Dự thảo Quy hoạch Điện VIII (Kỳ 4): Cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư

THY HẰNG 26/02/2021 04:40

Dự thảo đề xuất nhiều cơ chế chính sách để triển khai thực hiện, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển ngành điện.

Dự thảo Quy hoạch Điện VIII nêu rõ, tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 khoảng 128,3 tỷ USD, trong đó cho nguồn điện là 95,4 tỷ USD, cho lưới điện khoảng 32,9 tỷ USD.

 Giai đoạn 2021 – 2030, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỷ USD

Giai đoạn 2021 – 2030, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỷ USD cho phát triển điện lực.

Vốn đầu tư lớn

Cơ cấu trung bình vốn đầu tư nguồn và lưới là 74%/26%. Giai đoạn 2021 – 2030, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỷ USD (9,5 tỷ USD cho nguồn và 3,3 tỷ USD cho lưới).

Cùng với đó, tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2031-2045 khoảng 192,3 tỷ USD, trong đó: cho nguồn điện là 140,2 tỷ USD, cho lưới điện khoảng 52,1 tỷ USD. Cơ cấu trung bình vốn đầu tư nguồn và lưới là 73%/27%. Giai đoạn 2031 – 2045, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỷ USD (9,3 tỷ USD cho nguồn và 3,4 tỷ USD cho lưới).

Do nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 lớn để tăng nguồn vốn đầu tư và cải thiện các chỉ tiêu tài chính theo yêu cầu của nhà tài trợ nước ngoài là: tỷ lệ tự đầu tư tối thiểu 25% và tỷ lệ thanh toán nợ tối thiểu là 1.5 lần và lợi nhuận của NPT khoảng 3%, trong giai đoạn 2021-2025 giá truyền tải cần tăng từ 84,9 đ/kWh năm 2020 lên đạt 137,3 đồng/kWh năm 2025, và đạt khoảng 130 đồng/kWh giai đoạn 2026-2030.

Cùng với đó, như dự thảo phân tích, nhu cầu vốn đấu tư hàng năm cho chương trình phát triển nguồn và lưới điện lên tới khoảng 13 tỷ USD/năm giai đoạn 2021 - 2030, trong khi yêu cầu ngày càng cao về môi trường của các tổ chức quốc tế trong việc xem xét các khoản tín dụng hỗ trợ phát triển nguồn và lưới điện cũng đặt ra nhiều áp lực và thách thức cho việc thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII.

Để giải quyết vấn đề này, Quy hoạch điện VIII đã đề xuất nhiều cơ chế chính sách để triển khai thực hiện, trong đó có tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu trong và ngoài nước để đầu tư các công trình điện, áp dụng biện pháp chuyển tiết kiệm trong nước thành vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Trong giai đoạn đầu, Nhà nước bảo lãnh phát hành trái phiếu cho các dự án điện trọng điểm, cấp bách. 


Thực hiện liên doanh trong nước và nước ngoài nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước tham gia xây dựng phát triển cảng trung chuyển nhập than, cơ sở hạ tầng cho các dự án phát triển LNG. 


Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào phát triển các dự án điện một cách hợp lý. Ưu tiên các dự án FDI có thể thanh toán bằng tiền trong nước, hoặc thanh toán bằng đổi hàng và không yêu cầu bảo lãnh của Chính phủ. 


Tăng cường thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài, bao gồm: vốn viện trợ phát triển chính thức ưu đãi, viện trợ phát triển chính thức không ưu đãi, vay thương mại nước ngoài,... 


Khuyến khích đa dạng hóa các hình thức đầu tư. Xem xét các bảo lãnh Chính phủ hợp lý cho các dự án nguồn điện đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Chuyển bảo lãnh về đảm bảo điện năng phát điện sang hình thức khác, khuyến khích nhà máy BOT tham gia thị trường điện.

Tăng cường sử dụng các công cụ tài chính quốc tế đa dạng khác, huy động tối đa nguồn vốn nội địa trong nước để phát triển hạ tầng điện lực. 


Đặc biệt khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực phát điện, bán buôn, bán lẻ điện theo cơ chế thị trường 


“Hút” vốn tư nhân qua cơ chế giá

Theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh nguồn vốn nhà nước đầu tư vào các dự án điện ngày càng khó khăn, việc thu hút đầu tư tư nhân được xem là giải pháp khả thi nhằm tìm "lối đi" cho ngành này thời gian tới. Muốn "hút" vốn tư nhân, mấu chốt nhất vẫn là phải đảm bảo cơ chế giá hấp dẫn. 

Thu hút tư nhân được xem là giải pháp cho vấn đề nguồn vốn đầu tư phát triển.

Thu hút tư nhân được xem là giải pháp quan trọng cho vấn đề nguồn vốn đầu tư phát triển ngành điện giai đoạn tới.

Về vấn đề này, chuyên gia năng lượng Nguyễn Thành Sơn đánh giá, khó khăn lớn nhất khi thu hút tư nhân đầu tư vào các dự án điện là về mặt vĩ mô chứ không phải khó khăn của từng dự án. Theo đó, vốn chưa hẳn là vướng mắc khiến các dự án IPP chậm tiến độ mà là kỹ thuật và giá mua điện từ các dự án.

Từ phía nhà đầu tư, ông Ngô Quốc Hội, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang cho biết, theo quy định hiện hành tại Luật Các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bị giới hạn bởi quy định cho vay đối với một dự án không quá 15% và đối với nhóm khách hàng có liên quan không quá 25% vốn tự có của ngân hàng. Với quy định như vậy, nhu cầu vay vốn từ ngân hàng trong nước của dự án nhà máy điện nói trên rất khó khăn. 

Hơn nữa, lãi suất vay vốn các ngân hàng trong nước để thực hiện các dự án điện IPP rất cao, dẫn đến giá điện bán cho Tập đoàn điện lực Việt Nam cũng cao vượt giá trần quy định khiến các dự án khó thu xếp vốn trong bối cảnh hiện nay. Đối với nguồn vốn ngân hàng nước ngoài, các tổ chức tài chính quốc tế đưa ra điều kiện tiên quyết phải có bảo lãnh của Chính phủ Việt Nam, trong khi hiện nay Chính phủ hạn chế bảo lãnh vay vốn đối với các dự án. 

(Kỳ 5): Áp dụng công nghệ 4.0 trong truyền tải

Có thể bạn quan tâm

  • Dự thảo Quy hoạch Điện VIII (Kỳ 3): Nguy cơ mất cân đối điện vùng miền

    04:30, 25/02/2021

  • Dự thảo Quy hoạch Điện VIII: (Kỳ 2) Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo lên tới 44%

    16:00, 24/02/2021

  • Dự thảo Quy hoạch điện VIII: (Kỳ 1) Biểu giá bán lẻ điện có gì mới?

    11:00, 24/02/2021

  • Quy hoạch điện VIII có thể được phê duyệt vào năm 2021

    11:20, 09/11/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dự thảo Quy hoạch Điện VIII (Kỳ 4): Cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO