Nhà nước không có ngân sách, mà nếu có đi nữa thì ngân sách phải dùng vào việc khác, chứ không phải dùng để cứu BOT thua lỗ.
>>BOT thua lỗ, khó – khổ đừng “đổ” lên ai
Theo cổng thông tin Bộ Giao thông Vận tải, Bộ này vừa kiến nghị Chính phủ bố trí 10.340 tỷ đồng mua lại 8 dự án BOT hạ tầng giao thông do Bộ quản lý đang gặp khó khăn, thua lỗ. Đây là lần thứ hai Bộ kiến nghị nội dung này.
Trong 8 dự án BOT được đề xuất mua lại, có 4 dự án đặt sai vị trí trạm, 1 dự án có phương án thu phí không khả thi và 3 dự án bị phá vỡ phương án tài chính. Nhiều năm qua, cơ quan nhà nước và nhà đầu tư đã cố gắng tìm giải pháp nhưng không khả thi.
Ở thời điểm hiện tại, đề xuất mua lại 8 dự án BOT vấp phải các luồng quan điểm trái chiều. Một số ý kiến cho rằng phương án dùng ngân sách nhà nước mua lại 8 dự án BOT sẽ giúp nhà đầu tư hưởng lợi vì không phải mất thời gian để hoàn vốn, không mất công vận hành, mà vẫn được trả tiền một lần.
Điểm chung của các dự án BOT này có thể nhận ra đó là, các nhà đầu tư chỉ biết nghĩ đến lợi nhuận của chính họ chứ không quan tâm đến lợi ích quốc gia, lợi ích của cộng đồng và người tiêu dùng.
Vì thế, có nhiều vấn đề được đặt ra như: Có tư tưởng “lời ăn lỗ đẩy Nhà nước” chịu không? Nếu Nhà nước mua lại các trạm BOT này thì sẽ tính phí như thế nào? Bài toán quản lý hiệu quả sau khi mua?...
Dĩ nhiên, các chuyên gia cũng chẳng ngồi yên hoặc im lặng trước đề xuất trên của Bộ GTVT. Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc này thể hiện yếu kém của Bộ GTVT trong vấn đề xây dựng các phương án, giải pháp để tận dụng năng lực của xã hội. Tức là việc xây dựng không sát thực tế, không mang tính pháp lý, không thể hiện tính khoa học và tính hợp lý khi xây dựng các phương án cho nên bị đổ vỡ… Nếu mua lại, cái thiệt lại về cho Nhà nước còn cái lợi lại về cho tư nhân.
Danh sách 8 dự án BOT gồm dự án BOT cầu đường sắt Bình Lợi và cải tạo luồng sông Sài Gòn; dự án BOT đường vành đai phía Tây thành phố Thanh Hóa; dự án BOT nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 91 thành phố Cần Thơ; dự án BOT Thái Nguyên-Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3; dự án BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Đắk Lắk; dự án BOT cầu Thái Hà; dự án BOT cầu Việt Trì-Ba Vì; dự án BOT hầm đường bộ Đèo Cả.
Đồng quan điểm, ông Lê Thanh Vân - Ủy viên thường thực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, không đồng ý việc chi ngân sách để mua lại các dự án BOT. Theo ông Vân, dự án đi chệch mục tiêu, thua lỗ thì việc đầu tiên phải xem xét là trách nhiệm cá nhân, tập thể đã cho lập, thẩm định, quyết định triển khai dự án. Bên cạnh đó, hiện nay trong dự toán chi ngân sách cho đầu tư công và chi thường xuyên cho phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đều không có dự toán cho việc mua lại các dự án BOT. Việc chi ngân sách để mua lại dự án BOT sẽ tạo tiền lệ xấu để nhà đầu tư cứ thực hiện dự án không hiệu quả là đẩy trách nhiệm sang Nhà nước.
>>“Đề xuất cứu các nhà đầu tư BOT thua lỗ không thuyết phục”
Thực tế cho thấy, vấn đề mua lại các dự án BOT thua lỗ là một vấn đề phức tạp và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm nhiều yếu tố như tình hình kinh tế, chính trị và tài chính. Chẳng hạn:
Thứ nhất: Xét yếu tố lợi ích công cộng. Việc mua lại các dự án BOT thua lỗ có thể đảm bảo tiếp tục cung cấp dịch vụ tốt hay không? Điều này có thể có lợi cho người dân và nền kinh tế nói chung hay không?
Thứ hai: Về khả năng tài chính. Trước khi quyết định mua lại, Chính phủ cần đánh giá khả năng tài chính của mình để đảm bảo có đủ nguồn lực để mua lại và điều hành các dự án. Nếu không, việc mua lại có thể gây thêm áp lực tài chính lên ngân sách. Tức là, cần xem xét kỹ lưỡng giá trị thực tế của các dự án BOT. Việc mua lại có thể gây thiệt hại tài chính cho Nhà nước.
Thứ ba: Tác động đến thị trường. Việc mua lại các dự án BOT thua lỗ có thể gây tác động đến thị trường và tạo ra sự không công bằng giữa các nhà đầu tư đã thực hiện dự án thành công và những nhà đầu tư gặp khó khăn. Đáng lo ngại ở chỗ như ông Lê Thanh Vân nói ‘việc chi ngân sách để mua lại dự án BOT sẽ tạo tiền lệ xấu để nhà đầu tư cứ thực hiện dự án không hiệu quả là đẩy trách nhiệm sang Nhà nước’.
Thứ tư: Bài toán quản lý. Nếu quyết định mua lại được thực hiện, cần đảm bảo rằng các dự án sẽ được quản lý và vận hành hiệu quả để tránh lỗ thêm trong tương lai.
Thiết nghĩ, Chính phủ cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Thậm chí, nếu cần thiết cũng cần phải chấp nhận thà đau một lần, nhưng cắt khối ung nhọt khỏi cơ thể thì mới mạnh khỏe. Có như vậy mới tập trung phát triển kinh tế trong trật tự tốt hơn được.
Có thể bạn quan tâm
11:30, 15/05/2021
04:50, 13/05/2021