về hạn chế kinh doanh cũng như các loại thuế như những sản phẩm rượu, bia lưu hành hợp pháp.
Hai mục tiêu chính đặt ra đối với Dự Luật này là nâng cao sức khỏe của người dân và phòng, chống những vấn đề xã hội gây ra bởi lạm dụng rượu bia như bạo lực gia đình, uống rượu khi lái xe, gây rối trật tự công cộng,... Theo tờ trình của cơ quan soạn thảo, Dự luật này được tiếp cận từ góc độ sức khoẻ cộng đồng và xã hội, chứ không phải từ góc độ thương mại. Tuy nhiên, phần lớn các qui định tập trung vào hạn chế các hoạt động thương mại thay vì các giải pháp cần thiết để nâng cao sức khoẻ cộng đồng hay giải quyết các vấn đề xã hội như uống rượu khi lái xe, bạo lực gia đình, hoặc gây rối trật tự xã hội.
Nhưng phương pháp "quỹ" còn nhiều băn khoăn
Theo dự án Luật Phòng chống tác hại rượu, bia đang được Bộ Y tế lấy ý kiến, cơ quan này đề xuất lập Quỹ nâng cao sức khỏe trên cơ sở hợp nhất với Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá. Tuy nhiên, theo các chuyên gia ý tưởng này khó khả thi khi ngay quỹ “gốc” là Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cũng chưa đạt kỳ vọng sau hơn năm năm hoạt động.
Theo đại diện của Hiệp hội bia, rượu, nước giải khát Việt Nam, ngành nước giải khát hiện đang phải chịu mức thuế suất cao, bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt là 65% trên giá bán và thuế nhập khẩu từ 45%-55%, ngoài ra còn các loại thuế khác như VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong hai năm gần đây số thuế phải nộp cho các sản phẩm rượu, bia nhập khẩu tăng đã gấp đôi. Năm 2017 toàn ngành đã đóng góp hơn 50 nghìn tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Vì vậy, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ nên xem xét tận dụng tối đa nguồn thu ngân sách này thay vì yêu cầu doanh nghiệp phải đóng góp thêm vào một Quỹ nâng cao sức khoẻ hay nộp thêm các khoản phụ thu thuế.
Ông Nguyễn Thanh Phúc, đại diện cho Heneiken cho rằng Dự luật từ tên gọi cho đến qui định đã loại bỏ vấn đề về “lạm dụng” rượu bia và quan ngại rằng những qui định hạn chế về quảng cáo, khuyến mại và tài trợ là những hạn chế mang tính thương mại thuần tuý không mang lại hiệu quả trong việc nâng cao sức khoẻ hay hạn chế lạm dụng rượu bia. Ông Phúc cũng cho biết phần lớn các qui định pháp luật tại các quốc gia trên thế giới đều không có giới hạn về quảng cáo bia trên phương tiện đại chúng hoặc chỉ tập trung vào giới hạn nội dung và hình thức quảng cáo nhằm tránh ảnh hưởng không phù hợp lên vị trẻ thành viên.
Đại diện Công ty Calsberg thì bày tỏ quan ngại về qui định liên quan đến tính khả thi của các qui định hạn chế thương mại, ví dụ như qui định về khoảng cách tối thiểu giữa các cửa hàng bán lẻ rượu, bia là 500 mét hay qui định cấm bán rượu bia theo giờ. Theo đại diện của Carlsberg những qui định này không giúp cho việc hạn chế tiêu thụ rượu bia vì người tiêu dùng sẵn sàng di chuyển thêm 500 mét để mua sản phẩm họ muốn và có xu hướng uống nhiều hơn và vô trách nhiệm hơn trước giờ cấm. Trong khi việc thực thi các qui định này có thể gặp nhiều trở ngại.
Theo ông Paul Ariol, đại diện Tiểu ban rượu vang và rượu mạnh thuộc Phòng thương mại châu Âu, Dự luật cần tập trung vào ba nhóm giải pháp chính để đạt được những mục tiêu đã đề ra. Một là, tăng cường kiểm soát đồ uống có cồn bất hợp pháp, bao gồm các sản phẩm sản xuất thủ công, nhập lậu, giả, chất lượng kém nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng. Hai là, thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng thông qua tuyên truyền và giáo dục ở cấp cơ sở như trường học, cộng đồng địa phương, và trong gia đình. Ba là, tăng cường thực thi pháp luật thông qua kiểm tra, giám sát thường xuyên và các chế tài nghiêm ngặt.