Sở NN&PTNT Quảng Nam đã có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị cho phép chuyển giao tàu cá của ngư dân Trần Văn Liên cho chủ tàu mới. Nhưng vấn đề vẫn kẹt ở khâu bồi thường ra sao?
Có thể bạn quan tâm
17:00, 30/05/2018
11:39, 02/06/2018
Chiều ngày 4/6, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam Ngô Tấn cho biết, đã chính thức ký văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cho phép chuyển giao tàu cá QNa 94679 TS của ngư dân Trần Văn Liên trú tại xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam được đóng theo nguồn vốn vay Nghị định 67 cho chủ tàu mới.
Tỉnh muốn các bên cùng tìm giải pháp
“Để đảm bảo quyền lợi của các bên, Sở NN&PTNT kính đề nghị UBND tỉnh, Ban chỉ đạo 67 của tỉnh cho phép chuyển giao tàu cá QNa- 94679-TS cho chủ tàu mới, nhận nợ theo tinh thần Nghị định số 17/2018 của Chính phủ…”, công văn nhấn mạnh.
Theo ông Liên cho biết ông được tỉnh Quảng Nam chọn cho phép vay theo Nghị định 67 để đóng con tàu mới từ nguồn vốn vay ngân hàng hơn 15 tỷ đồng. Tàu đóng xong chuẩn bị vươn khơi thì máy chính của tàu bị hư hỏng khiến tàu phải nằm bờ hơn 3 năm nay. Các bên liên quan đùn đẩy trách nhiệm và ông đã đưa vụ việc ra tòa án.
Để giải quyết những vướng mắc, các bên liên quan đã nhiều lần ngồi lại bàn bạc nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Tại cuộc họp ngày 24/5 với các bên liên quan, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Quảng Nam thông báo dừng cho ông Liên vay vốn khoảng 7,5 tỉ đồng còn lại trong hợp đồng tín dụng, đồng thời đề nghị chuyển tàu cho chủ khác do khoản vay trên 7,6 tỉ đồng trước đó của ông Liên đã chuyển sang nợ xấu, không có khả năng trả nợ.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho biết tỉnh Quảng Nam sẽ làm hết sức mình để giải quyết dứt điểm những vướng mắc của vụ tàu 67. Sau khi có văn bản của cơ quan chức năng, UBND tỉnh sẽ họp với các đơn vị liên quan để tìm giải pháp tốt nhất đảm bảo quyền lợi cho ông Liên và các bên liên quan.
Ba cấp tòa án chưa có lời giải
Theo hồ sơ vụ tàu 67 của ông Liên gặp sự cố nằm bờ 3 năm nay tại Tòa án cho biết: Ngày 29/3/2016, tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 của ông Liên vừa hạ thủy, chạy thử thì hỏng máy. Đơn vị đóng tàu (Công ty Bảo Duy) và đơn vị cung cấp máy (Công ty CP Tập đoàn Liên Á) đổ lỗi cho nhau nên ông Liên khởi kiện ra tòa.
Sau khi thụ lý vụ án và đến ngày 30/8/2017, TAND TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đưa ra xét xử công khai và tuyên Cty Bảo Duy bồi thường cho ông Liên 2,8 tỉ đồng. Ngày 30/1/2018, TAND tỉnh Quảng Nam xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của Cty Bảo Duy, buộc Cty Liên Á hoàn trả cho ông Liên 1,57 tỉ đồng. Không đồng tình với bản án, Công ty Liên Á làm thủ tục giám đốc thẩm.
Vụ án kéo dài đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Theo thông tin mới nhất, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng chấp thuận đề nghị của Cty Liên Á, có văn bản yêu cầu Chi cục Thi hành án Dân sự quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) hoãn thi hành bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Quảng Nam trong 3 tháng. Văn bản ký ngày 25/5.
Theo ông Liên:” Nếu chuyển tàu cho chủ khác mà không giải quyết quyền lợi chính đáng và hoàn trả số tiền ông cầm cố nhà cửa và vay mượn hơn 1 tỷ đồng để làm vốn đối ứng và sắm ngư cụ thì ông sẵn sàng tự sát chết trên con tàu cả đời mình mơ ước”.
Sở NN&PTNT Quảng Nam phải vào cuộc và xử lý việc ngư dân Trần Văn Liên (trú tại xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Đây là ý kiến của ĐBQH Lê Công Nhường, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khi trao đổi với DĐDN bên hành lang Quốc hội. Lãnh đạo Quảng Nam phải vào cuộc Theo ông Nhường, Nghị định 67/2014 là chủ trương rất đúng của Đảng và Nhà nước nhằm giúp người dân được vay vốn để vươn khơi, bám biển và làm giàu cho mình. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi vẫn còn những vấn đề chưa phù hợp, chưa như mong muốn. Những con tàu đóng ra không đạt chất lượng ở Bình Định cũng như trường hợp của gia đình ngư dân Trần Văn Liên (trú tại xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đã phải “nằm bờ”. ĐBQH Nhường cho rằng, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cần xem xét cụ thể để từ đó có đề xuất tháo gỡ cho ngư dân Trần Văn Liên và việc này phải được giải quyết một cách thấu đáo. - Nếu như Nghị định 67 giống như một phao cứu sinh thì trong trường hợp này lại đẩy ngư dân vào tình cảnh khánh kiệt vì nợ nần. Theo ông, cần có giải pháp quan trọng nào để giải quyết những vướng mắc? Theo tôi, các tỉnh miền Trung và Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn cũng nên có một cuộc tổng kết lại để đánh giá việc triển khai Nghị định này như thế nào. Những trường hợp thành công cũng như thất bại cần có đánh giá khách quan nhất, từ đó trình lên Chính phủ để chỉnh sửa Nghị định này sao cho tốt nhất. Đồng thời qua đó có phương án cụ thể giải quyết trường hợp của ngư dân Trần Văn Liên. - Cụ thể trong trường hợp ngư dân Quảng Nam này sẽ phải giải quyết theo hướng nào, thưa ông? Ở đây phải xem xét thấu đáo lại việc ngư dân Trần Văn Liên thực hiện Nghị định 67 như thế nào, bên cạnh đó tìm hiểu xem ai tư vấn cho ngư dân này mua tàu. Tôi nghĩ rằng, hơn ai hết Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Quảng Nam phải vào cuộc và xem lại hồ sơ như ngư dân này vay thế nào, ai tư vấn, ai đứng sau lưng “tư vấn”. Vì bình thường, Nghị định 67 thông qua ngân hàng cho vay vốn, Sở nông nghiệp sẽ tư vấn cho ngư dân nên đóng tàu ở đâu. - Nếu ngư dân bị mắc cạn giữa các bên như vậy thì trước mắt xử lý thế nào để ngư dân không phải chịu cảnh “khánh kiệt” và tự biến mình thành con nợ, thưa ông? Như tôi đã nói, cơ sở để giải quyết việc này là chỉ có cách thông qua tổng kết lại mấy năm thực hiện Nghị định 67 được và mất gì, bao nhiêu phần trăm các con tàu được đóng ra khơi bám biển thành công, những trường hợp thất bại thì có nguyên nhân từ đâu. Từ tổng kết đó mới có biên bản của các ngành và kiến nghị giải quyết cho trường hợp ngư dân này. Còn ngoài ra không có cá nhân hay cơ quan nào có thể giải quyết được. Chỉ có những đề nghị sau khi có bản đánh giá về Nghị định 67 với những ưu, khuyết điểm ra sao thì mới có thể viện dẫn sự việc để giải quyết giúp cho ngư dân Trần Văn Liên. NGUYỄN VIỆT thực hiện |