Dự thảo Luật Giao thông đường bộ: Thêm giấy phép con, tạo điều kiện cho cơ chế xin-cho

Huyền Trang 20/06/2020 04:50

VCCI cùng nhiều chuyên gia nhận định, một số quy định của Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sẽ làm gia tăng thủ tục không cần thiết, tạo gánh nặng không cần thiết cho doanh nghiệp.

Bộ Giao thông Vận tải đang tiếp tục lấy ý kiến Dự thảo lần 2 Dự thảo Luật Giao thông đường bộ.

Nhiều chuyên gia lo ngại, dự thảo Luật Giao thông đường bộ 2020 sẽ đẻ thêm nhiều “giấy phép con”

Nhiều chuyên gia lo ngại, dự thảo Luật Giao thông đường bộ 2020 sẽ đẻ thêm nhiều “giấy phép con”

Gia tăng thủ tục không cần thiết

Điều 103 Dự thảo quy định để lái xe kinh doanh vận tải bên cạnh việc phải có giấy phép lái xe (các hạng tương ứng với từng loại xe vận tải) người lái xe phải có “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải”.

Bình luận về quy định này, trong văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định đây là một loại giấy phép mới so với hiện hành.

Đáng nói, trong văn bản góp ý lần 1, VCCI đã có ý kiến về loại giấy phép này. Theo đó, VCCI nhận định, quy định người lái xe phải có chứng chỉ hành nghề kinh doanh vận tải sẽ tăng thủ tục xin-cho không cần thiết.

“Để được cấp giấy phép lái xe, người lái xe phải hoàn thành khóa đào tạo (đào tạo để cấp các loại giấy phép lái xe, đào tạo để nâng hạng giấy phép) và trải qua kỳ sát hạch để được cấp phép. Để được cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải, người lái xe lại tiếp tục được đào tạo “nghiệp vụ vận tải và kỹ năng lái xe an toàn” và tham gia kiểm tra để được cấp chứng chỉ”, VCCI nêu quan điểm.

VCCI cho rằng mục tiêu của “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải” được suy đoán là nhằm đảm bảo người lái xe kinh doanh vận tải có đủ kỹ năng lái xe an toàn, đảm bảo an toàn giao thông, tính mạng của khách hàng và người tham gia giao thông khác cũng như an toàn hàng hóa. Tuy nhiên, mục tiêu này cũng hoàn toàn trùng lặp với mục tiêu của “giấy phép lái xe” từng hạng xe (đặc biệt là các xe phục vụ mục tiêu kinh doanh là chủ yếu). Lái xe kinh doanh vận tải hay lái xe không kinh doanh (bao gồm cả vận tải nội bộ) thì đều phải đảm bảo yếu tố an toàn theo mục tiêu này.

“Nói cách khác, “giấy phép lái xe” đã đủ để bảo đảm mục tiêu suy đoán của “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải”, VCCI nhấn mạnh.

Ngoài ra, VCCI cũng cho rằng quy định này của Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sẽ làm tăng nguy cơ trùng lặp về nội dung đào tạo.

Đối với những góp ý này của VCCI, ban soạn thảo đã giải trình đối với góp ý trên là sẽ chỉnh lý Dự thảo theo hướng “khi học người lái xe có thể đăng ký để được đào tạo về nghiệp vụ hành nghề lái xe kinh doanh (nếu có nhu cầu) và được cấp đồng thời giấy phép lái xe và chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải”.

Theo giải trình này thì vẫn sẽ có chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải và thủ tục cấp giấy phép này sẽ được cấp đồng thời với giấy phép lái xe.

Tuy nhiên, VCCI nhấn mạnh rằng giải trình vẫn chưa lý giải về tính hợp lý phải có loại giấy phép này, nhất là giải trình các điểm VCCI đã nêu ở trên.

Vì vậy, nhìn dưới góc độ của tính hợp lý, mục tiêu quản lý nhà nước, cũng như tinh thần tinh giản thủ tục hành chính, VCCI bảo lưu ý kiến trên, đề nghị bỏ quy định về việc cấp “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải”.

Thêm gánh nặng cho doanh nghiệp

Đồng tình với góp ý trên của VCCI, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương – CIEM) cũng đề nghị bỏ quy định người điều hành hoạt động vận tải của đơn vị kinh doanh vận tải ô tô phải có chứng chỉ hành nghề điều hành vận tải.

“Việc phát sinh ra giấy phép con thế này chẳng khác gì cái chứng chỉ ngành in trước đây. Chẳng lẽ một người tốt nghiệp Đại học hay Thạc sỹ ngành Giao thông vận tải muốn làm kinh doanh trên lĩnh vực đúng chuyên môn vẫn cần phải học thêm một cái chứng chỉ ngành vận tải hay sao? 4 năm học đại học, 2 năm học thạc sỹ chưa đủ à?!”, bà Thảo nhấn mạnh.

Cũng theo bà Thảo,  “việc tăng quy định từ “có trình độ chuyên môn về vận tải” thành “có chứng chỉ hành nghề điều hành vận tải” là một hình thức áp đặt giấy phép con, tạo thêm gánh nặng thủ tục không cần thiết đối với doanh nghiệp.

“Quy định này buộc người điều hành hoạt động vận tải phải trải qua các khóa đào tạo và cấp chứng chỉ, dẫn tới việc thực hiện quy định chỉ là hình thức, đối phó cho đủ điều kiện. Đồng thời, quy định này cũng không giúp mục tiêu quản lý Nhà nước về an toàn vận tải trở nên hiệu quả hơn, bởi người điều hành vận tải không trực tiếp tham gia vào hoạt động lưu thông trên đường. Các quy định hiện tại trong Dự thảo về bằng lái xe, chất lượng phương tiện, sức khỏe tài xế… đã đủ để kiểm soát mục tiêu này”, bà Thảo nói.

Cùng quan điểm với bà Thảo, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng: “Nếu quy định như dự thảo thì điều kiện kinh doanh sẽ càng ngặt nghèo hơn, việc tuyển dụng lái xe ở các đơn vị kinh doanh vận tải sẽ càng khó khăn hơn, vận tải công cộng sẽ khó phát triển hơn”.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự thảo Luật Giao thông đường bộ: Làm rõ cơ chế thu phí, thu giá

    06:06, 05/06/2020

  • Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi: Còn nhiều quy định “cải lùi”?

    11:15, 04/06/2020

  • Dự thảo Luật Giao thông Đường bộ: Thêm thủ tục không cần thiết, gia tăng sự chồng chéo

    04:30, 24/05/2020

  • Dự thảo Luật Giao thông đường bộ tạo giấy phép con?

    04:55, 23/05/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ: Thêm giấy phép con, tạo điều kiện cho cơ chế xin-cho
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO