Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi: Trăm dâu đổ đầu... người tiêu dùng

BẢO LAM 30/06/2020 06:28

Với dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, cơ hội đi xe giá rẻ của người dân không còn nữa. Doanh nghiệp phải phát sinh thêm chi phí, và cuối cùng mọi chi phí sẽ đổ lên người tiêu dùng.

Theo dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, sẽ có tổng cộng 17 hạng giấy phép lái xe, trong đó có 4 hạng được quy định không thời hạn và 13 hạng có thời hạn.

Đáng chú ý, dự thảo đã thêm giấy phép lái xe A0 và bằng lái xe máy thông dụng nhất hạng A1 đã được dự thảo thay đổi và ảnh hưởng đáng kể.

Những điểm mới cụ thể như sau:

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi quy định, trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau.

Dự thảo quy định, việc dùng tay sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là một trong những hành vi bị cấm, đồng nghĩa với việc quy định cấm sử dụng điện thoại di động khi lái xe được áp dụng với tất cả các tài xế khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, bao gồm cả tài xế xe ô tô.

Trong khi đó, theo luật hiện hành, chỉ người điều khiển xe mô tô 2 bánh, 3 bánh, xe gắn máy không được sử dụng điện thoại di động, không quy định đối với người điều khiển xe ô tô.

Theo dự thảo này, lái xe và người được chở khi ngồi trên xe ô tô phải thắt dây an toàn tại những vị trí có trang bị dây an toàn, quy định cũ chỉ lái xe và người ngồi hàng ghế trước thắt dây an toàn.

Cũng theo dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, dừng xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông trong thời gian không quá 5 phút, người điều khiển phương tiện không rời khỏi vị trí điều khiển phương tiện, trừ trường hợp xuống để đóng, mở cửa xe, xếp dỡ hàng hóa, kiểm tra kỹ thuật xe. Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện mà không phải là dừng xe.

Theo quy định hiện hành có tất cả 12 hạng Giấy phép lái xe: A1, A2, A3, A4, B1 (B1 số tự động và B1), B2, C, D, E, FB2, FD, FE.Bộ Giao thông Vận tải đề xuất chia Giấy phép lái xe thành 17 hạng khác nhau gồm A0, A1, A, B1, B2, B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE.

Đáng chú ý, lần đầu tiên có Giấy phép lái xe hạng A0 được cấp cho người lái xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có dung tích xi-lanh dưới 50cm3 hoặc có công suất động cơ điện không vượt quá 4kW.

Ngoài ra, Giấy phép lái xe hạng A1 được cấp cho người lái xe mô tô 2 bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 - 125cm3 (hiện nay là 50cm3 - dưới 175cm3) hoặc có công suất động cơ điện trên 4kW - 11kW.

Còn Giấy phép lái xe hạng A2 đang cấp cho người điều khiển các loại xe mô tô 2 bánh có dung tích trên 175cm3 và các loại xe quy định cho Giấy phép lái xe hạng A1 sẽ được gộp chung lại trong Giấy phép lái xe hạng A dành cho xe mô tô 2 bánh trên 125 cm3 hoặc có động cơ trên 11kW.

Dự thảo quy định rõ, người lái xe phải mang theo bản chính GPLX khi điều khiển phương tiện. Trong đó, GPLX gồm một trong các loại sau: Giấy phép lái xe do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; Giấy phép lái xe nước ngoài phù hợp với loại xe được phép điều khiển do quốc gia được công nhận theo nguyên tắc có đi có lại cấp, còn giá trị sử dụng; Giấy phép lái xe nước ngoài phù hợp với loại xe được phép điều khiển do quốc gia được công nhận theo điều ước quốc tế mà Việt Nam cùng là thành viên cấp, còn giá trị sử dụng; Giấy phép lái xe quốc tế và GPLX quốc gia phù hợp với loại xe được phép điều khiển do quốc gia là thành viên của Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp đối với người nước ngoài.

Dự thảo nêu rõ, tín hiệu xanh là báo hiệu được đi, trừ trường hợp hướng định đi tới đang bị ùn tắc nếu tiến vào nút giao thì sẽ không thoát ra khỏi nút giao trước khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang báo hiệu cho các hướng khác tiến vào nút giao.Điều này có nghĩa nếu người điều khiển phương tiện nhìn thấy đèn xanh tại nút giao cắt giữa các tuyến đường vẫn phải dừng lại nếu phía trước đang ùn tắc.

Dự thảo luật quy định người điều khiển phương tiện phải chú ý không để phương tiện của mình làm ảnh hưởng cho những người tham gia giao thông khác như gây ra tiếng ồn, làm bụi, khói mà thực tế có thể tránh được.Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ yêu cầu không bấm còi liên tục, đảm bảo âm lượng còi và tiếng ồn, khí thải theo đúng quy chuẩn môi trường. 

Điểm c, Khoản 1, Điều 35 của dự thảo quy định mỗi lần chuyển làn chỉ được phép chuyển qua 1 làn liền kề. Như vậy, nếu người lái xe trên cao tốc muốn chuyển từ làn ngoài cùng đến làn trong cùng thì sẽ phải di chuyển vào làn giữa, chạy ổn định rồi mới tiếp tục được chuyển sang làn trong cùng.

Người điều khiển phương tiện cơ giới phải giảm tốc độ và khi cần thiết phải dừng hẳn lại để nhường đường cho xe buýt, xe đưa đón học sinh thực hiện việc di chuyển ra, vào điểm dừng đón, trả khách trên đường. Trong bất cứ trường hợp nào, người điều khiển xe buýt, xe đưa đón học sinh phải luôn đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện tham gia giao thông khác.

Trao đổi với DĐDN về những thay đổi của Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) của Luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dự thảo lần này sẽ giúp hạn chế phần nào tình trạng xe dù bến cóc. Với các loại hình kinh doanh kiểu cũ, đây tiếp tục là hành lang pháp lý quan trọng giúp quản lý và phân loại các loại hình kinh doanh này.

Tuy nhiên, với các loại hình kinh doanh kiểu mới, việc kéo các loại hình kinh doanh mới này cho bằng các loại hình kinh doanh kiểu cũ sẽ không mang thêm bất kỳ sự thuận tiện nào trong việc quản lý.

"Mục đích của Dự thảo là để các loại hình kinh doanh bình đẳng nhưng tại sao dự thảo không tiếp cận theo hướng bỏ toàn bộ điều kiện kinh doanh cho các phương thức kinh doanh truyền thống mà lại gắn thêm điều kiện kinh doanh cho các phương thức kinh doanh kiểu mới?" - Luật sư Nguyễn Tiến Hòa đặt câu hỏi.

Theo ông Hoà, dường như Dự thảo vẫn thể hiện sự tiếc nuối đối với phương thức quản lý kiểu cũ bởi nội dung của Dự thảo nói trên vẫn chủ yếu là nêu lên sự bất cập quản lý, trở ngại đối với quản lý nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp nhưng lại “phớt lờ” lợi ích của người dân, doanh nghiệp và tổ chức sử dụng dịch vụ giao thông. Tất cả bức xúc hoặc hạn chế của người tiêu dùng không được lắng nghe, đề cập đến nhiều để làm đối trọng.

Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên chúng ta tranh cãi về việc quản lý kinh doanh vận tải ô tô như thế nào để đảm bảo hiệu quả, nhưng việc tranh cãi không đồng nghĩa với việc chúng ta phải đưa ra chính sách, công cụ quản lý, siết chặt các loại hình này.

Đồng thời, việc này cũng làm cho cơ hội đi xe giá rẻ của người dân không còn nữa. Tiếp theo đó, về phía doanh nghiệp, việc phải tuân thủ thêm các điều kiện kinh doanh sẽ khiến họ phát sinh thêm chi phí. Cuối cùng, mọi chi phí đó lại đổ lên người tiêu dùng.

Điểm đặc biệt của các phương thức kinh doanh kiểu mới chính là phương thức tính giá cước hoàn toàn phụ thuộc vào cung-cầu của thị trường thông qua phần mềm điện tử. Điều này thể hiện rất rõ khi vào giờ cao điểm, cầu vượt quá cao so với cung, giá cước Grab đẩy lên cao.

Mỗi lần như vậy, lại có một số luồng ý kiến cho rằng Grab độc quyền tăng giá, nhưng thực chất là taxi truyền thống cũng có đáp ứng được hết nhu cầu của thị trường đâu. Linh hoạt giá cước theo cung-cầu là nguyên lý của kinh tế thị trường.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự thảo Luật Giao thông đường bộ: Thêm giấy phép con, tạo điều kiện cho cơ chế xin-cho

    04:50, 20/06/2020

  • Dự thảo Luật Giao thông đường bộ: Làm rõ cơ chế thu phí, thu giá

    06:06, 05/06/2020

  • Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi: Còn nhiều quy định “cải lùi”?

    11:15, 04/06/2020

  • 5 sửa đổi đáng chú ý của Luật Giao thông đường bộ

    12:10, 02/06/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi: Trăm dâu đổ đầu... người tiêu dùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO