Góp ý về quy định kiểm toán dự án PPP trong Dự thảo Luật về PPP tại kỳ họp Quốc hội 43, nhiều ý kiến khẳng định việc kiểm toán dự án PPP trước khi ký hợp đồng là vô lý.
Chiều 24/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp 43 và cho ý kiến về một số vấn đề lớn của luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư ( Dự thảo Luật về PPP).
Theo dự thảo, hoạt động kiểm toán Nhà nước thực hiện ở hai giai đoạn. Trước khi ký kết hợp đồng, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công.
Sau khi ký kết hợp đồng, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán đối với việc sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án PPP để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả dự án PPP…
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ quan điểm, dự án đối tác công – tư xét cho cùng vẫn là tài sản công nên vẫn cần Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán là nhưng nếu kiểm toán ngay giai đoạn hồ sơ là chưa hợp lý.
“Nếu chưa phát sinh mà kiểm toán hồ sơ thì không rõ sẽ kiểm toán gì”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng, khi chưa phê duyệt hồ sơ đã kiểm toán là vô lý.
“Quy định như dự thảo luật sẽ đặt cơ quan kiểm toán vào thế khó, trái với thông lệ, luật định”, ông Hải nói.
Về phần mình Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, hiện nay không doanh nghiệp nào tha thiết làm BOT, cầu đường. Giờ dự thảo luật lại quy định chưa làm đã kiểm toán hồ sơ, làm xong rồi thì kiểm toán lần 2.
Bà Ngân khẳng định trước khi có luật này, chúng ta đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia các dự án BOT nhưng do quản lý yếu kém dẫn đến nhiều vướng mắc. Luật này ra đời với mong muốn thu hút vốn của khu vực tư nhân để doanh nghiệp yên tâm tham gia đầu tư các dự án PPP.
“Ra luật này có thu hút được khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào các dự án đối tác công tư hay không, đó mới là vấn đề. Nhưng nếu tôi là doanh nghiệp, tôi đọc dự thảo luật này thì tôi chưa bỏ tiền ra đâu”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Từ đó, bà Ngân cho rằng, có nhiều vấn đề của dự thảo luật cần phải được rà soát, xem xét lại.
Kết luận phần thảo luận dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: Đây là Bộ Luật khó và còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện, cần thận trọng và tiếp tục thảo luận.
“Cần tiếp tục rà soát tính hợp hiến hợp pháp, có tính đặc thù nhưng phải đảm bảo được sự thống nhất trong hệ thống pháp luật. Nếu không tính toàn kỹ đến nguồn lực Nhà nước thì rất khó, cái nào tư nhân làm được thì để tư nhân làm. Cần phải làm rõ chính sách của Nhà nước có tác động như thế nào đến các dự án PPP, nhất là những dự án mà Nhà nước tham gia; dự án nào nhà nước hỗ trợ, dự án nào có sự góp vốn của nhà nước thì tài sản như thế nào, thu hồi vốn ra sao… cần có quy định cụ thể”, ông Hiển nhấn mạnh.
Từ đó, ông Hiển cũng đề nghị rà soát lại các dự án ưu đãi, quyền lợi của người dân. Khi nào chia sẻ rủi ro, chia sẻ đến mức nào, rủi ro nào nhà nước chịu và rủi ro nào nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm.
Có thể bạn quan tâm
19:32, 24/03/2020
13:15, 24/03/2020
16:58, 20/03/2020
Bên cạnh đó vấn đề đấu thầu cần phải rà soát lại, nhất là những vấn đề liên quan đến đất đai, quốc phòng – an ninh. Về mức đầu tư, cần tính toán có một mức tối thiểu, nhưng cần căn cứ đến vùng sâu, vùng xa thì vốn đầu tư như thế nào. Nghiên cứu kỹ đến trật tự ưu tiên trong đầu tư. Thẩm quyền quyết định thuộc Quốc hội hay Chính phủ khi quyết định đầu tư.
“Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư cần tiếp tục rà soát lại và tiếp thu các ý kiến của Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị đưa ra Hội nghị chuyên trách của Quốc hội thảo luận, cần thiết thì xin ý kiến Bộ Chính trị trước khi đưa ra Quốc hội thảo luận”, ông Hiển khẳng định.