Nhiều chuyên gia khẳng định, việc mở rộng khung giờ làm thêm như trong Dự thảo Luật lao động sẽ giúp cả doanh nghiệp và người lao động cùng được lợi.
Trong dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) có đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về làm thêm giờ lên tối đa 400 giờ mỗi năm.
Có thể bạn quan tâm
00:00, 14/05/2011
05:00, 29/10/2018
11:30, 06/09/2018
Quy định giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm là quá ít
Theo lý giải của cơ quan soạn thảo, quy định giờ làm thêm hiện hành không quá 300 giờ/năm được đánh giá là quá ít. Thực tế nhiều doanh nghiệp đang vi phạm quy định này, do yêu cầu về các đơn hàng xuất khẩu nên số giờ tăng ca lớn hơn.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCN&CX Hà Nội cho rằng, đa số công nhân lao động là người ngoại tỉnh, phải thuê nhà trọ, chi phí đủ thứ, rồi nhà trọ nóng bức nên công nhân cũng muốn đến Công ty làm thêm để có thêm thu nhập và cũng có thêm được bữa ăn ca hoặc được ở trong nhà xưởng mát mẻ chứ nếu lương tối thiểu đã đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu thì họ chắc chắn không muốn làm thêm vì làm thêm rất vất vả.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cho rằng khi xem xét đề xuất tăng giờ làm thêm phải xem xét nhiều yếu tố. Tăng thời gian làm thêm giờ không phải là một giải pháp dài hạn để tăng cường sản xuất. Thời gian làm việc dài trong một tuần thường đi kèm tình trạng mệt mỏi, dẫn tới các vấn đề về sức khỏe. Bên cạnh đó, làm thêm giờ quá cao cũng kiến gia tăng sự nhầm lẫn khi làm việc, tăng nguy cơ tai nạn lao động.
Để giải quyết khó khăn thực tế của một số doanh nghiệp khi có những chu kỳ sản xuất đột xuất (chủ yếu là ngành dệt may, da giày, chế biến thủy sản), ông Lê Đình Quảng gợi ý, có thể nghiên cứu bỏ giới hạn làm thêm giờ trong tháng.
Theo các chuyên gia, dù bất cứ trong điều kiện nào, người lao động khi phải kéo dài thời gian làm việc cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động. Do vậy, thay vì kéo dài thời gian làm việc của người lao động, doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ nâng cao năng suất lao động.
Tuy nhiên, để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp nhưng vẫn bảo vệ quyền lợi của người lao động, cơ quan chức năng cần quy định theo hướng tiền lương của người lao động phải được doanh nghiệp trả lũy tiến - càng làm thêm giờ nhiều thì càng được hưởng cao. Có như vậy doanh nghiệp mới không huy động lao động làm thêm giờ tràn lan.
Cả doanh nghiệp và người lao động đều được lợi
Theo các chuyên gia lao động, nhu cầu làm thêm chủ yếu rơi vào nhóm doanh nghiệp thâm dụng lao động (dệt may, giày da). Đơn hàng từ đối tác của nhóm các doanh nghiệp này thường không ổn định dẫn đến việc phải hoàn thành gấp, từ đó chủ sử dụng lao động buộc phải thỏa thuận tăng ca với người lao động.
Ở góc nhìn của chủ sử dụng lao động, ông Wang Chen Yi, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Ever Win, cho rằng đây là một giải pháp tốt cho doanh nghiệp trong trường hợp người lao động không có nhu cầu làm thêm giờ, bởi làm thêm là thỏa thuận. “Nếu trường hợp người lao động có đủ sức khỏe và mong muốn làm thêm giờ để cải thiện thu nhập trong khi doanh nghiệp đang có nhu cầu thì đây là cơ hội để cả hai bên cùng có lợi” - ông Wang Chen Yi bày tỏ.
Bên cạnh đề xuất tăng giờ làm thêm vào Bộ luật lao động sửa đổi, Bộ Lao động -Thương Binh và Xã hội cần tăng cường công tác thanh tra lao động, có những quy định nghiêm ngặt hơn trong vấn đề làm thêm giờ cũng như quan tâm đến an toàn vệ sinh lao động, áp dụng các biện pháp phòng ngừa tốt hơn.