Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 11909/BTC-UBCK của Bộ Tài chính ngày 01/10/2018 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Con dâu- Bố chồng có phải người thân?
Góp ý về Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), VCCI cho biết, Dự thảo đã mở rộng khái niệm người có liên quan. Ngoài “cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh ruột, em ruột, chị ruột” như quy định của Luật Chứng khoán 2006 thì bổ sung thêm “con dâu, con rể, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu”.
Có thể bạn quan tâm
06:30, 30/11/2018
13:53, 23/10/2018
11:05, 04/10/2018
Tuy nhiên, quy định bổ sung “con dâu” nhưng lại không bổ sung “bố chồng, mẹ chồng”, sẽ dẫn đến con dâu là người có liên quan của bố chồng, nhưng bố chồng lại không phải là người liên quan đến con dâu. Tương tự là các quan hệ con rể - bố vợ, mẹ vợ; anh rể - em vợ; em rể - anh vợ, chị vợ; chị dâu - em chồng; em dâu - anh chồng, chị chồng.
Bên cạnh đó, Dự thảo mở rộng đến các quan hệ dâu, rể, nhưng lại không quy định về các quan hệ ông, bà - cháu ruột; cô, dì, chú, bác - cháu ruột. Đây được coi là những mối quan hệ huyết thống, vốn được coi là thân thiết hơn so với các quan hệ dâu, rể.
Theo VCCI, việc mở rộng này cũng cần cân nhắc đến gánh nặng chi phí tuân thủ của các cá nhân tham gia thị trường.
Cân nhắc điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng
Theo VCCI, việc nâng các điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng (điều 12) nhằm bảo đảm năng lực tài chính của công ty đại chúng là phù hợp với định hướng phát triển thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, Dự thảo lại đưa ra quy định chuyển tiếp yêu cầu các doanh nghiệp đã niêm yết phải đáp ứng điều kiện về vốn và cơ cấu cổ đông trong vòng 2 năm kể từ khi luật này có hiệu lực. Nếu sau 2 năm mà không đáp ứng thì doanh nghiệp sẽ bị hủy tư cách công ty đại chúng theo điều 37 của Dự thảo.
Theo thuyết minh của cơ quan soạn thảo, hiện tại có 1.954 công ty đại chúng, trong đó khoảng 18,4% công ty không đáp ứng được điều kiện về vốn điều lệ. Các doanh nghiệp này sẽ có 2 năm để tăng vốn lên 30 tỷ đồng hoặc sẽ bị hủy tư cách công ty đại chúng.
“Chính sách này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của các cổ đông đang nắm giữ chứng khoán của các doanh nghiệp này. Trong khi bản thân những doanh nghiệp này không hề có hành vi vi phạm pháp luật, không gây tác động xấu đến thị trường”, VCCI nhấn mạnh và đề nghị cơ quan soạn thảo hết sức cân nhắc về việc áp dụng quy định mang tính hồi tố như vậy.
Bên cạnh đó, Dự thảo đã nâng điều kiện có lãi từ 1 năm lên 2 năm đối với các công ty đại chúng muốn chào bán thêm chứng khoán ra công chúng. Tuy nhiên, việc sử dụng thủ thuật kế toán để có lãi phải được xem là một hành vi gian lận về việc cung cấp thông tin ra công chúng và cần phải được xử lý vi phạm, chứ không nên quy định về thời gian có lãi.
“Việc thay đổi thời gian có lãi không giải quyết được vấn đề khi doanh nghiệp tiếp tục sử dụng thủ thuật kế toán để có lãi trong 2 năm”, VCCI cho biết.
Cũng theo VCCI, việc cấm chào bán chứng khoán đối với toàn bộ các pháp nhân thương mại đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xoá án tích là không cần thiết. Bởi một số tội danh trong Bộ luật Hình sự không liên quan đến tài chính như tội gây ô nhiễm môi trường, tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã… thì không cần thiết phải cấm phát hành chứng khoán.
Hơn nữa, Bộ luật Hình sự đã có quy định về hình phạt cấm huy động vốn đối với pháp nhân thương mại. Trong đó, điều 81.2.b của Bộ luật Hình sự đã có nội dung “cấm phát hành, chào bán chứng khoán”.
Để đơn giản hoá thủ tục hành chính, thống nhất đầu mối quan lý và bảo đảm chất lượng công tác hậu kiểm, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng Bộ Tài chính (nơi ban hành các chuẩn mực kiểm toán) sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, công khai danh sách và kiểm tra các công ty kiểm toán trong lĩnh vực chứng khoán.
Ngoài ra, Điều 85 của Dự thảo quy định theo hướng công ty chứng khoán phải xin phép Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trước khi thực hiện một số hoạt động nhưng lại không có tiêu chí về điều kiện, hồ sơ, trình tự thủ tục để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận hoặc không chấp thuận đề nghị này. Quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho quá trình áp dụng, tạo cơ chế xin cho không cần thiết.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng nêu rõ điều kiện, hồ sơ, trình tự thủ tục để doanh nghiệp xin phép thực hiện các dịch vụ tại điều 85.1.c; liệt kê rõ các hoạt động mà công ty chứng khoán được và không được thực hiện theo điều 85.5.