Đó là thực trạng việc tàu đường sắt Cát Linh- Hà Đông đã đến hạn trả nợ gốc khoản vay lại của dự án đường sắt đô thị Hà Nội.
Ban quản lý dự án dự kiến phát sinh trả nợ gốc phần vốn vay lại trong năm 2020 khoảng 152,7 tỷ đồng. Vì thế nó đang là chủ đề gây tranh luận nóng trên các diễn đàn, mạng xã hội.
Theo đó, Hiệp định vay 250 triệu USD đã đến kỳ trả nợ gốc khoản vay lại. Bộ Giao thông Vận tải vừa gửi văn bản hoả tốc xin ý kiến Thủ tướng việc đã đến hạn trả nợ gốc khoản vay lại của dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông.
Do đó, cơ quan này đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính sớm xem xét gia hạn thời hạn trả nợ gốc phần vốn cho vay lại. Trường hợp không được, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Thủ tướng có ý kiến với Kiểm toán Nhà nước để gỡ thủ tục trên cơ sở xem xét tính chất đặc thù của dự án.
Đồng thời, Bộ cũng kiến nghị Chính phủ cho phép tiếp tục bổ sung vốn bố trí cho hạng mục trả nợ gốc của các hiệp định vay đã ký. Lưu ý, trước đó, Việt Nam cũng đã trả 398 tỷ đồng nợ gốc của khoản vay này.
Có thể bạn quan tâm
00:05, 01/02/2020
11:29, 17/01/2020
11:00, 02/01/2020
17:00, 22/12/2019
07:35, 16/11/2019
Theo cơ chế tài chính đã được Thủ tướng chấp thuận, Bộ Giao thông Vận tải bố trí vốn đối ứng để trả nợ nước ngoài cho phần vốn vay lại của dự án và các khoản chi phí liên quan trong giai đoạn xây dựng tới khi hoàn thành và bàn giao cho UBND TP Hà Nội. Sau khi bàn giao, UBND TP Hà Nội nhận nợ trực tiếp với phần vốn vay lại của dự án.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cái khó là chưa biết khi nào thì dự án này mới được bàn giao, UBND Hà Nội cũng chưa có trách nhiệm phải trả khoản nợ gốc này, bởi dự án chưa đưa vào khai thác, sử dụng. Vì vậy việc ai phải trả món nợ này đang gặp khó. Bộ Giao thông Vận tải đề xuất phương án cho phép được giãn nợ đến khi hoàn thành, bàn giao khoản vay cho UBND TP Hà Nội hoặc điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư để tiếp tục trả nợ.
Thực tế, dự án được khởi công từ năm 2011, dài vẻn vẹn 13 km với 12 nhà ga, sau nhiều lần đội vốn và chậm tiến độ, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn tất 100% khối lượng xây dựng và đào tạo nhân lực, đang tiến hành nghiệm thu. Tuy nhiên, dự án này được nhiều người ví như một bộ phim truyền hình Ấn Độ dài 8.000 tập mà chưa có hồi kết.
Đã vậy, trong cuộc họp cách đây vài ngày, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết hơn 100 chuyên gia Trung Quốc của dự án Cát Linh – Hà Đông chưa thể quay lại Việt Nam sau đợt nghỉ Tết do ảnh hưởng của dịch viêm phổi Vũ Hán. Do đó, dự án vẫn tiếp tục bị chậm tiến độ.
Chính Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông xác nhận: “Đến 9/2, phía Trung Quốc mới có thông báo tiếp theo về việc có cho công dân xuất cảnh hay không. Còn tại Việt Nam, hiện cũng chỉ xem xét cấp visa cho khách công vụ”. Vì thế, việc thiếu đội ngũ chuyên gia sẽ khiến dự án thêm khó khăn trong việc hoàn thành và đưa vào vận hành khai thác trong năm 2020.
Liên quan đến vấn đề này, khi trao đổi với giới truyền thông, PGS.TS Nguyễn Đình Thám nói rằng: “Dự án Cát Linh-Hà Đông đằng nào cũng đã chậm rồi, huống chi dịch bệnh là tình huống bất khả kháng, hai bên phải thông cảm cho nhau. Mà không riêng gì dự án này, nhiều công trình khác, nhiều nhà máy sản xuất cũng bị đình trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh. Phải chấp nhận điều đó và ưu tiên hàng đầu hiện nay là phòng chống dịch”.
Nhưng, có nói gì và cảm thông đến đâu đi nữa thì chúng ta vẫn phải chấp nhận một sự thật kém vui: Đây là một dự án lớn, được đầu tư với bao nhiêu kỳ vọng mà giờ vẫn bất động, chỉ có những khoản nợ vay là tiếp tục sinh sôi nảy nở, thấm thía dần nỗi đau của cái gọi là “tiền đã trao mà cháo chưa múc”. Một dự án chậm trễ vào hàng kỷ lục mà có lẽ trên thế giới cũng hiếm có dự án nào sánh được Cát Linh – Hà Đông.
Bỗng dưng người ta nhớ đến lời phát biểu, lời hứa của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trước Quốc hội: “Nếu chúng tôi không làm hết trách nhiệm thì Chính phủ, cơ quan chức năng liên quan xử lý theo quy định của pháp luật”.