Đừng quá chăm bẵm cây lúa

Phú Khởi thực hiện 18/02/2018 06:30

Là nhà nông học đặt nền móng đầu tiên cho phát triển nông nghiệp ở vùng đất "chín rồng", năm mới, NGND, GS.TS Võ Tòng Xuân đã dành cho Báo DĐDN cuộc trao đổi về những trăn trở: làm sao để người nông dân không còn là "ông chủ nghèo" trên vùng đất giàu tiềm năng như khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

- Thưa giáo sư, là một vùng đất được thiên nhiên ban tặng cho nhiều tiềm năng trong phát triển nông nghiệp nhưng thực tế trong suốt quãng thời gian qua chúng ta chưa tận dụng được lợi thế này để làm giàu. Bước sang năm mới, giáo sư có kỳ vọng gì từ vùng đất này?

Tôi từng du học ở Philipines, làm việc ở Viện lúa Quốc tế (IRRI) và tham quan, nghiên cứu về sản xuất nông nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới và nhận ra một điều thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho đất nước ta một tiềm năng về nông nghiệp mà nhiều quốc gia khác rất thèm muốn. Tôi lấy ví dụ trường hợp của Nhật Bản, trên 90% diện tích đất của Nhật Bản là biển đảo, rừng núi và Nhật Bản từng bị thiệt hại nặng nề trong chiến tranh thế giới lần thứ hai và thiên tai lũ lụt, núi lửa phun trào xảy ra liên miên. Người Nhật không dấu hoàn cảnh khó khăn của đất nước mình mà đưa những điều này vào sách giáo khoa để giảng dạy nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường cho các thế hệ ra sức học tập nắm bắt tri thức để vương lên làm giàu bằng chính tài nguyên của mỗi con người đó là chất xám và họ đã thành công.

Nói như thế không phải chúng ta tự hạ thấp mình mà qua đó khẳng định niềm tin: chúng ta có nhiều tài nguyên, khí hậu nhiệt đới thuận lợi: trồng cây gì cũng tốt, nuôi con gì cũng được, chất xám cũng không kém, chúng ta giàu tài nguyên và nếu biết phát huy đúng mức lợi thế này thì con đường làm giàu có thể sẽ mất ít thời gian hơn các quốc gia nghèo về tài nguyên khác.

- Là một chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp và là người con của vùng đất "chín rồng" theo giáo sư thì ở giai đoạn hiện nay chúng ta cần phải làm gì để vực dậy tiềm năng phát triển nông nghiệp?

Trước tiên, chúng ta cần phải đưa ra được định hướng đúng đắn với một tầm nhìn dài hạn đó là một quy hoạch tích hợp, cộng những lợi thế nhỏ thành lợi thế lớn. Một thí dụ về quy hoạch tích hợp mà tôi được học cách nay gần nửa thế kỷ từ Thủ tướng của Malaysia lúc bấy giờ ông Tungku Abdul Rahman khi tôi cùng đoàn thanh niên Châu Á sang viếng thăm đất nước có nhiều cao su và quặng kẽm này. Ông Tunku say sưa giảng cho bọn thanh niên chúng tôi rằng trong vòng 20 năm nữa Malaysia sẽ là nước chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu dầu cọ. Chúng tôi đờ người ra vì ngạc nhiên: cây cọ là cây gì, tại sao cây chiến lược không phải là lúa gạo hay cây cao su Malaysia nổi tiếng.

Ông Tunku giải thích lý do chọn cây cọ là vì đó là nguyên liệu cần thiết sản xuất ra dầu cọ cho bữa ăn hằng ngày của người nào muốn ăn chất béo ngon nhưng chất cholesterol trong máu không tăng. Ông chắc chắn mọi người-nhất là những người giàu sẽ là khách hàng thường xuyên mua sản phẩm tốt cho sức khỏe này.

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Chính phủ Malaysia đã ban hành hàng loạt chính sách ưu đãi đi kèm. Doanh nghiệp sản xuất được Chính phủ cung cấp giống chất lượng, được hỗ trợ kỹ thuật và miễn giảm thuế 10 năm cho đầu tư trồng cây cọ. Dân nghèo không đất canh tác được kêu gọi vào nông trường, được cấp nhà ở, giao khoáng đất và được vay vốn trong 20 năm để trồng cọ. Nhà nước giao Viện nghiên cứu phát triển đa dạng sản phẩm chế biến từ dầu cọ và thành lập hẳn Cục xúc tiến tiêu thụ dầu cọ để lo đầu ra cho sản phẩm... Với tầm nhìn xa, đúng 20 năm sau (1988) Malaysia đã hiện thực được ước mơ của mình là quốc gia xuất khẩu dầu cọ số 1 thế giới với thu nhập và đời sống của người trồng cọ cao hơn nhiều so với nông dân trồng lúa.

Từ thí dụ trên cho thấy, chúng ta không nên chần chờ nữa mà phải nhanh chóng thay đổi tư duy không nên chỉ chăm bẵm vào cây lúa vì hiện nay chúng ta không những đảm bảo an ninh lương thực mà còn dư thừa một lượng lớn để lo cho an ninh lương thực thế giới trong khi thu nhập của người trồng lúa quá thấp.

- Thưa giáo sư, theo kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng: ĐBSCL được xác định là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong điều kiện khó khăn đó, giáo sư có lưu ý gì về định hướng trong sản xuất nhằm thích ứng với những bất lợi về điều kiện tự nhiên trong tương lai?

Yêu cầu cấp bách đang đặt ra cho người làm chính sách trong giai đoạn hiện nay là phải định ra được những cây, con chiến lược mà có thể mang lại giá trị gia tăng cao cho ngành nông nghiệp trong 10 năm, 20 năm hay lâu hơn nữa. Đồng thời triển khai đồng bộ biện pháp sản xuất trên cơ sở nới rộng hạn điền để nhà doanh nghiệp có thể thuê đất của nông hộ mở rộng vùng nguyên liệu, tiếp đó là việc quy hoạch, đầu tư về thủy lợi, giao thông và các hạ tầng kinh tế kỹ thuật khác để phục vụ phù hợp cho từng vùng chuyên canh.

Việc quy hoạch sản xuất phải thuận theo quy luật tự nhiên: vùng đầu nguồn với lượng phù sa bồi đấp, nước ngọt quanh năm như An Giang, Đồng Tháp, một phần của TP Cần Thơ thì nên ưu tiên giữ diện tích lúa nhưng phải sản xuất theo hướng lúa chất lượng, giá trị cao; giảm bớt diện tích lúa vụ 3 trong đê bao bằng cách chuyển đổi sang rau màu, cây ăn trái. Chỉ nơi nào chắc chắn có nước ngọt trong mùa khô (đông xuân) mới trồng lúa, nơi nào nước mặn quanh năm thì chuyển sang nuôi tôm...

- Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trao đổi này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đừng quá chăm bẵm cây lúa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO