Trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư đã phát sinh một số vướng mắc về hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Dominic Scriven - Chủ tịch Quỹ đầu tư DargonCapital về vấn đề này.
- Luật Đầu tư 2014 được Quốc hội 13 thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 và tiếp tục được sửa đổi, bổ sung vào năm 2016 có quy mô và mức độ cải cách lớn trong nhiều ngành, lĩnh vực. Vậy ông đánh giá thế nào về thu hút đầu tư nước ngoài của VN thời gian qua kể từ khi Luật có hiệu lực?
Đầu tư nước ngoài đã tạo ra một phương thức thu hút đầu tư mới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, "khơi dậy" và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư trong nước. Hiện nay, vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư xã hội, hơn 20% trong GDP.
Đầu tư nước ngoài cũng giúp tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với trên 3,5 triệu lao động trực tiếp và khoảng 4 - 5 triệu lao động gián tiếp.
Đồng thời, giúp nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao nguồn nhân lực kỹ thuật cao; đặc biệt là trong một số ngành như dầu khí, điện tử, viễn thông, tin học, cơ khí chế tạo và dệt may, giày dép.
Hiện nay 59,4% vốn đầu tư nước ngoài tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp.
Qua đó giúp Việt Nam có điều kiện tiếp cận với nhiều công nghệ hiện đại, tiên tiến của thế giới, tạo điều kiện góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, như: điện tử, phần mềm, công nghệ thông tin, cơ khí chính xác, dầu khí...
Đầu tư nước ngoài còn giúp thúc đẩy cải cách doanh nghiệp nhà nước, đổi mới thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế giúp Việt Nam mở rộng quan hệ đối ngoại; giúp quảng bá thương hiệu quốc gia, từng bước nâng cao thế và lực của nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Tuy nhiên, tôi cho rằng những quy định về thủ tục liên quan tới hoạt động đầu tư của Luật Đầu tư vẫn chưa thực sự rõ ràng và cụ thể hoá. Vì vậy, cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, một số khái niệm về đầu tư kinh doanh, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài hay chấp thuận chủ trương đầu tư cần được làm rõ. Đặc biệt là các quy định liên quan tới quy trình đầu tư cũng được chi tiết và cụ thể hoá nhằm tránh tình trạng hiểu không thống nhất giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý.
Đồng thời luật sửa đổi phải hướng tới việc cắt giảm chi phí đầu tư kinh doanh thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động đầu tư kinh doanh. Mở rộng, nâng cao quyền tự chủ của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư kinh doanh và quản lý doanh nghiệp phù hợp thực tiễn.
Đặc biệt cần làm rõ "tổ chức kinh tế có sở hữu chi phối của nhà đầu tư nước ngoài" để làm rõ tiêu chí về quyền kiểm soát doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với tiêu chí xác định công ty "mẹ con" quy định của Luật Doanh nghiệp.
- Liên quan tới vấn đề nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, theo ông Luật cần phải sửa đổi theo hướng nào?
Bãi bỏ thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không làm tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp. Làm rõ quy trình, thủ tục, điều kiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của các tổ chức, cá nhân cũng như doanh nghiệp có vốn nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: Tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới 51% lên 51% trở lên và tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên trong tổ chức kinh tế.
Vấn đề nới room chiếm 80% là bức xúc của nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ cần xem xét lại điều 23 của Luật Đầu tư liên quan đến việc các doanh nghiệp Việt Nam có sở hữu nước ngoài trên 51% thì xem là doanh nghiệp ngoại. Đây là điều không phù hợp, tạo ra cạnh tranh không công bằng cho các doanh nghiệp. Hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang rất bối rối trong việc xác định tỷ lệ sở hữu, khái niệm nhà đầu tư nước ngoài để định hướng đầu tư.
Bởi vậy, để tạo điều kiện và thu hút đầu tư nước ngoài, cần quy định cụ thể trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp để nhà đầu tư nước ngoài có thể xác định địa vị pháp lý và điều kiện đầu tư, mức vốn bao nhiêu, lĩnh vực như thế nào nhằm xây dựng mục tiêu hợp lý.
Chúng ta phải quy định rõ ràng về nhà đầu tư nước ngoài trong 2 bộ luật này để đồng hành và không bị vênh so với các luật chuyên ngành. Đối với khối ngân hàng, hiện nhiều ngân hàng thương mại đang nỗ lực tăng vốn do đó, chúng tôi kiến nghị Chính phủ cho phép các ngân hàng mở room ngoại từ 30% lên 49%...
Đồng thời sửa đổi, bổ sung Điều 31 theo hướng loại bỏ một số dự án đầu tư thuộc diện phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 31 Luật Đầu tư; bao gồm dự án có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên, các dự án mà điều kiện đầu tư, kinh doanh đã được quy định cụ thể tại điều ước quốc tế và pháp luật có liên quan như dự án của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, báo chí, thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ 100% vốn nước ngoài….