Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự: Cần quy định từng chính sách cụ thể

NGUYỄN VIỆT 09/11/2022 16:30

Với chính sách Nhà nước trong phòng thủ dân sự, dự thảo Luật còn quy định quá chung chung. Do đó, cần quy định cụ thể từng chính sách trong từng lĩnh vực để dễ thực hiện.

>>Bộ Công Thương bị "nghi oan” về giá xăng dầu?

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại phiên thảo luận dự án Luật Phòng thủ dân sự, ngày 9/11.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: QH

Đại biểu Phạm Văn Hòa ghi nhận thời gian qua, công tác phòng thủ dân sự đã đáp ứng được yêu cầu phòng chống, ứng phó khắc phục hậu quả thảm họa sự cố thiên tai, dịch bệnh, góp phần bảo vệ an ninh tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân. Tuy nhiên, phạm vi áp dụng bị chi phối bởi nhiều luật khác nhau như Luật Quốc phòng, Luật Phòng chống thiên tai, Luật An ninh quốc gia, Luật Phòng cháy chữa cháy…

Đại biểu nhấn mạnh việc thực tiễn trong công tác ứng phó, khắc phục thiên tai do các luật khác bị chi phối lại có nhiều, rất nhiều Ban Chỉ đạo, chỉ huy đôi lúc thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ. Do đó, cần phải có sự thống nhất chung trong tổ chức, thực hiện để mang lại hiệu quả và vì vậy việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là hết sức cần thiết. 

Góp ý về chính sách Nhà nước trong phòng thủ dân sự, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng dự thảo Luật còn quy định quá chung chung. Do đó, đề nghị cần quy định cụ thể từng chính sách cụ thể trong từng lĩnh vực để dễ thực hiện.

Về cấp độ phòng thủ dân sự, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng dự thảo quy định gồm 4 cấp và tương ứng mỗi cấp quy định trách nhiệm của chính quyền là cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị mỗi cấp độ phải thực hiện nhiệm vụ cần quy định cụ thể để tránh bỏ sót; đồng thời cần rõ hơn trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền.

Về thẩm quyền ban bố bãi bỏ các phòng thủ dân sự, dự thảo quy định giao ủy ban nhân dân cấp huyện, tỉnh ban bố bãi bỏ tình trạng khẩn cấp 1 - 2 trên địa bàn quản lý, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cân nhắc rà soát với các luật có liên quan để áp dụng tránh chồng chéo. Thực tế các luật chuyên ngành đã quy định cụ thể thẩm quyền của chủ thể quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực và từng cấp độ khác nhau.

Về thẩm quyền điều động, huy động lực lượng, phương tiện, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cần có chế tài trong trường hợp không chấp hành hoặc có những thực hiện nửa vời.

Đại biểu cũng chỉ rõ quy định về huy động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp còn chồng chéo với Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp. Do đó đề nghị dẫn chiếu, rà soát để tránh chồng chéo nhau.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cho ý kiến về quy định về cơ quan chỉ huy, chỉ đạo phòng thủ dân sự thống nhất Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự từ Trung ương đến tỉnh để thống nhất chỉ đạo tập trung, gọn đầu mối, phân công, phân cấp rõ ràng.

“Ngoài ra, đề nghị nói rõ ở cấp huyện, xã có Ban Chỉ đạo hay không? Về lực lượng phòng thủ dân sự, nên quy định rõ mỗi lực lượng tham gia cần cụ thể, trách nhiệm, lực lượng nào chủ trì, lực lượng nào làm nòng cốt”, đại biểu Phạm Văn Hoà bày tỏ.

>>Cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự

>>Tiếp tục xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn

Đại biểu Quốc hội Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc). Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc). Ảnh: QH

Góp ý vào khoản 5 Điều 9 của dự thảo Luật Phòng thủ dân sự quy định về hành vi làm hư hỏng, phá hủy trộm cắp trang thiết bị, công trình phòng thủ dân sự, đại biểu Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) đề nghị thay cụm từ “trộm cắp” bằng từ “chiếm đoạt” để bảo đảm tính bao quát và đầy đủ hơn.

“Bởi ngoài hành vi trộm cắp còn có thể có các hành vi khác chiếm đoạt trang thiết bị công trình phòng thủ dân sự. Đồng thời, bổ sung hành vi bị nghiêm cấm đó là hành vi thiếu trách nhiệm trong quản lý, sử dụng trang thiết bị công trình phòng thủ dân sự”, đại biểu Lê Tất Hiếu nói.

Tại Điều 11 về xây dựng kế hoạch phòng thủ dân sự, dự thảo luật quy định kế hoạch phòng thủ dân sự các cấp được xây dựng theo chu kỳ 5 năm và điều chỉnh hàng năm khi cần thiết. Cụ thể tại khoản 3,4,5 Điều 11, Kế hoạch phòng thủ dân sự bao gồm Phong tục dân sự quốc gia do Chính phủ ban hành, kế hoạch phòng thủ dân sự cấp Bộ do Bộ trưởng ban hành, kế hoạch phòng thủ dân sự địa phương do Chủ tịch UBND các cấp phê duyệt.

Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Tất Hiếu, kế hoạch phòng thủ dân sự ở các cấp sẽ có nội dung khác nhau do phạm vi áp dụng vào đối tượng thực hiện khác nhau. Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa lại theo hướng phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường, tình hình phát triển của các ngành kinh tế và cơ sở hạ tầng trên quy mô toàn quốc hoặc trong phạm vi cấp xây dựng kế hoạch phòng thủ.

Góp ý về quy định tại Điều 18 về các biện pháp được áp dụng khi có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố, dự thảo đã liệt kê một số biện pháp mà Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng nhưng đại biểu cho rằng chưa đầy đủ. Đại biểu Lê Tất Hiếu đề nghị bổ sung biện pháp huy động lực lượng, phương tiện ứng phó để bảo đảm cho việc thực hiện hiệu quả các biện pháp khác.

Ngoài ra, đại biểu Lê Tất Hiếu cũng góp ý vào khoản 2, Điều 23 về thẩm quyền điều động, huy động lực lượng, phương tiện; Điều 46 về chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp công tác tổ chức hỗ trợ lực lượng phòng thủ dân sự…

Có thể bạn quan tâm

  • Đại biểu Quốc hội: Phục hồi thị trường trái phiếu và chứng khoán để gỡ “nút thắt” vốn

    05:05, 01/11/2022

  • Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ việc chậm tiến độ Quy hoạch điện VIII

    03:30, 23/10/2022

  • Quốc hội thông qua Nghị quyết bầu ba tư lệnh ngành

    17:27, 21/10/2022

  • Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ GTVT

    10:00, 21/10/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự: Cần quy định từng chính sách cụ thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO