Đường lưỡi bò "núp bóng" hàng hiệu: Việt Nam yêu cầu các hãng thời trang tôn trọng chủ quyền

LAM SONG 08/04/2021 17:07

Việt Nam phản đối mọi hình thức tuyên truyền sai sự thật lịch sử ở Biển Đông, khi nói về việc các hãng thời trang dùng bản đồ có "đường lưỡi bò".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh trong cuộc họp báo thường kỳ hôm nay (8/4) khi bình luận về thông tin một số hãng thời trang quốc tế sử dụng bản đồ có "đường lưỡi bò" trên website tại thị trường Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

"Mọi hình thức tuyên truyền, quảng bá nội dung trái với sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế đều không có giá trị, không thay đổi được thực tế về chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như thực tế về vấn đề Biển Đông" - Bà Hằng phát biểu. 

Trước đó, làn sóng kêu gọi tẩy chay thương hiệu H&M đã và đang lan nhanh trên các mạng xã hội của Việt Nam trong mấy ngày gần đây.

Nguyên nhân do theo thông báo hôm 2-4, chính quyền TP Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết các thương hiệu thời trang và du lịch bị gây áp lực phải thay đổi "cách mô tả Đài Loan và các khu vực nhạy cảm khác trên trang web của họ".

Hãng tin AP dẫn thông báo của chính quyền Thượng Hải nói rằng người dùng mạng internet đã báo cáo về "bản đồ có vấn đề" trên trang web của H&M. Vì vậy, Sở Quy hoạch và Tài nguyên Thượng Hải yêu cầu công ty Thuỵ Điển nhanh chóng sửa chữa bản đồ đó. Sau khi được triệu tập, H&M "đồng ý với yêu cầu của nhà chức trách Trung Quốc".

Trên các mạng xã hội của Việt Nam, nhiều người cho rằng bản đồ Trung Quốc chứa "đường lưỡi bò" phi pháp là loại bản đồ không hợp pháp. Việc H&M đồng ý sửa bản đồ có "đường lưỡi bò" phi pháp chính là một trong những hành vi phi lý.

Các công ty nước ngoài cũng bị Trung Quốc bắt thay đổi bản đồ vẽ biên giới của Trung Quốc với Ấn Độ và các khu vực tranh chấp trên biển Đông. Không chỉ H&M, hàng loạt thương hiệu thời trang như Chanel, Louis Vuitton, Gucci, YSL, Zara, Uniqlo... cũng sử dụng bản đồ có "đường lưỡi bò" phi pháp trên website tiếng Trung.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán với các vùng biển liên quan ở Biển Đông được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

"Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp tôn trọng chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán với các vùng biển liên quan trên Biển Đông", người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói,  đồng thời nhấn mạnh: "Các doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam cần tôn trọng luật pháp của Việt Nam".

Đá Ba Đầu: 'Các tàu Trung Quốc tản ra khắp khu vực tranh chấp'. Ảnh: MAXAR

Các tàu Trung Quốc tản ra khắp khu vực Đá Ba Đầu. Ảnh: MAXAR

Liên quan đến tình hình đá Ba Đầu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam đang theo dõi sát tình hình trên Biển Đông, trong bối cảnh hơn 200 tàu Trung Quốc neo đậu trái phép tại đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa.

"Các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo dõi sát diễn biến trên Biển Đông, bảo vệ và thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS)", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết.

Tuyên bố được bà Hằng đưa ra khi trả lời câu hỏi về tình hình tại đá Ba Đầu trong lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Philippines và nhiều nước khác gần đây liên tục lên tiếng phản đối việc hơn 200 tàu vỏ sắt Trung Quốc neo đậu trái phép tại bãi đá ngầm này mà không đánh bắt dù trời trong xanh và thời tiết thuận lợi.

Trong cuộc họp báo hai tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng địnhhoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, bà Hằng nói. 

Có thể bạn quan tâm

  • Cảnh báo nguy cơ xung đột từ vụ tàu Trung Quốc tại Đá Ba Đầu

    05:00, 06/04/2021

  • Tàu Trung Quốc tại Đá Ba Đầu: Bước “leo thang” nguy hiểm ở Biển Đông

    05:08, 26/03/2021

  • Đường lưỡi bò "núp bóng" hàng hiệu: Chiêu thức thâm hiểm của Trung Quốc!

    05:00, 07/04/2021

  • Chuyện các thương hiệu thời trang đăng tải “đường lưỡi bò”

    06:34, 05/04/2021

  • Nghi vấn H&M đăng ảnh có "đường lưỡi bò": Làn sóng kêu gọi tẩy chay H&M đang lan rộng!

    14:37, 03/04/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đường lưỡi bò "núp bóng" hàng hiệu: Việt Nam yêu cầu các hãng thời trang tôn trọng chủ quyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO