Kinh tế

Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng: “Cú hích” mới cho thương mại Việt - Trung

Lê Trà My 21/02/2025 04:00

Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, thu hút sự quan tâm đặc biệt từ truyền thông và dư luận Trung Quốc.

Ngày 19/2/2025, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, nhằm hiện thực hóa các định hướng của Đảng, cũng như Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị.

Dự án không chỉ đặt nền móng phát triển ngành công nghiệp đường sắt và công nghiệp hỗ trợ mà còn mở ra một thị trường xây dựng trị giá khoảng 4,4 tỉ USD. Theo ước tính, quá trình thi công sẽ tạo ra khoảng 90.000 việc làm, trong khi giai đoạn vận hành và khai thác sẽ duy trì khoảng 2.500 lao động.

Bên cạnh lợi ích kinh tế, dự án còn được kỳ vọng góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh.

vitridexuat.jpg
Vị trí đề xuất xây dựng các ga trên tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Tuyến đường sắt chiến lược

Theo Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có điểm đầu tại vị trí nối ray qua biên giới (tỉnh Lào Cai) và điểm cuối tại ga Lạch Huyện (thành phố Hải Phòng). Tuyến chính có chiều dài khoảng 390,9 km, cùng với 27,9 km tuyến nhánh, đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.

Dự án được xây dựng mới toàn bộ với đường đơn khổ 1.435 mm, phục vụ cả vận tải hành khách và hàng hóa. Tốc độ thiết kế của tuyến chính đạt 160 km/h trên đoạn từ ga Lào Cai mới đến ga Nam Hải Phòng, 120 km/h đối với đoạn qua khu vực đầu mối Hà Nội, và 80 km/h cho các đoạn còn lại.

Tổng diện tích đất dự kiến thu hồi khoảng 2.632 ha, trong đó có 716 ha đất trồng lúa (bao gồm 709 ha lúa nước hai vụ trở lên), 878 ha đất lâm nghiệp và 1.038 ha các loại đất khác theo quy định pháp luật. Dự án cũng dự kiến tái định cư khoảng 19.136 người.

Quốc hội đã thông qua tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là 203.231 tỷ đồng, với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Dự án sẽ bắt đầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, đặt mục tiêu hoàn thành chậm nhất vào năm 2030.

Tác động đến thương mại Việt - Trung

Việc Quốc hội Việt Nam thông qua chủ trương đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với hạ tầng giao thông trong nước mà còn được các chuyên gia Trung Quốc kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thương mại song phương và mở rộng kết nối khu vực.

Tuyến đường sắt này sẽ giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa giữa Trung Quốc và Việt Nam, đặc biệt là tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, vốn là một trong những tuyến giao thương quan trọng giữa hai nước. Việc nâng cấp lên tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435 mm sẽ giúp đồng bộ hóa với hệ thống đường sắt Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy hàng hóa liên tục, giảm chi phí trung chuyển và nâng cao năng lực logistics.

Bên cạnh đó, với cảng biển nước sâu Lạch Huyện (Hải Phòng) là điểm cuối, tuyến đường sắt này không chỉ phục vụ xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Trung Quốc tiếp cận các thị trường Đông Nam Á và xa hơn là châu Âu thông qua vận tải biển. Đây có thể trở thành một phần quan trọng trong chiến lược "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc, mở rộng ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh trong khu vực.

Không chỉ dừng lại ở thương mại hàng hóa, sự kết nối này còn có thể kéo theo sự gia tăng đầu tư từ Trung Quốc vào các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Khi hạ tầng giao thông được cải thiện, các doanh nghiệp có xu hướng mở rộng sản xuất, đặc biệt trong các ngành công nghiệp phụ trợ, chế biến nông sản và công nghiệp lắp ráp. Điều này có thể tạo ra làn sóng đầu tư mới, giúp Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, tuyến đường sắt này cũng có thể góp phần thu hút dòng khách du lịch lớn từ Trung Quốc sang Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Hà Nội, Hạ Long – những điểm đến quen thuộc của du khách Trung Quốc.

thognqua.jpg
Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 19/2 vừa qua, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Khôn đã đưa ra phản hồi về việc Quốc hội Việt Nam thông qua chủ trương đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với tổng vốn hơn 8 tỷ USD. Ông nhấn mạnh rằng dự án này không chỉ tăng cường kết nối giao thông giữa hai nước mà còn góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại song phương.

Theo ông Quách Gia Khôn, từ năm ngoái đến nay, Trung Quốc và Việt Nam đã có nhiều cuộc trao đổi về việc thúc đẩy kết nối đường sắt song phương. Hai bên nhất trí đẩy nhanh nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đồng thời phối hợp trong công tác quy hoạch các tuyến đường sắt Đồng Đăng - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng bày tỏ mong muốn sớm hoàn thiện kết nối từ thành phố Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam) với tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn của Việt Nam tại thành phố Lào Cai. Việc này được kỳ vọng sẽ giúp tối ưu hóa chuỗi logistics, giảm thời gian vận chuyển hàng hóa và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động thương mại giữa hai quốc gia.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hứa Lợi Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định đây là một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường kết nối giữa Trung Quốc và Đông Nam Á. Ông nhấn mạnh tuyến đường sắt này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại song phương mà còn góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa xuyên biên giới.

Theo ông Hứa Lợi Bình, khi đi vào hoạt động, tuyến đường sắt sẽ nâng cao đáng kể thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam. Đặc biệt, hàng hóa từ Việt Nam có thể tận dụng hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc để vận chuyển đến châu Âu một cách nhanh chóng và tiết kiệm chi phí. Điều này sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu lớn cho Việt Nam, giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận nhiều thị trường hơn với chi phí vận chuyển cạnh tranh hơn.

Ngoài lợi ích thương mại song phương, chuyên gia Trung Quốc cũng cho rằng dự án này là một phần quan trọng trong kế hoạch hình thành mạng lưới đường sắt xuyên Á. Việc Việt Nam xây dựng tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đồng nghĩa với việc tiến gần hơn tới mục tiêu kết nối đường sắt Trung Quốc - Việt Nam và Trung Quốc - Thái Lan trong tương lai. Nếu được triển khai đồng bộ, mạng lưới này sẽ giúp hàng hóa lưu thông thuận lợi hơn trong khu vực, đồng thời nâng cao vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Đánh giá từ báo chí Trung Quốc

Tờ Thời báo Hoàn Cầu, ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã có bài viết đánh giá về dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng của Việt Nam. Dẫn nguồn từ báo cáo nghiên cứu khả thi của Bộ Giao thông - Vận tải Việt Nam, tờ báo cho biết tuyến đường sắt dự kiến khởi công vào cuối năm 2025, thời gian thi công từ năm 2026 đến 2030.

Theo bài báo, tuyến đường sắt có tổng chiều dài khoảng 391 km, thêm 27,9 km tuyến nhánh, đi qua 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng, với tổng mức đầu tư 8,37 tỷ USD. Điểm đầu của tuyến đường đặt tại vị trí nối ray qua biên giới giữa tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và thành phố Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), trong khi điểm cuối là ga Lạch Huyện (thành phố Hải Phòng).

Thời báo Hoàn Cầu nhận định, sau khi đưa vào sử dụng, tuyến đường sắt này sẽ có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam, khi bao phủ khoảng 20% dân số cả nước, đóng góp 25,4% GDP và kết nối 25,1% khu công nghiệp trên toàn quốc. Dự án được kỳ vọng sẽ mang lại một giải pháp vận tải hiện đại, giúp doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế, đồng thời tối ưu hóa quá trình nhập khẩu nguyên liệu sản xuất.

Ngoài ra, bài báo nhấn mạnh rằng tuyến đường sắt này sẽ nâng cao hiệu suất vận tải và logistics của Việt Nam, qua đó góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Đây cũng là một trong những dự án trọng điểm thể hiện sự hợp tác ngày càng sâu rộng giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực giao thông vận tải, mở ra cơ hội mới cho kết nối thương mại trong khu vực Đông Nam Á.

Triển vọng và thách thức

Việc triển khai dự án sẽ mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt là về vốn đầu tư, công nghệ và cơ chế hợp tác quốc tế. Việc đảm bảo tính đồng bộ giữa hệ thống đường sắt mới với mạng lưới giao thông hiện hữu cũng là vấn đề cần cân nhắc.

Tuy nhiên, với tầm nhìn chiến lược và sự đồng thuận từ các bên, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ hợp tác Việt Nam - Trung Quốc trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng: “Cú hích” mới cho thương mại Việt - Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO