Từ ngày 12/12, các đoàn tàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ được vận hành từ 5h-23h hàng ngày, trong giờ bình thường tổ chức chạy 6 đoàn, giờ cao điểm có 9 đoàn.
Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) – đại diện chủ đầu tư tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông cho hay, hiện các nhân sự của Tổng thầu EPC (Trung Quốc) và chuyên gia đánh giá an toàn của Pháp (đơn vị tư vấn độc lập của Pháp) đã sang Việt Nam cơ bản đủ và xong cách ly phòng dịch COVID-19 để thực hiện chạy thử toàn hệ thống.
Theo thiết kế tổng thể, đường sắt Cát Linh – Hà Đông có tuyến chính dài hơn 13km đi trên cao, 12 nhà ga và 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở hơn 900 người, vận tốc thiết kế 80km/h và vận tốc khai thác thương mại trung bình 35km/h.
Hệ thống được vận hành theo cơ chế điều khiển tập trung, tự động từ Trung tâm Điều hành OCC đặt tại Depot Hà Đông. Các thông tin, tín hiệu của hệ thống tự động truyền về trung tâm điều hành để phục vụ chỉ huy, điều hành.
Khi khai thác, các đoàn tàu sẽ dừng khoảng 30 giây để hành khách lên xuống và tần suất đoàn tàu đến ga khoảng 6-7 phút/chuyến, giờ cao điểm có thể 2-3 phút/chuyến.
"Từ ngày 12/12, các đoàn tàu sẽ được vận hành từ 5h-23h hàng ngày. Trong giờ bình thường tổ chức chạy 6 đoàn, giờ cao điểm có 9 đoàn chạy theo hai hướng từ đầu tuyến đến cuối tuyến hai ga Cát Linh - Yên Nghĩa”, ông Vũ Hồng Phương, Quyền Giám đốc Ban quản lý dự ánđường sắt (Bộ GTVT) thông tin.
Theo Ban quản lý dự án đường sắt, trước khi vận hành thử hệ thống 20 ngày, tổng thầu dự án sẽ chạy thử đoàn tàu 8 ngày để kiểm tra, nghiệm thu các hạng mục chuyên biệt.
Để chuẩn bị cho giai đoạn chạy thử toàn hệ thống trong khoảng 20 ngày, những ngày qua đại diện chủ đầu tư, các nhà thầu, các đơn vị liên quan đã thực hiện diễn tập tình huống ứng phó sự cố, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ. Sau các hoạt động diễn tập, dự kiến vào cuối tuần sẽ chính thức chạy thử toàn hệ thống.
Bước chạy thử 20 ngày là công đoạn bắt buộc để đơn vị tư vấn độc lập của Pháp giám sát, đánh giá và cấp chứng nhận an toàn. Chứng chỉ an toàn là cơ sở để cơ quan đăng kiểm cấp kiểm định và làm cơ sở để nghiệm thu, cấp giấy phép cho khai thác thương mại.
Theo kế hoạch trước đó, việc chạy thử đáng ra được thực hiện từ đầu năm 2020 (sau Tết Nguyên đán), nhưng do dịch COVID-19 bùng phát, các quốc gia hạn chế đi lại, nên nhân sự Trung Quốc và Pháp về nghỉ tết không kịp quay lại Việt Nam để tiếp tục triển khai dự án. Cùng với đó, vướng mắc trong thủ tục thanh toán các gói thầu cũng khiến việc triển khai dự án gặp khó khăn.
Song song với việc triển khai tiếp các phần việc còn lại của dự án, Bộ GTVT đã thực hiện một số công đoạn chuyển giao dần dự án cho phía Hà Nội quản lý. Để sau khi dự án được đánh giá xong, sẽ nghiệm thu và chuyển giao toàn bộ tuyến đường sắt cho Hà Nội quản lý, vận hành và khai thác thương mại.
Ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP Hà Nội cho biết, để phục vụ cho sự liên thông, liên kết giữa xe buýt với đường sắt đô thị 2A (Cát Linh - Hà Đông) đi vào hoạt động, trong Sở GTVT Hà Nội đã báo cáo UBND Thành phố phương án kết nối trung chuyển hành khách giữa hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông và đã được chấp thuận.
Theo ông Phương, có 3 kịch bản kết nối giữa các tuyến buýt hiện hữu và đường sắt đô thị trên cao.
Cụ thể, kịch bản thứ nhất (15 ngày đầu chạy miễn phí), Hà Nội sẽ tổ chức khai thác các tuyến buýt như phương án đang vận hành để đảm bảo việc đi lại của hành khách không bị xáo trộn trong thời gian trải nghiệm miễn phí hệ thống đường sắt đô thị.
Kịch bản thứ hai (sau thời gian chạy miễn phí, đường sắt 2A hoạt động bình thường với 10 đoàn tàu), Hà Nội sẽ điều chỉnh lộ trình đối với 4 tuyến buýt (02, 21, 27, 33) trùng lộ trình với tuyến đường sắt đô thị 2A (Cát Linh - Hà Đông).
Trong đó, giai đoạn đầu khi tàu đi vào khai thác thương mại (trong 3 tháng đầu), tuyến buýt số 33 được điều chỉnh thành tuyến buýt kết nối ngang (Cụm công nghiệp Thanh Oai - Xuân Đỉnh) kết nối với tuyến đường sắt đô thị 2A tại 2 ga (Hà Đông, Văn Khê); Cắt bỏ đoạn trùng tuyến từ Ga Văn Quán đến ga Hà Đông và từ ga Văn Khê tới ga Yên Nghĩa (3km).
Giai đoạn sau 3 tháng tàu đi vào khai thác thương mại, 2 nhánh tuyến 21A và nhánh tuyến 21B sẽ được điều chỉnh hợp nhất thành một tuyến buýt ngang số 21 (KĐT Pháp Vân, Tứ Hiệp - Trần Vỹ) kết nối với tuyến đường sắt đô thị 2A tại 2 ga (Thượng Đình, Vành đai 3); Cắt bỏ đoạn trùng tuyến từ ga Vành đai 3 đến ga Yên Nghĩa (7,5km).
Giai đoạn sau 6 tháng tàu khai thác thương mại, Hà Nội dự kiến điều chỉnh tuyến buýt 27 (BX Yên Nghĩa - Nam Thăng Long) thành tuyến buýt kết nối ngang (KĐT Định Công - Nam Thăng Long) kết nối với tuyến đường sắt đô thị 2A tại ga Láng.
Giai đoạn sau 9 tháng tàu đi vào khai thác thương mại, tuyến buýt 02 (Bác Cổ - BX Yên Nghĩa) được điều chỉnh thành tuyến buýt ngang (Bác Cổ - BX Mỹ Đình) kết nối với tuyến đường sắt đô thị 2A tại ga Láng. Điều chỉnh thời gian hoạt động của tuyến buýt số 01, nâng tổng số lượt xe phục vụ từ 190 lượt lên 200 lượt/ngày.
Có thể bạn quan tâm
01:00, 19/11/2020
19:06, 04/11/2020
05:00, 13/07/2020
03:00, 07/07/2020