Bình luận

Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Bất cập tiền lương

Bích Ngọc 10/08/2024 21:00

Góp ý Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Dự thảo), nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục điều chỉnh một số nội dung nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được hoạt động lành mạnh và phát triển hiệu quả hơn.

qlv 64
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh và đoàn công tác Ủy ban kiểm tra thực địa, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xử lý dứt điểm Dự án TISCO2.

Theo kế hoạch, Dự thảo sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp tháng 10/2024, xem xét thông qua tại Kỳ họp tháng 9/2025 và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2026.

Phát huy sử dụng vốn nhà nước hiệu quả

Theo đó, việc ban hành Dự thảo được đánh giá là bước quan trọng để hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; tạo môi trường và hành lang pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đảm bảo tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp cùng việc tăng cường sự kiểm tra, giám sát của nhà nước trong quản lý, đầu tư vốn tại doanh nghiệp; đảm bảo doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường trong các ngành, nghề kinh doanh theo yêu cầu của Nhà nước.

Với bố cục gồm 9 chương, 92 điều, Dự thảo đã bổ sung một số điểm mới so với quy định tại Luật số 69/2014/QH13 (Luật số 69) để phù hợp yêu cầu thực tiễn phát sinh. Cụ thể, bổ sung đối tượng điều chỉnh; quy định rõ quy trình, thủ tục, phân công rõ nhiệm vụ các cơ quan, hồ sơ yêu cầu, nội dung thẩm tra đối với việc báo cáo Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư vốn vào doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Dự thảo cập nhật một số lĩnh vực mới mà Nhà nước cần đầu tư vốn tại doanh nghiệp; luật hóa quy định về trách nhiệm giải trình của cơ quan đại diện chủ sở hữu, doanh nghiệp nhà nước, người đại diện chủ sở hữu… về quản lý nhà nước tại doanh nghiệp, các vấn đề có liên quan trước Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan liên quan…

Các chuyên gia nhận định, Dự thảo luật lần này đã có những đánh giá tổng quát, bám sát cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn; thể hiện tinh thần quyết tâm đổi mới nhằm khắc phục một số tồn tại, hạn chế, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như đã báo cáo tại Tờ trình số 79/TTr- BTC ngày 17/4/2024 của Bộ Tài chính.

Đặc biệt, Dự thảo đã thể chế hóa một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo mới, đảm bảo phù hợp với sự thay đổi của hệ thống pháp luật có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Qua đó, góp phần đưa doanh nghiệp nhà nước tiếp tục phát triển nhanh, phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội.

Cần tiếp tục điều chỉnh

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, từ thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhiều ý kiến nhận thấy, Dự thảo còn có một số nội dung chưa phù hợp cần tiếp tục làm rõ, điều chỉnh nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao hơn nữa hiệu quả và phát triển lành mạnh. Nổi bật là vấn đề về lương.

Góp ý Dự thảo, bà Lê Ngọc Thùy Trang, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC) cho biết, Dự thảo lần này đã có những bước thay đổi khi đi vào các nội dung về sản xuất kinh doanh và quản lý Nhà nước.

Về vấn đề nhân sự, ở Dự thảo này, cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ quyết định các nhân sự chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng quản trị và thành viên hội đồng thành viên. Luật số 69 cũng có nội dung này, có nghĩa rằng hội đồng thành viên sẽ bổ nhiệm chức danh tổng giám đốc, nhưng thực tế không phải vậy mà chức danh này vẫn do các cơ quan chủ sở hữu bổ nhiệm.

Do vậy, bà Trang đề nghị, Ban soạn thảo cần lưu ý để thống nhất về vấn đề này. Nếu chúng ta thay đổi về nhân sự theo quyết định của Dự thảo lần này thì cần phải có sự thống nhất của Bộ Chính trị để ban hành các quy trình về các quy định, thẩm định của Đảng.

"Đã gọi là lương thì là thuộc về chi phí lao động, tức là phải vào chi phí chứ không thể nào vào lợi nhuận sau thuế. Lợi nhuận sau thuế người ta gọi là thù lao và tiền thưởng chứ không thể nào có tính chất tiền lương", Tổng Giám đốc HFIC nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Đại tá Nguyễn Năng Toàn, Phó Tổng Giám đốc TCT Tân Cảng Sài Gòn cho rằng, theo quy định hiện hành thì đây là khoản chi phí của doanh nghiệp. Với những doanh nghiệp Nhà nước mà kinh doanh thua lỗ, không hiệu quả thì không có nguồn để trả lương cho những người quản lý.

Hiện nay, đối với doanh nghiệp Nhà nước, không phải chỉ có chủ tịch là người đại diện chủ sở hữu mà thậm chí những người điều hành như tổng giám đốc cũng do chủ sở hữu bổ nhiệm.

“Nếu tách ra như vậy thì cùng một vị trí do chủ sở hữu bổ nhiệm nhưng người thì hưởng lương từ giá thành, còn người thì hưởng lương từ lợi nhuận, mà doanh nghiệp không có lợi nhuận thì người được hưởng từ lợi nhuận sẽ rất khó khăn và trong quản lý doanh nghiệp, từ đó sẽ tạo mâu thuẫn. Vì vậy, nội dung này cần được làm rõ và tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp”, ông Toàn đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Bất cập tiền lương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO