Đây là khẳng định của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, người từng có ý kiến gửi cơ quan chức năng về vấn đề này.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho biết thêm, tôi đã có ý kiến với Thủ tướng và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh để xem xét lại việc ra công văn của Trưởng Ban quản lý KKT Quảng Ninh (văn bản 161/BQLKKT-ĐT và văn bản 710/BQL-KKT-TNMT). Bởi việc ban hành công văn này sai vì đây không còn nằm ở giai đoạn xin chấp thuận chủ trương thu hút đầu tư mà chủ trương đầu tư đã được phê duyệt cấp phép và doanh nghiệp đã làm đầy đủ mọi thủ tục và đang tiến hành xây dựng.
“Chính vì vậy, văn bản này ban hành hoàn toàn sai và trái luật. Tôi đã trao đổi lại với lãnh đạo tỉnh là phải xem xét lại việc ra văn bản này đồng thời Ban quản lý không thể tự ý dừng việc xây dựng nhà máy mà phải làm việc cụ thể với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã điều chỉnh theo ý kiến của Bộ TN&MT thì đã đầy đủ tính pháp lý vì vậy không có căn cứ để dừng việc thi công xây dựng”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nhưỡng, thì UBND tỉnh Quảng Ninh nên làm việc sớm với doanh nghiệp về vấn đề này, đặc biệt là phải rút lại văn bản của Trưởng Ban quản lý KKT. Việc xử lý trách nhiệm trong vấn đề này phải thực hiện chứ không phải tỉnh hay là cấp nào. Nếu cơ quan quản lý nhà nước ở bộ phận nào sai phạm thì vẫn phải xử lý bởi chúng ta không có vùng cấm.
Trao đổi DĐDN, bà Nguyễn Thị Hồng Bích – giám đốc công ty Tân Tiến khẳng định, nguyện vọng của đơn vị là được hoạt động sản xuất kinh doanh tại chỗ. “Chúng tôi đã hoàn tất hồ sơ pháp lý, đã được các Bộ ngành chấp thuận”- bà Bích cho biết.
“Khu công nghiệp Việt Hưng ra đời nhằm mục đích để các nhà máy có hóa chất vào hoạt động, thực chất tại đây cũng có nhiều nhà máy mà sự tiểm ẩn về hóa chất còn lớn hơn như nhà máy sản xuất nến, đất hiếm, đây đều là những nhà máy của Trung Quốc”, bà Bích cho hay.
Bà Bích cho hay, trong trường hợp không có tiếng nói chung, chúng tôi sẽ yêu cầu tỉnh Quảng Ninh bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật và sẵn sàng khởi kiện ra tòa Kinh tế về sự việc.
“Tuy nhiên, tôi không mong muốn điều này, công ty tôi muốn tiếp tục triển khai dự án để đáp ứng như cầu của các nhà máy nhiệt điện trên địa bàn Quảng Ninh, vì các nhà máy này đang phải nhập hàng nghìn tấn xút mỗi năm cho hoạt động sản xuất điện. Chúng tôi cũng tự tin về công nghệ của nhà máy, nếu có bất kỳ việc rò rỉ hóa chất nào công ty sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật”, bà Bích nhấn mạnh.
Trước đó như báo DĐDN đã đưa, năm 2015 nhà máy sản xuất xút của công ty Tân Tiến, được Ban quản lý khu kinh tế hoan nghênh và đồng ý cho xây dựng tại khu công nghiệp Việt Hưng, thành phố Hạ Long. Dù đã hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục pháp lý, ký kết, trả tiền thuê mặt bằng, nhập dây chuyền thiết bị với gần 200 tỷ đồng, nhưng khi tất cả đang hoàn tất, bỗng nhiên công ty Tân Tiến “tuýt còi” dừng triển khai.
Lý do Ban quản lý khu kinh tế Quảng Ninh đưa ra là lo ngại về sự rò rỉ hóa chất và ban này không có chuyên môn để thẩm định hóa chất, cần phải nhờ các chuyên gia. Nhưng đến nay đã 3 năm, nhà máy vẫn không được cấp giấy chững nhận. Hàng trăm tỷ thiết bị, vật chất đang có nguy cơ hư hỏng.
Trong khi đề án đánh giá môi trường của nhà máy này đã được các bộ, ngành liên quan đánh giá cao và phê duyệt.