Dự kiến trình Quốc hội thông qua vào ngày 11/11 tới nhưng Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường do Bộ TN-MT soạn thảo vẫn bị nhiều chuyên gia nhận định là còn nhiều "sạn".
Dù đã trải qua 7 lần soạn thảo và chuẩn bị tới ngày thông qua, nhưng khi bình luận về các quy định của Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi, ông Nguyễn Trọng An, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển môi trường sức khỏe (CHERAD) cho rằng có nhiều điểm trong Dự thảo Luật còn quá chung chung.
Trong các bản dự thảo này đều không thấy quy định rõ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) phải nêu những ảnh hưởng của dự án đến sức khỏe con người, sức khỏe động thực vật, trong khi đây là 2 đối tượng chính đối với bất kỳ bản ĐTM nào.
“Nhiều quy định trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đang còn chung chung, thể hiện ẩn dấu ý đồ khá tinh vi của người soạn luật. Đơn cử, trong dự thảo luật này không thấy thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm bảo vệ môi trường của ngành y tế, nói cách khác là vô hiệu hóa vai trò của y tế dự phòng. Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường dự kiến trình Quốc hội thông qua đang hạn chế quyền giám sát chất lượng, thông tin bảo vệ môi trường của người dân, giới chuyên gia, nhà khoa học…”, ông An nhận xét.
Trong khi đó, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP), nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay, Dự thảo Luật vẫn còn nhiều "sạn".
“Ví dụ như tại "Điều 12. Quy định chung về bảo vệ môi trường không khí" cần được chỉnh lại, bởi môi trường không khí là một vấn đề rất nóng hiện nay, nhưng các nội dung bảo vệ môi trường không khí trong dự thảo rất sơ sài, không chi tiết. Do vậy, cần xác định rõ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường không khí là gì: môi trường xung quanh, trong nhà; các địa phương, liên vùng, xuyên biên giới. Bên cạnh đó, cần có kiểm kê, đánh giá, kiểm soát các nguồn thải (cố định, di động, điểm, vùng…), các chất ô nhiễm cần ưu tiên trong giai đoạn tới (như PM2.5, ozon, VOC…), tiếng ồn độ rung”, ông Tùng nhận định.
Đặc biệt, tại "Điều 35. Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường" trong Dự thảo thiếu vắng quy định công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường (viết tắt là ĐTM) do chủ dự án nộp khi đề nghị thẩm định. Do đó, cần quy định công khai ĐTM để tăng cường trách nhiệm của chủ dự án, đơn vị tư vấn và nâng cao chất lượng của báo cáo ĐTM do chủ dự án nộp.
Cũng theo ông Tùng, "Điều 39. Trách nhiệm của cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường" trong Dự thảo vẫn còn thiếu sót khi không quy định công khai báo cáo ĐTM đã được phê duyệt. Cho nên, cần công khai báo cáo này như Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã yêu cầu.
Hơn nữa, Dự thảo chỉ mới quy định cơ quan quản lý công khai quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM, còn không công khai Hội đồng thẩm định. Công khai báo cáo ĐTM thì giao cho doanh nghiệp, không quy định thời điểm phải công khai, cách công khai. Về vấn đề này, ông Tùng cho rằng, cơ quan nhà nước cần công khai Hội đồng phê duyệt ĐTM, danh sách nộp hồ sơ thẩm định ĐTM, công khai nội dung thẩm định ĐTM, quy định thời điểm công khai đối với các nội dung cần công khai đúng theo tinh thần "Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra".
Với Khoản 4, Điều 12 qui định các nguồn khí thải lớn phải được quan trắc, đánh giá và kiểm soát theo quy định của pháp luật mà không nhắc tới các nguồn thải trung bình và nhỏ, TS. Hoàng Dương Tùng kiến nghị bổ sung nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường không khí và sửa quy định thành "tất cả các nguồn thải bụi, khí thải phải được quan trắc, đánh giá và kiểm soát".
Bên cạnh đó, ông Tùng cũng cho rằng cần thu hẹp các đối tượng phải làm ĐTM ở cấp bộ (chỉ với những dự án đặc biệt quan trọng, có nguy cơ ô nhiễm đặc biệt cáo), còn lại phân cấp cho địa phương.
Có thể bạn quan tâm
17:11, 12/08/2020
16:24, 12/08/2020
15:40, 11/06/2020