Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở chưa giải thích tự quản là gì, phạm vi và giới hạn đến những công việc nào, quy mô ra sao, do đó, đề nghị làm rõ khái niệm tự quản trong dự thảo luật.
>>Cân nhắc quy định thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, ngày 7/9.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhất trí với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là cách tiếp cận từ quyền công dân của dự thảo luật đã góp phần quan trọng thể chế hóa quan điểm của Hiến pháp về quyền làm chủ của nhân dân, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho nhân dân tham gia quản lý nhà nước và quản lý xã hội.
Đồng thời Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề xuất ý kiến về 2 nội dung trong dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (sửa đổi).
Thứ nhất, Điều 15 dự thảo luật nêu 6 nhóm vấn đề nhân dân bàn và quyết định, trong đó khoản 6 quy định "các công việc tự quản khác trong nội bộ cộng đồng dân cư không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội".
Tuy nhiên, dự thảo luật chưa giải thích tự quản là gì, phạm vi và giới hạn đến những công việc nào, quy mô ra sao, do đó, đề nghị làm rõ khái niệm tự quản trong dự thảo luật.
Việc làm rõ khái niệm tự quản cũng góp phần làm sáng tỏ nhiều quy định khác có liên quan, như tổ chức tự quản tại khoản 2 Điều 32, khoản 2 Điều 34; công việc tự quản tại khoản 3 Điều 49 hay nội dung tự quản tại khoản 5 Điều 67.
Tham khảo kinh nghiệm của một số nước và tổ chức quốc tế cho thấy, trong một số công ước của Tổ chức Lao động quốc tế ILO có quy định về công việc nhỏ phục vụ cộng đồng. Ở nước ta thì trong Luật Việc làm năm 2013 cũng có quy định về phạm vi của việc làm công hay trong dự thảo của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sẽ được thảo luận vào ngày mai cũng có quy định về công việc phục vụ cộng đồng, các quy định này cũng có thể tham khảo để làm rõ hơn về phạm vi tự quản trong dự thảo luật.
Thứ hai, về việc thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhất trí với quan điểm cho rằng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở được xây dựng trên cơ sở mối quan hệ của Nhân dân với Nhà nước. Quan hệ này là đương nhiên phát sinh giữa công dân Việt Nam với Nhà nước Việt Nam, thông qua việc thực hiện dân chủ ở cơ sở Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, thực hiện tham gia quản lý nhà nước và quản lý xã hội.
Trong khi đó, tại tổ chức sử dụng lao động thì quan hệ lao động là yếu tố đầu tiên, là tiền đề xác lập lên mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động, quyền và nghĩa vụ của các bên được các quy định pháp luật về lao động điều chỉnh, quan hệ này khác với quan hệ đương nhiên giữa Nhân dân với Nhà nước.
Người lao động tại nơi làm việc có 2 vai, một vai là người dân và một vai là người làm thuê cho người sử dụng lao động. Tại nơi làm việc, ưu tiên đầu tiên của lao động đó là phải vai thứ hai, tức là vai người làm thuê và phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về lao động là trước hết.
Như vậy, tại nơi làm việc pháp luật về lao động phải được ưu tiên hơn so với các pháp luật khác. Do đó, đề nghị hết sức cân nhắc việc quy định tại Chương IV của dự thảo luật, nhất là quy định về Ban Thanh tra nhân dân tại tổ chức sử dụng lao động từ Điều 79 đến Điều 82 của dự thảo. Trong dự thảo do Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 3 thì không mở rộng Ban Thanh tra nhân dân đến tất cả các loại doanh nghiệp mà chỉ đến doanh nghiệp khu vực nhà nước.
Vấn đề mở rộng trong dự thảo lần này cần được đánh giá tác động kỹ về nhiều mặt, như hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân có làm xơ cứng quan hệ lao động không, có ảnh hưởng đến quyền tự chủ, tự do kinh doanh của người sử lao động không?
Thời gian người lao động tham gia Ban thanh tra nhân dân này có được tính vào thời giờ làm việc để nhận tiền lương không? Ở những nơi chưa có tổ chức công đoàn thì kinh phí hoạt động của Ban thanh tra nhân dân do công đoàn cấp trên bảo đảm như theo dự thảo luật thì có phù hợp hay không?
Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay cả nước có khoảng 10,3 triệu người lao động là thành viên công đoàn ở 124.000 công đoàn cơ sở. Trong số 66.000 doanh nghiệp có trên 10 người lao động thì có 44.000 doanh nghiệp là có công đoàn cơ sở.
Như vậy, khoảng 1/3 là chưa có công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên cơ sở chịu trách nhiệm để đảm bảo kinh phí hoạt động cho Ban thanh tra nhân dân ở những doanh nghiệp này thì cũng là vấn đề cần phải đánh giá tác động kỹ.
Bên cạnh đó, chúng ta thành lập tổ chức Ban thanh tra nhân dân hay thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, trong pháp luật lao động không phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước với các doanh nghiệp khác, nếu bổ sung nội dung này trong phạm vi doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo ra sự không bình đẳng trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp nhà nước với các doanh nghiệp khác.
Trong trường hợp nếu như vẫn giữ lại quy định về dân chủ cơ sở tại tổ chức sử dụng lao động, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa có 2 ý kiến như sau.
>>Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Dân chủ phải gắn với sinh kế, dân trí, dân sinh
>>"Nếu thực hiện tốt dân chủ làm gì có hàng loạt cán bộ bị xử lý"
>>Dân chủ ở cơ sở: Thực tế đã xảy ra “phép vua thua lệ làng”
Một là, khoản 4 Điều 2 dự thảo luật mới chỉ đề cập đến tổ chức sử dụng lao động, trong khi theo Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động có hộ gia đình, cá nhân. Trước đây theo Nghị định số 78/2015 và Nghị định số 108/2018 của Chính phủ thì hộ gia đình, cá nhân kinh doanh thuê mướn từ 10 lao động trở lên phải thành lập doanh nghiệp.
Tuy nhiên, quy định này đã bị bãi bỏ bởi Nghị định số 01/2021 về đăng ký doanh nghiệp, theo Nghị định số 01/2021 hộ gia đình, cá nhân không bị giới hạn số lượng lao động được phép thuê mướn.
Theo thống kê năm 2021, nước ta có hơn 5 triệu hộ gia đình và cá nhân kinh doanh sử dụng 9 triệu lao động, chiếm tới 16,5 tổng số lao động của cả nước. Như vậy, trong trường hợp vẫn giữ quy định về dân chủ cơ sở ở tại nơi sử dụng lao động thì cần phải bổ sung chủ thể đó là hộ gia đình và cá nhân kinh doanh có sử dụng lao động.
Hai là, dự thảo luật kế thừa cơ bản các quy định về đối thoại thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc trong Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 145/2020 của Chính phủ. Đồng thời, dự thảo luật đã sửa khoản 4 Điều 63 của Bộ luật Lao động theo hướng thu hút các quy định về dân chủ cơ sở vào trong luật này, không quy định giao cho Chính phủ quy định trong Bộ luật Lao động.
Tuy nhiên, có nội dung được giữ nguyên như Nghị định 145, có nội dung được bổ sung và có nội dung lại bỏ ra nhưng chưa có tiêu chí cụ thể. Ví dụ, Điều 67 dự thảo luật quy định về những nội dung người lao động bàn và quyết định, dự thảo luật đã bỏ 2 nội dung quan trọng mà người lao động phải quyết định.
Đó là, việc tham gia tổ chức đại diện hoặc việc tham gia đình công trong quy định của Nghị định 145, trong khi vẫn giữ lại quy định về thương lượng tập thể trong Nghị định 145. Do đó, đề nghị xác định lại tiêu chí, nội dung nào do dự thảo luật quy định, nội dung nào do pháp luật về lao động quy định, từ đó rà soát sửa đổi, bổ sung cho thống nhất và phù hợp.
Có thể bạn quan tâm
17:00, 07/09/2022
13:10, 14/06/2022
12:38, 14/06/2022