Để đảm bảo tính khả thi của chính sách cũng như tính răn đe, góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhiều ý kiến đề nghị, cân nhắc quy định về chế tài xử lý vi phạm.
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Hiện nay, Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân đang được lấy ý kiến để hoàn thiện. Đây được xem là một bước tiến rất lớn, bởi, trên thực tế dữ liệu cá nhân của người dùng đang bị sử dụng tràn lan.
Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm liên quan tới dữ liệu cá nhân đó chính là việc quản lý khai thác, sử dụng thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội. Đặc biệt, thời gian qua, nhiều vụ lừa đảo từ thông tin cá nhân bị rò rỉ trên mạng khiến nhiều người lo lắng. Tuy nhiên, chế tài để xử lý những đối tượng sử dụng dữ liệu cá nhân sai mục đích chưa cụ thể, kịp thời và thiếu tính răn đe.
Nhằm giải quyết vấn đề đã nêu, khoản 2 Điều 4 Dự thảo Luật này quy định: “áp dụng xử phạt hành chính từ 1% đến 5% doanh thu liền của năm liền trước của tổ chức, doanh nghiệp có vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Chính phủ quy định cụ thể về mức phạt, khung tiền phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính”.
Đánh giá cao những đề xuất của cơ quan soạn thảo, tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, nội dung này cần được cân nhắc, phạt nặng nhưng phải đảm bảo tính khả thi.
Tham gia góp ý về nội dung này, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho rằng, xử lý vi phạm hành chính hiện hành chưa quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Vì vậy, để có cơ sở giao cho Chính phủ quy định cụ thể mức phạt, khung tiền phạt đối với từng hành vi vi phạm trong lĩnh vực này đồng thời bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, cần bổ sung vào Dự thảo Luật việc sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 24 của Luật Xử phạt vi phạm hành chính theo hướng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ được thực hiện theo quy định của luật tương ứng.
Liên quan đến vấn đề này, tham gia góp ý, đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cũng cho rằng, quy định này không thống nhất với quan điểm xử phạt vi phạm hành chính hiện nay, đồng thời không khả thi.
Nêu ví dụ, có doanh nghiệp doanh thu một năm có thể rất lớn, đến 30.000 tỷ. Đại biểu Nguyễn Trường Giang phân tích, nếu một hành vi vi phạm chiếu theo quy định này bị phạt tối thiểu là 1% của 30.000 tỷ thì nếu vi phạm 10 lần phạt 10% thì không khả thi.
Từ đó, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề xuất, quy định mức phạt hành chính căn cứ vào hành vi vi phạm cụ thể. Nếu một hành vi vi phạm phổ biến thì xử phạt theo hành vi. Còn đối với hành vi vi phạm nhằm thu lợi cho doanh nghiệp thì mức phạt căn cứ vào phần thu lợi bất chính sẽ hiệu quả hơn.
Trong khi đó, tham gia góp ý về nội dung này, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho hay, Dự thảo Luật chưa quy định chi tiết mức phạt và hình thức xử lý vi phạm.
“Một số vấn đề đặt ra như mức phạt thì chưa đủ răn đe, nếu mức phạt hành chính quá thấp hoặc các doanh nghiệp có thể sẵn sàng trả tiền phạt thay vì đầu tư và bảo vệ dữ liệu. Đồng thời, chưa có quy định về trách nhiệm hình sự trong các trường hợp nghiêm trọng như đánh cắp, buôn bán dữ liệu cá nhân thì cần có chế tài mạnh hơn như truy cứu trách nhiệm hình sự. Cùng với đó là thiếu cơ chế giám sát và kiểm tra, nếu không có hệ thống thanh tra, kiểm tra định kỳ thì các quy trình có thể không được thực thi một cách hiệu quả”, đại biểu phân tích.
Đồng thời kiến nghị, tăng mức xử phạt hành chính, nghiên cứu mô hình các nước Châu Âu quy định mức phạt có thể lên đến 4% doanh thu toàn cầu của công ty vi phạm. Cùng với đó, bổ sung trách nhiệm hình sự cho các hành vi đánh cắp, mua bán dữ liệu, và nghiên cứu xây dựng cơ quan giám sát độc lập như các nước châu Âu làm.
Được biết, Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân gồm 7 Chương, 68 Điều được xây dựng dựa trên cơ sở luật hóa quy định của Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân ngày 17/4/2023 của Chính phủ.