Xã hội

Đừng lơ là, chủ quan với bệnh bạch hầu

TRÀ MY 12/08/2024 02:31

Ngày 11/8/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định số 3354 về việc công bố dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.

Theo quyết định, ngày 5/8/2024 là thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc bệnh bạch hầu tại thị trấn Mường Lát. Đến nay, tại ổ dịch này đã ghi nhận 3 ca mắc bạch hầu. Trong đó, 2 ca bệnh mới phát sinh đều là F1 của bệnh nhân đầu tiên.

bach hau
Xe cứu thương chở bệnh nhân bạch hầu từ Bắc Giang lên tuyến trên điều trị. Ảnh: daibieunhandan.vn

Ba bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Hiện, sức khỏe các bệnh nhân đều ổn định, có dấu hiệu phục hồi tốt. Có 34 trường hợp F1 của 3 bệnh nhân đã được cách ly, theo dõi, tại nhà.

Để ứng phó với dịch bạch hầu, tỉnh Thanh Hóa đã lên các phương án phòng, chống dịch, như thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch; tổ chức khai báo, báo cáo dịch; cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh; thực hiện cách ly y tế; vệ sinh tiệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch; các biện pháp bảo vệ cá nhân; các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch; huy động, trưng dụng nguồn lực cho hoạt động phòng chống dịch.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc tiếp nhận, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm. Các cơ sở y tế từ tuyến xã, Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa và các bệnh viện tuyến trung ương kịp thời tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân.

Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, có khả năng lây lan mạnh và nhanh chóng tạo thành dịch. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae là nguyên nhân gây ra bệnh bạch hầu. Bệnh rất dễ dàng lây lan từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp. Hoặc lây gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Kể cả khi người bệnh không biểu hiện triệu chứng của bệnh thì họ vẫn có khả năng lây truyền vi khuẩn cho người khác sau khoảng 6 tuần, kể từ khi bắt đầu nhiễm khuẩn.

Vi khuẩn bạch hầu thường ảnh hưởng nhiều nhất đến mũi và họng. Một khi bạn đã bị nhiễm khuẩn, vi khuẩn sẽ giải phóng ra độc tố, độc tố này sẽ xâm nhập vào dòng máu, gây ra các lớp màng dày, màu xám ở mũi, họng, lưỡi, đườngthở (khí quản)

Trong một số trường hợp, những độc tố do vi khuẩn tiết ra có thể gây tổn thương đến các cơ quan khác trong cơ thể, bao gồm tim, não và thận. Do vậy, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng đe dọa tính mạng, ví dụ như viêm cơ tim, liệt hoặc suy thận.

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh bạch hầu là bệnh có vắc xin phòng bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, trong những năm gần đây số mắc giảm nhiều lần so với trước khi bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng, từ gần 3.500 ca mắc năm 1983 xuống còn khoảng từ 10 - 50 ca mắc/năm (trong vòng 15 năm trong giai đoạn từ 2004 - 2019).

Sau đó số mắc có tăng trở lại vào năm 2020 (226 trường hợp mắc chủ yếu tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi và Quảng Trị) và giảm trong các năm 2021 (có 6 ca mắc) và năm 2022 (có 2 ca mắc).

Năm 2023 cả nước ghi nhận 57 ca mắc bệnh bạch hầu (có kết quả xét nghiệm PCR dương tính và nuôi cấy) tại 3 tỉnh Hà Giang, Điện Biên và Thái Nguyên, số mắc tập trung vào 5 tháng cuối năm (55 ca mắc), trong đó 7 ca tử vong.

Từ đầu năm 2024 đến nay, trên cả nước ghi nhận 8 ca mắc bạch hầu tại Hà Giang (3 ca); Nghệ An (1 ca, người bệnh đã tử vong), Bắc Giang (1 ca) và Thanh Hóa (3 ca).

Theo các chuyên gia y tế, tuy nguy cơ lây nhiễm của bạch hầu thấp hơn so với Covid-19, do đó khả năng gây đại dịch thấp nhưng đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: nguy cơ tử vong ở người mắc bệnh là 10 - 20%, cao hơn Covid-19, nhất là những người chưa được tiêm chủng.

Đánh giá tình hình bệnh bạch hầu năm 2024, TS. Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đến nay bạch hầu chưa phải là vấn đề phức tạp, số mắc thấp, các ổ dịch nhỏ vẫn trong tầm kiểm soát, nguy cơ lây nhiễm thành dịch lớn diện rộng là thấp.

Để phòng ngừa bệnh bạch hầu, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng đề nghị, các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện xử lý ổ dịch, phòng bệnh chủ động cho người dân đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Những người tiếp xúc gần với các trường hợp xác định mắc bệnh bạch hầu được khuyến nghị tự theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày, đồng thời phải liên hệ với cán bộ y tế để được hướng dẫn phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh và uống thuốc kháng sinh dự phòng.

Tất cả trường hợp tiếp xúc gần trong khu vực ổ dịch cần được uống kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Dù vậy, việc cách ly tại nhà chỉ áp dụng đối với các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định.

Cục Y tế dự phòng cũng lưu ý, không mở rộng đối với các trường hợp tiếp xúc khác như đã từng thực hiện đối với bệnh Covid-19 trong thời gian đang có dịch.

Đồng thời khuyến cáo, người dân đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh...

Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân tại nơi có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và khuyến cáo của cơ quan y tế.

KHUYẾN CÁO PHÒNG, CHỐNG BỆNH BẠCH HẦU

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.

Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td đầy đủ, đúng lịch.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

5. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đừng lơ là, chủ quan với bệnh bạch hầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO