Tại thị trường Đức, khi nhắc đến ngành dệt may đi kèm với nó là tiêu chuẩn Oeko tex 100.
Tại chương trình tìm hiểu cơ hội hợp tác và đầu tư mới giữa doanh nghiệp Việt Nam và Đức do Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức cùng Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam tổ chức mới đây, nhiều doanh nghiệp Đức đã tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp Việt Nam trong ngành dệt may. Cụ thể, là các sản phẩm dành cho trẻ em, có tiếp xúc trực tiếp với da ở diện rộng và lâu dài. Tuy nhiên, để vượt qua “vòng loại”, doanh nghiệp Đức yêu cầu tất cả các nguyên liệu phải được chứng nhận theo tiêu chuẩn Oeko-tex 100.
Tiêu chuẩn này do viện kiểm nghiệm Hohenstein Đức và Institute für Oekologie, Technik und Innovation ÖTI (Wien/Áo) công bố và áp dụng vào năm 1992. Đây là hệ thống kiểm nghiệm và cấp chứng chỉ đã được đồng nhất trên khắp thế giới cho các nguyên liệu thô, bán thành phẩm và sản phẩm trong ngành dệt may.
Theo đó, chứng chỉ này được gia hạn 1 năm/lần, vì vậy, mỗi năm sau khi hết hạn, các doanh nghiệp phải gia hạn. Điều này đảm bảo chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp trước khi xuất xưởng.
Được biết, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 300 doanh nghiệp, trong đó bao gồm doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nội và doanh nghiệp liên doanh hoạt động trong ngành dệt may đã được chứng nhận Oeko tex 100.
Tuy nhiên, rõ ràng con số 300 doanh nghiệp so với con số khoảng gần 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành dệt may là quá nhỏ bé.
Trao đổi với DĐDN, ông Trần Trọng Khôi, đại diện Viện Kiểm nghiệm Hohenstain tại Việt Nam nhận định: “Việc tuân thủ tiêu chuẩn Oeko tex 100 này không những không chồng chéo với các tiêu chuẩn khác mà còn mang lại lợi ích cho doanh nghiệp trong ngành dệt may khi muốn thực hiện các hoạt động xuất khẩu vào các thị trường thế giới nói chung và đặc biệt là EU”.
Hiện nay ở Việt Nam có khoảng 300 doanh nghiệp dệt may đã được chứng nhận Oeko tex 100.
Theo phân tích của ông Khôi, tiêu chuẩn này đã được sử dụng rộng rãi và phổ biến ở các nước trên thế giới với tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng sản phẩm đầu ra một cách chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng.
Ông Khôi cho rằng: “Hiện nay, các nước trong khu vực có hoạt động xuất khẩu dệt may như Malaysia, Indonesia cũng đều phải tuân thủ tiêu chuẩn Oeko tex 100, duy chỉ có Campuchia, hoạt động xuất khẩu của nước này chủ yếu vào Mỹ, nên nước này chỉ cần tuân thủ theo tiêu chuẩn của Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ muốn xuất khẩu sản phẩm dệt may nhập từ Campuchia sang EU thì cũng phải tuân thủ tiêu chuẩn này. “Nói như vậy để thấy, tiêu chuẩn Oeko tex 100 đang là yêu cầu bắt buộc và là xu thế chung của thế giới”, ông Khôi chia sẻ thêm.