Ông bà xưa có câu: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, ý muốn chỉ rằng không còn lựa chọn nào khác mới chọn ngành sư phạm, một nghề được xem là làm vì đam mê chứ không thể giàu.
Thế hệ của tôi sau khi tốt nghiệp cấp 3, mỗi người một lựa chọn ngành để thi đại học, cả khối chỉ có một bạn nữ chọn ngành sư phạm để thi vào. Lý bạn ấy chọn sư phạm chỉ đơn giản là nhà 3 đời làm nghề giáo dục và bạn ấy cần tiếp bước vì không biết chọn ngành nào để thi.
Ngành sư phạm không còn là ưu tiên của các bạn trẻ khi lựa chọn ngành nghề. Ảnh: Vũ Hồng Tâm
Thực tế hiện nay tại các trường đại học, cao đẳng có ngành giáo dục cho thấy số lượng thí sinh chọn nghề giáo rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chính vì thế, nhiều trường dù đã chuyển đổi tên ngành học để thu hút nhưng vẫn không thể tuyển sinh đủ số lượng, đành phải bỏ ngành sư phạm này ra khỏi danh mục tuyển sinh của trường.
Thực trạng trên đã kéo theo sự thiếu hụt trầm trọng nhân sự của ngành giáo dục trong các cấp. Số lượng giáo viên biên chế trường công đã lớn tuổi, thế hệ kế cận không nhiều và chỉ tập trung ở các môn học có thể dạy thêm như toán, lý, hóa, ngoại ngữ, sinh… Với những môn học khác, việc tuyển giáo viên giảng dạy là một bài toán khó cho các trường công cũng như trường tư.
Nhiều trường hiện nay đã có tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” trong dạy học vì tình trạng thiếu giáo viên dẫn đến chất lượng dạy và học không đảm bảo. Được biết để đáp ứng yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) học sinh phải được học tối thiểu 32 tiết/tuần (tương đương 9 buổi/tuần), phải bảo đảm được tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp. Nhưng thực tế, cố gắng lắm trường mới tuyển được 1 giáo viên/lớp. Nhiều khi hiệu trưởng phải đứng lớp thay giáo viên khi nhà họ có việc bận.
Cô Lê Thu Hà - Giáo viên trường tiểu học số 2 (Tịnh Khê, Quãng Ngãi) cho biết, từ năm học 2020-2021, theo chương trình triển khai giáo dục phổ thông mới với lớp 1, yêu cầu đội ngũ nhà giáo phải đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận năng lực người học. Việc soạn bài, chuẩn bị bài, thiết kế các hoạt động để học sinh được tương tác chiếm rất nhiều thời gian của giáo viên kể cả trên lớp và ngoài giờ. Để làm được điều này buộc giáo viên phải mang việc về nhà và cũng áp lực hơn rất nhiều cho giáo viên khi còn phải lo cơm nước gia đình, chồng con.
“Vì sự nghiệp giáo dục và vì học sinh của mình, chúng tôi luôn cố gắng nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ, nhưng gia đình đâu phải ai cũng hiểu và thông cảm cho công việc của mình, nhất là chuyện việc nhiều mà đồng lương vẫn không thay đổi”. - cô Hà ngậm ngùi.
“Chính việc thiếu hụt nhân sự đã đang gây áp lực lớn đối với các trường và thầy cô. Nhiều giáo viên cho biết, công việc, áp lực tăng, nhưng lương nhận không đủ để trang trải các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu. Cũng vì những điều này mà hiện nay nhiều giáo viên bỏ việc để tìm công việc khác hoặc chuyển qua dạy thêm, cộng tác theo giờ để có mức thu nhập tốt hơn, cùng với số lượng người chọn sư phạm ít nên việc tuyển dụng nhân sự cho ngành giáo dục gặp rất nhiều khó khăn”. - Cô Phùng Thảo Vy - Bộ phận nhân sự trường mầm non, cấp 1 Lotus Garden education chia sẻ.
Theo số liệu của Bộ GDĐT, hiện nay toàn quốc thiếu khoảng 95.000 giáo viên. Trong đó, hơn một nửa là giáo viên mầm non với số lượng là 48.000 giáo viên, bậc Tiểu học thiếu 21.000 giáo viên, bậc Trung học cơ sở thiếu 15.000 giáo viên và bậc THPT thiếu 11.000 giáo viên.
Đào tạo giáo viên sư phạm chưa tương xứng với thực tế. Ảnh: Quốc Tuấn
Không biết từ lúc nào, sư phạm đã không được xem là một nghề có vai trò quan trọng trong xã hội, định kiến này đã ăn sâu vào mỗi gia đình, mỗi bạn trẻ khi bắt đầu chọn nghề. Câu nói “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” vẫn còn được xem là một lời khuyên khi chọn nghề thì nỗi lo về đội ngũ nhà giáo và những loay hoay trong bài toán nhân sự giáo dục sẽ chưa thể có hồi kết.
Để thay đổi định kiến xã hội là một điều không thể một sớm một chiều, nhưng vẫn có hướng giải quyết bắt đầu từ chính những nhà quản lý giáo dục. Đó là nâng cao chất lượng tuyển sinh và đào tạo đầu vào, cam kết bố trí việc làm theo thực tế địa phương sau khi ra trường cho các thí sinh theo học ngành sư phạm. Mặt khác, thu nhập của giáo viên cũng là một điều đáng bàn bởi hiện tại, mức lương của giáo viên vẫn được cho là... không đủ sống.
Nếu giải được bài toán đầu ra cho đội ngũ giáo viên bằng những quyết sách thực tế như trên, người viết tin rằng, nguồn lực giáo viên các cấp sẽ đảm bảo cho việc dạy và học không có tình trạng thiếu hụt như hiện nay.
Đặc biệt, định hướng về nghề sư phạm chắc chắn sẽ là ưu tiên trong lựa chọn ngành nghề của đa số gia đình vì suy cho cùng thì “có thực mới vực được đạo”.
Có thể bạn quan tâm
04:05, 20/04/2021
04:18, 12/04/2021
05:00, 26/10/2020
05:15, 20/08/2018
17:04, 11/06/2018
14:24, 30/05/2018