Cổ phiếu ngành thép hồi phục trong phiên giao dịch ngày 11/10 sau các thông tin hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước nhằm sản xuất thép chất lượng cao.
Phiên giao dịch ngày 11/2/2025, cổ phiếu nhóm ngành thép đã hồi phục trở lại, điển hình cổ phiếu HPG đã tăng giá trở lại cán mốc 26.050 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh lên tới 23 triệu đơn vị; cổ phiếu NKG tăng giá lấy lại mốc 13.650 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh lên tới 5,4 triệu đơn vị; cổ phiếu HSG vẫn dừng ở mốc tham chiếu 16.750 đồng/cp. Một số cổ phiếu thép khác như SMC, TLH với mức giảm sâu vẫn đi ngang trong phiên giao dịch ngày 11/2...
Việc cổ phiếu HPG xanh trở lại trong phiên giao dịch ngày 11/2, là do nhiều nhà đầu tư kỳ vọng doanh nghiệp được hỗ trợ khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thăm, làm việc tại Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất. Ông Trần Đình Long-Chủ tịch HĐQT HPG cho biết, hiện Hoà Phát là nhà sản xuất thép số 1 Việt Nam, và đã xuất khẩu thép tới 40 quốc gia, vùng lãnh thổ. Với sự đầu tư lớn vào sản xuất, Tập đoàn đang hướng mạnh vào sản xuất các loại thép chất lượng cao góp phần thay thế hàng nhập khẩu. HPG cam kết tăng trưởng 15% mỗi năm, hưởng ứng mục tiêu tăng trưởng hai con số của đất nước giai đoạn 2025-2030.
Tại buổi làm việc với HPG, Thủ tướng cho rằng, nếu không có các ngành công nghiệp nền tảng như công nghiệp thép, hóa chất thì Việt Nam sẽ luôn bị động trong quá trình thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thủ tướng đề nghị Hòa Phát tiếp tục nghiên cứu sản xuất thép chất lượng cao, đặc biệt sản xuất ray thép phục vụ đường sắt cao tốc Bắc – Nam, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, đường sắt đô thị trong thời gian tới.
Đồng thời, triển khai việc sản xuất ray thép, theo đó Đảng, Nhà nước sẽ quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho HPG cũng như các doanh nghiệp dân tộc phát triển.
Hiện nay, HPG ưu tiên tập trung hoàn thành và đưa vào vận hành dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 đảm bảo ổn định và tiếp tục đầu tư phát triển chế biến sâu các sản phẩm thép chất lượng cao tại Khu kinh tế Dung Quất, mục tiêu tự chủ sản xuất phục vụ các dự án trọng điểm quốc gia, trong đó đặc biệt ưu tiên phục vụ Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam giai đoạn 2026 – 2030.
Khi Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát -Dung Quất 2 hoàn thành vào cuối năm 2025, năng lực sản xuất thép của Tập đoàn đạt 15 triệu tấn/năm,
Liên quan tới thông tin thuế quan, ngày 10/2/2025, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm mạnh của nhóm cổ phiếu ngành thép sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo áp thuế 25% đối với tất cả các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, ngoài mức thuế kim loại hiện hành.Động thái này nhằm thực thi chính sách thương mại của Mỹ, bảo hộ ngành công nghiệp nội địa. Trên thị trường chứng khoán, chính sách này ngay lập tức tác động mạnh đến diễn biến giá cổ phiếu ngành thép, khiến hàng loạt mã giảm sâu.
Theo các chuyên gia, việc Mỹ áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu dự kiến sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các doanh nghiệp thép Việt Nam, đặc biệt là những công ty có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang thị trường Mỹ. Các doanh nghiệp này có thể đối mặt với việc giảm lợi nhuận do giá bán giảm và chi phí sản xuất tăng, đồng thời phải tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới để bù đắp sự sụt giảm từ thị trường Mỹ. Tổng thống Mỹ cũng tuyên bố sẽ công bố mức thuế đối ứng tương đương với mức mà các đối tác thương mại áp dụng cho hàng hóa nhập từ Mỹ trong ngày 11 - 12/2 và sẽ có hiệu lực gần như ngay lập tức.
Việt Nam nằm trong nhóm các nhà cung cấp thép lớn cho Hoa Kỳ, do đó chính sách thuế này có thể gây tác động đáng kể. Theo dữ liệu từ Viện sắt thép Hoa Kỳ, Việt Nam nằm trong nhóm năm nước xuất khẩu thép lớn nhất vào thị trường Hoa Kỳ, sau Canada, Brazil, Mexico và Hàn Quốc.
Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), lượng thép Việt xuất khẩu sang Mỹ trong năm 2024 đạt gần 1,7 triệu tấn, trị giá 1,3 tỷ USD, tăng trên 50% so với năm 2023 xét về cả lượng và kim ngạch. Hiện Mỹ là thị trường tiêu thụ thép lớn thứ ba của Việt Nam, sau ASEAN và EU.