Đây là một trong những quy định gây tranh cãi tại Dự thảo thông tư hướng dẫn Luật Quản lý thuế.
Các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm kê khai, nộp vào ngân sách số tiền đã khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của các nhà cung cấp ở nước ngoài như Google, Facebook, Amazon...
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 126 về hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đang được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến.
Theo đó, các trang mạng nước ngoài là Google, Facebook, Amazon, Apple... phải có nghĩa vụ đăng ký, kê khai và nộp thuế khi bán hàng, cung cấp dịch vụ ở Việt Nam.
Trước đó, trong một thời gian dài các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam (đặc biệt là Google, Facebook, YouTube) gần như không phải nộp thuế, dù doanh số được xác định lên tới hàng trăm triệu USD/năm. Câu chuyện lách, né thuế của các “đại gia” công nghệ gây bức xúc dư luận, đặc biệt đối với những người nộp thuế đầy đủ, minh bạch.
Để khắc phục tình trạng trên, ngày 1/6/2019, Quốc hội khoá 14 đã thông qua Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 với hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2020. Mới đây, Bộ Tài chính đã chính thức công bố dự thảo nghị định, thông tư hướng dẫn. Trong đó, có 11 điều liên quan đến việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số.
Theo Bộ Tài chính, các nhà cung cấp nước ngoài sẽ được đăng ký thực hiện giao dịch thuế điện tử hoặc đăng ký thuế trực tiếp để từ đó có trách nhiệm kê khai và nộp thuế.
Cơ quan thuế ở Việt Nam có quyền phối hợp với cơ quan thuế ở nước ngoài để trao đổi, đôn đốc nhà cung cấp ở nước ngoài kê khai, nộp thuế; truy thu thuế đối với nhà cung cấp ở nước ngoài nếu chứng minh được nhà cung cấp ở nước ngoài kê khai, nộp thuế không đúng thực tế; phối hợp với các cơ quan khác của nhà nước để thực hiện và các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài không tuân thủ nghĩa vụ thuế tại Việt Nam.
Bình luận về quy định này, ông Nguyễn Văn Được - Tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín - cho hay trên thực tế ngân hàng có thể thu ngay thuế của các tổ chức, cá nhân nếu các trường hợp này giao dịch trực tiếp tại ngân hàng. Tuy nhiên, với các trường hợp trả bằng thẻ tín dụng cá nhân, sẽ khó thu được thuế ngay.
Ông Được băn khoăn là sau khi ngân hàng chuyển cho Tổng cục Thuế thông tin về giao dịch thanh toán qua thẻ và các hình thức khác mà chưa khấu trừ và nộp thuế thay, việc thu thuế sẽ thực hiện thế nào và ai là người nộp thuế?
Theo ông Được, về bản chất, thuế phải do nhà thầu nước ngoài nộp nhưng do các tổ chức nước ngoài, trong đó có Google, Facebook đều quy định giá bán hàng hóa, dịch vụ là giá net (giá cuối cùng mà người mua phải trả). Do vậy người mua phải trả trọn tiền cho các tổ chức này mới được cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
"Đúng bản chất thì phải trích trừ thuế trên số tiền trả cho tổ chức nước ngoài. Còn nếu ngược lại, sau khi ngân hàng báo cáo cho ngành thuế số tiền mà cá nhân trả cho nhà thầu nước ngoài, nếu cơ quan thuế yêu cầu trích thuế từ tài khoản của cá nhân thì như vậy cá nhân sẽ phải trả thay thuế cho các ông lớn", ông Được nói.
Chính vì thực tế này mà thời gian qua không ít cá nhân và doanh nghiệp đã lách bằng cách trả tiền quảng cáo cho Google, Facebook qua thẻ tín dụng cá nhân rồi sau đó hợp thức hóa bằng cách khác.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 06/03/2021
02:25, 06/03/2021
16:09, 05/03/2021