Sau 4 lần đưa ra lấy ý kiến, Dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô còn nhiều điểm bất cập, chưa tháo gỡ được khó khăn cho các doanh nghiệp.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ô tô, năm 2016, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xây dựng Nghị định bổ sung, sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Đến nay, sau 4 lần được đưa ra lấy ý kiến, nhiều chuyên gia cho rằng Dự thảo sửa đổi Nghị định còn nhiều điểm bất cập, trói buộc các doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Có thể bạn quan tâm
09:47, 06/04/2018
10:49, 21/04/2017
Bà Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Bộ GTVT đã bãi bỏ 12 điều kiện kinh doanh, nhưng lại bổ sung thêm 85 điều kiện. Trong đó, có 64 điều kiện bổ sung mới và 21 điều kiện theo quy định chung cần phải quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Như vậy, nhìn tổng thể thì dự thảo Nghị định này đã “cắt 1 thêm 3”, mở rộng thêm các điều kiện kinh doanh, đi ngược lại mong muốn của Chính phủ và của chính Bộ khi mục tiêu là cắt giảm điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính.
Một trong những điều kiện đối với xe hợp đồng vận tải là trước khi thực hiện hợp đồng phải gửi thư điện tử nội dung hợp đồng, danh sách hành khách về cho cơ quan quản lý tuyến. Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho biết: "việc gửi email nội dung trước khi thực hiện hợp đồng là không thực hiện được". Ông Thanh cũng cho rằng việc ra điều kiện như vậy tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các cơ quan thanh kiểm tra, gây khó cho doanh nghiệp, gây tốn kém cho doanh nghiệp.
Một số chuyên gia cũng nhận định, việc dự thảo quy định “Loại hình vận tải hành khách dưới 9 chỗ thành dịch vụ taxi và xe hợp đồng điện tử” là chưa hợp lý. Bởi nếu tách ra như vậy, đồng nghĩa sẽ có thêm nhiều quy định khác nhau để quản lý 2 loại hình này, trong khi thực chất đây đều là hoạt động vận tải hành khách.
Theo ông Trương Đình Quý, Phó TGĐ Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (VinaSun), có thực sự tồn tại hợp đồng điện tử hay không, hay nó chỉ là phương thức giao dịch, một mô hình kinh doanh? Bởi vì điện tử ở đây là một phần mềm ứng dụng đặt xe, gọi xe. Nó chỉ là một phương thức để bổ sung tiện ích cho một loại hình hoạt động chứ nó không thay thế và không đẻ ra một mô hình kinh doanh. Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, Dự thảo Nghị định 86 quy định doanh nghiệp công nghệ phải đáp ứng điều kiện kinh doanh và điều kiện hoạt động như đơn vị vận tải là không hợp lý. Bởi nó làm biến đổi bản chất hoạt động của đơn vị cung cấp phần mềm và triệt tiêu ưu điểm của dịch vụ kết nối mang lại, biến nó thành kênh liên lạc.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, dự thảo Nghị định này còn nhiều điểm bất cập, chưa tháo gỡ được khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải. Đặc biệt, khi mà Chính phủ, các Bộ, ngành đang đẩy mạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh.