Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chịu trách nhiệm xem xét, quyết định việc dừng triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa.
Khó thu hút được nhà đầu tư…?
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề phát sinh theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để thu xếp nguồn vốn, thực hiện đầu tư theo đúng quy định.
Dự án có điểm đầu Km10+000, thuộc huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương và điểm cuối tại km82+574, giao với đường tỉnh ĐT 825 và tuyến tránh Hậu Nghĩa tại phía Nam thị trấn Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Tuyến đường đi qua các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Long An. Theo dự kiến, tuyến đường trên đạt quy mô cao tốc hạn chế 4 làn xe theo hình thức BOT.
Mặc dù văn bản không nói rõ nguyên nhân dừng dự án nhưng theo Bộ GTVT, phương án tài chính dự án không khả thi để có thể kêu gọi các nhà đầu tư tham gia. Cụ thể, để hoàn thiện, nâng cấp tuyến Chơn Thành - Đức Hòa có chiều dài 73,55 km đạt tiêu chuẩn cao tốc 4 làn xe cần tối thiểu 6.964 tỉ đồng, với mức phí dịch vụ sử dụng đường bộ khởi điểm là 1.900 đồng/xe tiêu chuẩn/km, thời gian hoàn vốn dự án dự kiến là 24 năm 3 tháng. Tuy nhiên, sau khi cập nhật lại lãi suất huy động, đơn giá, định mức mới tổng mức đầu tư dự án đã tăng lên 7.135 tỉ đồng.
Để đảm bảo tính khả thi, Bộ GTVT dự tính mức phí sử dụng đường bộ khởi điểm là 2.100 đồng/xe tiêu chuẩn/km nhưng thời gian hoàn vốn kéo dài tới 32 năm. Do vậy, Bộ GTVT lo ngại mức phí 2.100 đồng/xe tiêu chuẩn/km vượt quá sức chi trả của người dân và thời gian hoàn vốn 32 năm là quá dài nên rất khó thu hút nhà đầu tư tham gia.
Kéo dài thời gian hoàn vốn?
Theo ông Phạm Văn Cường – Đại diện Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1, nhận định: Với tổng mức đầu tư dự án đã tăng lên 7.135 tỉ đồng, mức thu phí 2.100 đồng/xe tiêu chuẩn/km và thời gian hoàn vốn kéo dài tới 32 năm sẽ khó thu hút được nhà đầu tư tham gia “vì tâm lý chung, nhà đầu tư rất khó lòng chờ đợi thời gian thu vốn kéo dài như vậy”. Do đó, nếu Nhà nước áp dụng phương án này để kêu gọi đầu tư e ngại là không khả thi.
Mục đích của doanh nghiệp khi đầu tư vào dự án là tối đa hóa lợi nhuận, và thời gian đầu tư, thu hồi vốn… càng nhanh càng tốt để xoay vòng triển khai các dự án khác, cũng đảm bảo được chi phí cơ hội của doanh nghiệp hiệu quả và không bị bỏ lỡ - ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, với thời gian thu phí kéo dài tới 32 năm sẽ phát sinh ra rất nhiều các hạng mục, trong đó có việc biến động về lãi suất, tỉ giá và chưa kể với thời gian thi phí 32 năm sẽ làm phát sinh ra hàng loạt các văn bản về thời gian quy định, chờ phê duyệt, xin ý kiến…(vì theo quy định, các dự án BOT đã thực hiện trước đó chỉ có mức thu, thời gian hoàn vốn tối đa là 25 năm) – ông Cường nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
14:30, 13/06/2019
17:44, 12/06/2019
02:11, 14/06/2019
11:00, 27/05/2019
Tương tự, đại diện một doanh nghiệp đầu tư hạ tầng tại Biên Hòa, Đồng Nai, cho hay: Tổng mức đầu tư là 7.135 tỉ đồng không phải là con số quá lớn đối với một nhà đầu tư chuyên nghiệp, mạnh về tài chính, năng lực… Tuy nhiên, so sánh mặt bằng chung, điều kiện cũng như tính đặc thù thì: “Dự án đường Hồ Chí Minh, được đánh giá không mấy hấp dẫn do lượng phương tiện tham gia giao thông không nhiều, bên cạnh đó, thời gian thu phí kéo dài tới 32 năm mức với thu phí 2.100 đồng/xe tiêu chuẩn/km cũng là một trở ngại cho người dân cũng như các phương tiện tham gia giao thông, điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý nhà đầu tư vì sợ bị người dân và chủ phương tiện phản ứng".
Cũng theo vị đại diện này, với quãng đường hơn 70 km với 2 trạm thu phí như phương án mà Bộ GTVT dự kiến thì thời gian thu phí hoàn vốn đã kéo dài 32 năm. Và liệu vấn đề này có vướng phải quy định về khoảng cách đặt trạm thu phí là 70km/trạm theo quy định trước đó hay không (vấn đề này đã từng bị người dân phản ứng về khoảng cách đối với các trạm thu phí trước đó…)? Việc thời gian thu phí 32 năm có vướng vào quy định và phải xin ý kiến của các Bộ ngành, Chính phủ… hay không, thời gian để làm việc này mất khoảng bao lâu? Đó là câu hỏi mà nhà đâu từ đang quan tâm trước khi quyết định tham gia đầu tư – vị đại diện nói.
Năm 2016, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh có tờ trình phê duyệt đề xuất dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Đức Hòa thuộc các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Long An theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) cho 72,5km với tổng số tiền là 2.107 tỷ đồng. Dự án có điểm đầu km10+000, thuộc huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Điểm cuối tại km82+574, giao với đường tỉnh ĐT825 và tuyến tránh Hậu Nghĩa tại phía nam thị trấn Hậu Nghĩa, thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Giai đoạn trước mắt đầu tư xây dựng tuyến đường có quy mô tương đương đường cấp 3 với hai làn xe, bề rộng nền đường 12,25m và vận tốc 100km/giờ. Tổng mức đầu tư cho tuyến đường đoạn Chơn Thành-Đức Hòa là 2.107,8 tỷ đồng. Trên đoạn tuyến đường sẽ có 14 cây cầu với bề rộng 12,25m và nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên dự kiến khoảng 472ha…. Dự kiến, dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Đức Hòa đặt hai trạm thu phí tại km44+500 (trạm chính tại địa phận tỉnh Tây Ninh) và km75+500 (trạm phụ tại địa phận tỉnh Long An) để thu phí hoàn vốn cho dự án đồng thời chỉ thu phí một lần đối với các phương tiện đi qua cả hai trạm. Mức thu phí theo Thông tư số 159/2013/TT-BTC ngày 14/11/2013 của Bộ Tài chính, dự kiến 03 năm điều chỉnh một lần, mức tăng tạm tính 15%/3năm. Thời gian hoàn vốn khoảng 22 năm 11 tháng. Nếu được Bộ Giao thông Vận tải thông qua, dự án dự kiến khởi công quý 4/2016, hoàn thành năm 2018. Thời gian xây dựng khoảng 24 tháng. Ngày 11/6/2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chịu trách nhiệm xem xét, quyết định việc dừng triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa theo hình thức hợp đồng BOT. |