Ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Luật và Kiểm soát nội bộ, Công ty CP Chứng khoán SSI cho rằng Dự thảo hướng dẫn Luật Chứng khoán còn nhiều điểm cần phải sửa đổi.
Sáng nay (16/7), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Chứng Khoán.
Cân nhắc quy định giao cho tổ chức phát hành xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp
Điều 47 Dự thảo quy định “Tổ chức phát hành, công ty quản lý quỹ có trách nhiệm xác định, lựa chọn nhà đầu chứng khoán chuyên nghiệp và lưu trữ tài liệu về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia đợt chào bán”.
Về quy định này, Ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Luật và Kiểm soát nội bộ, Công ty CP Chứng khoán SSI cho rằng cần cân nhắc quy định giao cho tổ chức phát hành xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Tổ chức phát hành chỉ có thể xác định đối tượng nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi chào bán sơ cấp, còn giao dịch thứ cấp giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với nhau cần bên thứ ba xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Tổ chức phát hành không thể tiếp tục xác định các nhà đầu tư khác có phải nhà đầu tư chuyên nghiệp hay không để hỗ trợ giao dịch thứ cấp.
Đề nghị giao cho tổ chức tài chính trung gian (như CTCK, CTQLQ) hoặc cơ quan quản lý xác định đối tượng nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Chúng tôi đề xuất có một điều riêng trong Dự thảo quy định về việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trên thị trường sơ cấp và thứ cấp để có thể áp dụng cho mọi trường hợp, thay vì quy định trong Mục 3 về Chào bán riêng lẻ như Dự thảo.
Bên cạnh đó, ông Long nhấn mạnh cũng có ý kiến cho rằng cần bổ sung quy định xử lý trường hợp nhà đầu tư chứng khoán đã được xác định là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và tham gia mua chứng khoán phát hành riêng lẻ, nhưng sau đó không còn đủ điều kiện là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nữa (ví dụ bị thu hồi chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán, danh mục chứng khoán không còn đủ 02 tỷ đồng,.. hoặc tổ chức giảm vốn điều lệ xuống dưới 100 tỷ đồng hoặc không còn niêm yết, đăng ký giao dịch).
Do đó, ông Long đề xuất xử lý trong trường hợp này thì nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ chứng khoán đã mua và có thể bán ra chứ không được mua thêm chứng khoán phát hành cho đối tượng là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Phải sửa quy định liên quan đến hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài
Về quy định liên quan đến hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, Điều 130.5 Dự thảo quy định “Nhà đầu tư nước ngoài, đại diện giao dịch, tổ chức kinh doanh chứng khoán cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư nước ngoài phải tuân thủ các quy định pháp luật về tỷ lệ sở hữu nước ngoài khi tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam”
Ông Long cho rằng quy định này chưa thực sự hợp lý bởi trách nhiệm tuân thủ tỷ lệ sở hữu trước tiên phải thuộc về bản thân nhà đầu tư và cũng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của nhà đầu tư khi thực hiện đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
"Luật Chứng khoán cũng có quy định trách nhiệm của nhà đầu tư nước ngoài tại Điều 51.1 “Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư, hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán”. Trách nhiệm của Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam là “giám sát tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán” và Dự thảo này cũng quy định nghĩa vụ của các tổ chức phát hành là tuân thủ quy định về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài khi chào bán chứng khoán", ông Long nói.
Do đó, ông Long đề xuất sửa Điều 130.5 là “Nhà đầu tư nước ngoài phải tuân thủ các quy định pháp luật về tỷ lệ sở hữu nước ngoài khi tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam”.