Đường về “vùng giá chết” của nhiều mã cổ phiếu

Theo tinnhanhchungkhoan 27/08/2019 10:20

Với 1.000 đồng, nhà đầu tư có trên 60 sự lựa chọn đầu tư vào các mã cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Điều đáng nói là mức thị giá này hiển thị trên cả 3 sàn HNX, UPCoM, HOSE.

 Và vì nhiều lý do mà cổ phiếu các doanh nghiệp này rơi về “vùng giá chết”, để rồi lay lắt tồn tại trên sàn.

f

Hiện có hơn 60 cổ phiếu thị giá từ dưới 1.000 đồng trên 3 sàn giao dịch.

Từ nhóm khoáng sản…

Cuối tháng 3/2019, Công an TP. Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và bắt tạm giam đối với bà Phạm Thị Hinh, Chủ tịch HÐQT CTCP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (mã KSA) để điều tra về tội thao túng thị trường chứng khoán.

Cổ phiếu KSA chính thức giao dịch trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE) từ ngày 27/7/2010. Sau khi lên sàn, KSA liên tục tăng vốn từ mức 129 tỷ đồng lên 934 tỷ đồng vào năm 2015, cũng là thời điểm bà Hinh tham gia HÐQT và được bầu làm Chủ tịch KSA (vào tháng 4/2015).

Tuy nhiên, trái với đà tăng vốn, hoạt động kinh doanh của KSA lại đi xuống, từ mức lãi ròng 65 tỷ đồng năm 2010, giảm về 12 tỷ đồng năm 2017. Báo cáo tài chính năm 2018 chưa được KSA công bố, nhưng lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm chỉ đạt chưa đầy 1 tỷ đồng. Cùng với đó, thị giá cổ phiếu cũng lao dốc từ trên 40.000 đồng/CP thời điểm niêm yết về 480 đồng/CP như hiện tại.

Sự bất thường tại KSA đã được đồn đại trên thị trường từ lâu, nhưng chỉ chính thức được phanh phui vào cuối năm 2017. Theo thông tin công bố, trụ sở của các công ty con của KSA đặt tại Cụm Công nghiệp Thắng Hải, xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, nhưng thực tế không hề tồn tại. Nhà máy chế biến xỉ Titan Bình Thuận có công suất 60.000 tấn/năm cũng đã dừng thi công từ lâu.

Tháng 2/2018, HOSE quyết định đưa cổ phiếu KSA vào diện bị kiểm soát đặc biệt do liên tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, trước khi bị hủy niêm yết bắt buộc 5 tháng sau đó và chuyển sang giao dịch trên sàn UPCoM, nhưng cũng bị đình chỉ giao dịch ngay khi chuyển sàn.

Có thể bạn quan tâm

  • Bản tin chứng khoán: Đà tăng của thị trường có được duy trì?

    Bản tin chứng khoán: Đà tăng của thị trường có được duy trì?

    23:25, 20/08/2019

  • Chứng khoán cuối 2019: Cổ phiếu nào có triển vọng?

    Chứng khoán cuối 2019: Cổ phiếu nào có triển vọng?

    11:30, 19/08/2019

  • Gọi vốn từ thị trường chứng khoán: Lệch hẳn về… đi vay

    Gọi vốn từ thị trường chứng khoán: Lệch hẳn về… đi vay

    10:00, 15/08/2019

  • Thị trường cứa mất nửa giá trị của “ông lớn” chứng khoán

    Thị trường cứa mất nửa giá trị của “ông lớn” chứng khoán

    11:11, 13/08/2019

  • Bản tin chứng khoán: Dòng tiền khối ngoại sẽ đi đâu?

    Bản tin chứng khoán: Dòng tiền khối ngoại sẽ đi đâu?

    11:00, 10/08/2019

Ðáng chú ý, ngoài KSA, bà Hinh còn có vai trò quan trọng tại nhiều doanh nghiệp khoáng sản khác như CTCP Khoáng sản Hòa Bình (mã KHB), CTCP Khoáng sản luyện kim màu (mã KSK) và CTCP Khoáng sản và vật liệu xây dựng Hưng Long (mã KHL)...  Hiện tại, các doanh nghiệp này cũng đều chung hoàn cảnh kinh doanh bết bát, thị giá cổ phiếu chỉ còn vài trăm đồng, thanh khoản gần như đóng băng do bị rơi vào diện kiểm soát hoặc hạn chế giao dịch.

Ðầu năm 2019, cổ phiếu SPI của CTCP SPI rơi về 600 đồng/CP - ghi nhận mức giá thấp nhất lịch sử của cổ phiếu này. Ngày chào sàn vào tháng 9/2012, SPI có giá 11.600 đồng/CP và có thời điểm đã leo lên 21.000 đồng/CP, hiện tại giao dịch quanh mức 800 đồng/CP, khớp lệnh trung bình khoảng 20.000 đơn vị/phiên từ đầu năm đến nay.

Về kết quả kinh doanh, SPI vẫn có lãi, nhưng mức lợi nhuận chỉ làng nhàng trên dưới 1 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, năm 2018, SPI bất ngờ báo lỗ tới 6,7 tỷ đồng và bị đưa vào diện cảnh báo từ tháng 4/2019 do lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ và lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 31/12/2018 là số âm. Kết quả kinh doanh bán niên 2019 tuy không lỗ, nhưng kiểm toán đưa ra nhiều điểm ngoại trừ có thể ảnh hưởng đến kết quả này.

Ngoài các mã trên, thị trường còn ghi nhận nhiều mã khoáng sản khác nằm trong “vùng giá chết” như KSH của CTCP Damac GLS (HOSE), LCM của CTCP Khai thác và chế biến Khoáng sản Lào Cai (HOSE), ACM của CTCP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường (HNX), VMI của CTCP Khoáng sản và đầu tư Visaco (HNX)…

… Đến những cổ phiếu khác

CTCP Ðầu tư phát triển Sóc Sơn (mã DPS) thành lập vào tháng 8/2010, với vốn góp ban đầu chưa đến 5 tỷ đồng, ngành nghề chính là buôn bán sắt thép. Tháng 5/2015, DPS niêm yết cổ phiếu trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) và lúc này, vốn điều lệ đã tăng 32 lần lên 160 tỷ đồng. Ðóng cửa phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu DPS đạt mức giá 15.000 đồng/CP.

Hiện tại, vốn điều lệ của DPS là 310 tỷ đồng, tức tăng 60 lần sau 8 năm hoạt động. Vốn điều lệ tăng nhanh, nhưng thị giá cũng giảm nhanh không kém, hiện chỉ còn 400 đồng. Theo đó,  vốn hóa thị trường của DPS chỉ đạt hơn 12 tỷ đồng, trong khi doanh thu năm 2017 lên đến hơn 1.073 tỷ đồng. Giai đoạn 215-2017, năm nào DPS cũng có lãi, nhưng mức lãi theo chiều hướng giảm dần, từ 18,2 tỷ đồng năm 2015, về 14,5 tỷ đồng năm 2016 và chỉ còn hơn 5 tỷ đồng vào năm 2017.

Tuy không lỗ, nhưng trước tình hình kinh doanh cùng thị giá cổ phiếu đi xuống, Ban lãnh đạo DPS không những không có động thái vực dậy doanh nghiệp, mà còn bê trễ trong việc tuân thủ công bố thông tin theo quy định, khiến các cổ đông ngao ngán. Ðược biết, HNX đã đưa cổ phiếu DPS vào diện cảnh báo từ cuối tháng 7/2019 do DPS chưa công bố báo cáo tài chính 2018, báo cáo thường niên 2018, báo cáo tài chính quý I/2019 và chậm công bố thay đổi người ủy quyền công bố thông tin.

Hiện tại, DPS cũng chưa công bố thông tin về việc tổ chức ÐHCÐ thường niên 2019. Năm 2018, DPS phải mất 3 lần mới tổ chức thành công ÐHCÐ 2018. Tuy nhiên, tại đại hội lần 3, cũng chỉ có 3 cổ đông đại diện cho 3,94 triệu cổ phần, tương đương 12% cổ phần có quyền biểu quyết tham dự. Trong khi đó, DPS là một trong những cổ phiếu có thanh khoản khá cao trên thị trường, đạt bình quân trên 100.000 đơn vị/phiên trong năm 2018 và từ đầu năm 2019 đến nay, tuy thanh khoản giảm mạnh, nhưng vẫn đạt bình quân khoảng 50.000 đơn vị/phiên.

Lên sàn vào cuối năm 2015, cổ phiếu SGO của CTCP Dầu thực vật Sài Gòn có giá 14.500 đồng/CP. Song đây cũng chính là mức đỉnh của cổ phiếu này, bởi kể từ đó đến nay, thị giá SGO liên tục giảm, hiện còn 800 đồng/CP. Nguyên nhân chính khiến giá cổ phiếu SGO lao dốc được cho là bởi thông tin về thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp quá mù mờ.

Từ tháng 1/2017, tức chỉ hơn 1 năm sau khi lên sàn, cổ phiếu SGO đã bị HNX đưa vào diện kiểm soát và hạn chế giao dịch vì công bố thông tin không chính xác trên trang thông tin điện tử của Công ty và bản cáo bạch niêm yết cổ phiếu Công ty… Rồi từ đó đến nay, Công ty tiếp tục “bỏ quên” những nghĩa vụ liên quan đến công bố thông tin, cũng như đảm bảo quyền lợi cho cổ đông. Ðơn cử, phải tới nửa sau tháng 7/2018, SGO mới công bố tài liệu tổ chức ÐHCÐ, đến tháng 8 Nghị quyết ÐHCÐ mới được công khai...

CTCP Nông nghiệp và thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (mã HKB) vừa báo lỗ hơn 13 tỷ đồng trong quý II/2019, cũng là quý lỗ thứ 8 liên tiếp, qua đó nâng mức lỗ ròng trong 6 tháng đầu năm 2019 lên hơn 26 tỷ đồng.

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, việc giá nông sản trên thế giới giảm mạnh đã tác động mạnh tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của HKB. Ngoài ra, khó khăn còn đến từ việc HKB đang trong giai đoạn tái cơ cấu, sắp xếp lại nguồn vốn tín dụng với các ngân hàng. HKB đã báo lỗ liên tiếp 2 năm 2017 và 2018, mục tiêu kinh doanh năm 2019 là lãi 20 tỷ đồng.

Có thể thấy, ngoài yếu tố thị trường, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cổ phiếu doanh nghiệp rơi về “vùng giá chết” xuất phát từ việc kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, không minh bạch thông tin, thiếu quan tâm đến lợi ích cổ đông, nhà đầu tư. Hơn ai hết, ban lãnh đạo doanh nghiệp phải là người chủ động đưa ra giải pháp, chủ động trong công khai, minh bạch thông tin trong công tác quan hệ cổ đông… thì mới hy vọng cải thiện được hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó cải thiện thị giá cổ phiếu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đường về “vùng giá chết” của nhiều mã cổ phiếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO