Thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ để rà soát, đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn của các dự án đầu tư.
Đây có thể được xem là giải pháp trước mắt khi tình trạng đùn đẩy công việc lên cấp trên vẫn đang là một tồn tại rất lớn trong quản trị quốc gia.
Tại cuộc gặp gỡ giữa UBND TP HCM với các doanh nghiệp bất động sản mới đây, rất nhiều doanh nghiệp cho rằng, lãnh đạo thành phố cũng đã nghe các khó khăn này một lần và đã từng chốt việc giải quyết vướng mắc cho các dự án đình trệ cũng với mốc thời gian là cuối tháng 4/2020.
Tuy vậy, tới nay các vấn đề khó khăn được đưa ra vẫn hầu như dậm chân tại chỗ. Lãnh đạo thành phố rất quyết tâm nhưng không hiểu sao mà cứ ra đến cơ quan chuyên môn thì dự án lại tắc.
Đơn cử như trường hợp của Novaland, chủ đầu tư này còn có đến 10 dự án gặp vướng mắc dù các kiến nghị đã được lặp đi lặp lại tại nhiều cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và doanh nghiệp trong nhiều năm qua.
Trong khi ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng đầu tư bất động sản Lê Thành cho biết, tại dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên, huyện Bình Chánh, dù đã được UBND TP.HCM chỉ đạo trực tiếp tháo gỡ vướng mắc, nhưng sau 3 năm thực hiện dự án, nay lại bắt đầu “bước thứ nhất”.
Kết quả giám sát của HĐND TP HCM về tiến độ và hiệu quả đầu tư các công trình giao thông trọng điểm cho thấy, trong tổng số 172 dự án giai đoạn 2016 - 2020, TP đã hoàn thành 37 dự án (tỷ lệ 21,51%); chưa thực hiện 70 dự án (chiếm 40,7%); đang dừng thi công 65 dự án.
Ở một “đầu tầu” khác, tại Hà Nội, theo Báo cáo mới đây của Sở KH&ĐT, trên địa bàn thành phố có 2.907 dự án đầu tư ngoài ngân sách, trong đó 977 dự án triển khai chậm tiến độ. Theo đánh giá của Sở KH&ĐT Hà Nội, nhìn chung tiến độ triển khai nhiều dự án còn chậm.
Trước thực trạng đó, mới đây trong văn bản số 88/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc với Bộ KH&ĐT, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì, đề xuất việc thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ để rà soát, đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn của các dự án đầu tư tại các trung tâm, thành phố lớn.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên các tổ công tác của chính phủ được thành lập nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm hoạt động Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, sau 5 năm hoạt động, Tổ công tác đã thực hiện 104 cuộc kiểm tra đối với 22 bộ, cơ quan ngang bộ; hai cơ quan thuộc Chính phủ; 44 địa phương; 12 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước… Kết quả, việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao khi có Tổ công tác đã chuyển biến rất tích cực. Số nhiệm vụ quá hạn chỉ chiếm 1,8%, giảm gần 25% so với thời điểm Tổ công tác thành lập.
Tuy nhiên theo Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam (PCI) 2020 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố mới đây chỉ rõ: tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân cho biết sự ưu đãi cho công ty lớn (cả nhà nước và tư nhân) là cản trở đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp năm 2020 vẫn ở mức 53,9%.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, hiệu quả, hiệu lực thực thi tại địa phương cần được đẩy mạnh. Mặc dù môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã có chuyển biến tích cực nhưng chất lượng thực thi cấp huyện thị và sở ngành vẫn là một điểm nghẽn lớn. Vẫn có tới 73,5% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “Có những sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa được thực thi tốt ở các Sở, ngành”. Tương tự, 60% doanh nghiệp cho biết “Lãnh đạo tỉnh có chủ trương, chính sách đúng đắn nhưng không được thực hiện tốt ở cấp huyện”.
Chính vì vậy, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ để rà soát, đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn của các dự án đầu tư có thể chỉ là giải pháp cấp bách trước mắt.
Thủ tướng yêu cầu sớm tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện để sửa đổi quy chế làm việc của Chính phủ. Trước mắt thực hiện theo hướng đoàn kết, thống nhất cao; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch.
Chính phủ, Thủ tướng chỉ giải quyết những việc thuộc thẩm quyền, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân gắn với đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm cá nhân.
Ông Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban về Các vấn đề Xã hội của Quốc hội: Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng đã nhắc đến việc Chính phủ sẽ không làm thay công việc của bộ ngành, địa phương, nhưng thực tế tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên khá phổ biến. Như vậy, họ coi Chính phủ như một “túi càn khôn” để đẩy việc lên. Điều đó đương nhiên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc xử lý các vấn đề mang tính vĩ mô của Chính phủ, của Thủ tướng. Chính phủ phải chấn chỉnh nghiêm túc bằng kỷ luật tình trạng đùn đẩy trách nhiệm từ cấp dưới lên trên. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM: Trong năm 2020, HoREA đã thống kê có đến 126 dự án đầu tư, dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp hiện nay trên địa bàn TP.HCM đang bị ngừng triển khai. Tình trạng chậm trễ trong thủ tục hành chính không những gây khó cho doanh nghiệp, mà còn góp phần đẩy giá đất nền và căn hộ thứ cấp do thiếu hụt nguồn cung mới, tạo ra sự bất ổn trên thị trường bất động sản. |
Có thể bạn quan tâm
04:00, 22/04/2021
08:28, 21/03/2021
19:21, 24/02/2021
13:45, 18/02/2021
04:10, 28/01/2021
04:30, 24/12/2020