Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, PGS.TS Đỗ Văn Đại đã có những phân tích, nhận định liên quan đến căn cứ pháp lý của trường hợp Bất khả kháng" do Covid-19 và ứng xử nhà thầu.
LTS: Mới đây, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã có văn bản Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ cho các nhà thầu xây dựng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Trong đó nội dung đầu tiên được VACC đề cập là việc “đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ xây dựng hướng dẫn việc áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng giao nhận thầu thực hiện trong thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16”.
Xung quanh vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với PGS.TS Đỗ Văn Đại - Trưởng Khoa luật Dân sự, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.
- Thưa ông! Trong hệ thống các quy định pháp luật hiện hành, trường hợp bất khả kháng đã được đề cập ra sao?
PGS.TS Đỗ Văn Đại: Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 đã có quy định một sự kiện được coi là bất khả kháng tại khoản 1 Điều 156: "Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép".
BLDS có quy định về hậu quả của sự kiện bất khả kháng khi nghĩa vụ không thể thực hiện đúng. Ví dụ, theo BLDS: "Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác" (khoản 2 Điều 351), "Trong thời hạn thuê khoán gia súc, bên thuê khoán được hưởng một nửa số gia súc sinh ra và phải chịu một nửa thiệt hại về gia súc thuê khoán do sự kiện bất khả kháng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác" (Điều 491).
Bên cạnh BLDS, một số văn bản cũng có quy định về hệ quả của sự kiện bất khả kháng. Ví dụ, theo khoản 1 và 4 Điều 296 Luật thương mại năm 2005: "Trong trường hợp bất khả kháng, các bên có thể thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; nếu các bên không có thoả thuận hoặc không thỏa thuận được thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả’ và ‘Việc kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có thời hạn cố định về giao hàng hoặc hoàn thành dịch vụ".
Luật xây dựng hiện hành cũng có quy định về tác động của sự kiện bất khả kháng theo đó khi xảy ra sự kiện "bất khả kháng", đây là "trường hợp được điều chỉnh hợp đồng xây dựng" (khoản 2 Điều 143).
- Vậy doanh nghiệp xây dựng có được miễn thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thưa ông?
PGS.TS Đỗ Văn Đại: Hiện nay, hầu như doanh nghiệp nào cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vì vậy, nếu cứ viện dẫn dịch Covid-19 để được miễn thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng sẽ không còn quan hệ hợp đồng nào nữa được thực hiện; dịch Covid-19 không đồng nghĩa với sự kiện bất khả kháng.
Để được miễn thực hiện nghĩa vụ theo khoản 2 Điều 351 BLDS, doanh nghiệp phải chứng minh được nghĩa vụ của họ không thể thực hiện được do bất khả kháng. Ở đây, họ phải chứng minh được 3 yếu tố của sự kiện bất khả kháng trong quy định trên. Điều quan trọng là phải chứng minh được rằng nghĩa vụ của họ không thể thực hiện được và việc không thể thực hiện được này có nguyên nhân trực tiếp từ dịch Covid-19.
Trong thực tế, mặc dù có dịch Covid-19 và thậm chí có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về giãn cách xã hội do dịch Covid-19, một số công trình xây dựng vẫn tiếp tục được thi công (khi đáp ứng điều kiện về y tế) nên trong trường hợp đó, doanh nghiệp xây dựng không thể viện dẫn dịch Covid-19 như sự kiện bất khả kháng để được miễn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.
Ngược lại, nếu vì dịch Covid-19 mà cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định dừng hoạt động từ đó doanh nghiệp xây dựng không thể tiếp tục thi công (không có cách nào khác là dừng việc thi công), doanh nghiệp có thể viện dẫn sự kiện bất khả kháng để miễn thực hiện nghĩa vụ/miễn trách nhiệm khi quyết định của cơ quan có thẩm quyền như nêu trên là không lường trước được.
Kinh nghiệm giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng tại VIAC cho thấy trong nhiều hợp đồng xây dựng thường có điều khoản đề cao vấn đề thời gian như phạt khi chậm giao/nhận công trình hay nguyên vật liệu/cơ sở vật chất. Nếu việc chậm này thực sự xuất phát từ quyết định của cơ quan có thẩm quyền do dịch covid-19, bên chậm tiến độ có thể viện dẫn quy định về bất khả kháng nêu trên để không bị phạt.
Nói cách khác, tuỳ vào hoàn cảnh cụ thể để xem xét có hay không sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng tới việc thực hiện hợp đồng; chúng ta không được sử dụng một cách tuỳ tiện sự tồn tại của dịch Covid-19 để được miễn thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng trên danh nghĩa của sự kiện bất khả kháng.
Nếu doanh nghiệp xây dựng không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng mà các điều kiện về sự kiện bất khả kháng không hội đủ, đó lại là việc vi phạm hợp đồng với hệ quả pháp lý của nó.
- Với sự kiện bất khả kháng thì một bên hoặc các bên có quyền chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng không, thưa ông?
PGS.TS Đỗ Văn Đại: Một khi hợp đồng được xác lập hợp pháp, đó là ‘Luật’ ràng buộc các bên, các bên phải thực hiện nó và đó là nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Vì thế, việc chấm dứt/huỷ bỏ hợp đồng là một giải pháp rất nghiêm trọng, một bên không thể tuỳ tiện áp dụng. Ngay cả khi có sự kiện bất khả kháng làm ảnh hưởng tới việc thực hiện hợp đồng, việc chấm dứt/huỷ bỏ cũng không luôn luôn được chấp nhận mà cần xem xét sự ảnh hưởng này ở mức độ, có làm cho mục đích khi giao kết có thể đạt được hay không.
Khoản 1 Điều 296 Luật thương mại nêu trên đã cho thấy ưu tiên hàng đầu khi có sự kiện bất khả kháng là ‘tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả’. Ở đây, phương án được khuyến nghị là kéo dài thêm thời gian thực hiện hợp đồng chứ không phải là chấm dứt/huỷ bỏ hợp đồng.
Trong quy định tại Điều 143 trên, Luật xây dựng theo hướng ‘điều chỉnh’ hợp đồng chứ không chấm dứt, huỷ bỏ hợp đồng khi xảy ra sự kiện bất khả kháng.
Thực tế, các hợp đồng xây dựng thường có thời gian dài và việc dừng thi công do phải tuân thủ quyết định của cơ quan có thẩm quyền thường mang tính tạm thời. Vì vậy, nếu hợp đồng vẫn có thể được tiếp tục sau khi quyết định trên hết hiệu lực, không nên cho chấm dứt/huỷ bỏ hợp đồng. Một bên chỉ có thể chấm dứt/huỷ bỏ hợp đồng khi họ "không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng" do sự kiện bất khả kháng.
- Trong các hệ thống pháp lý được quốc tế công nhận thì trường hợp này hiện được tiếp cận ra sao thưa ông?
PGS.TS Đỗ Văn Đại: Nhìn chung, các hệ thống pháp luật đều có quy định về miễn thực hiện nghĩa vụ khi xảy ra sự kiện bất khả kháng. Thực tế, tác động của dịch Covid-19 mang tính toàn cầu và đã có những phán quyết liên quan đến tác động của dịch Covid-19 tới hợp đồng.
Chẳng hạn, xuất phát từ việc cơ quan có thẩm quyền yêu cầu dừng các hoạt động không cần thiết do dịch Covid-19 nên một trung tâm thể thao (hoạt động theo hợp đồng thuê thương mại) đã phải dừng hoạt động trong một thời gian. Từ đó, Toà án của Québec (Canada) đã xét rằng đây là sự kiện bất khả kháng cản trở bên cho thuê thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đảm bảo việc sử dụng ổn định tài sản cho thuê.
Trong hợp đồng, các bên thường xuyên có thoả thuận về trường hợp được coi là sự kiện bất khả kháng và các thoả thuận này thường hiểu sự kiện bất khả kháng theo nghĩa rộng hơn so với quy định của pháp luật. Thực tế, đã có Toà án khai thác thoả thuận như vậy khi xuất hiện những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.
Ví dụ, trong một hợp đồng các bên thoả thuận "bất khả kháng là sự việc từ bên ngoài, không lường trước được và không thể khắc phục được làm cho nghĩa vụ của các bên không thể thực hiện được trong những điều kiện kinh tế hợp lý", Toà án Pháp đã cho rằng dịch covid-19 với những yêu cầu khắt khe về y tế là sự kiện bất khả kháng mà các bên đã thoả thuận.
- Vậy quan điểm của ông về kiến nghị trên của VACC ra sao?
PGS.TS Đỗ Văn Đại: Ở đây, VACC đề nghị Chính phủ thông qua một Bộ ban hành "hướng dẫn" nhưng nội dung cần hướng dẫn như thế nào lại không rõ nên rất khó đánh giá kiến nghị của VACC.
Nếu cơ quan có thẩm quyền ra hướng dẫn chung chung về xác định sự kiện bất khả kháng và hệ quả của sự kiện bất khả kháng như các bên dựa vào BLDS, văn bản liên quan và hợp đồng của các bên để giải quyết thì hướng dẫn như vậy không cần thiết.
Ngược lại, nếu cơ quan có thẩm quyền có hướng dẫn chi tiết quá về mối quan hệ giữa dịch covid và bất khả kháng, chúng ta có điểm đáng lo ngại về hệ quả. Ở đây, cơ quan có thẩm quyền không nên khẳng định một cách chắc chắn rằng dịch covid-19 là sự kiện bất khả kháng; việc khẳng định như vậy không phù hợp với BLDS, có thể mâu thuẫn với thoả thuận của các bên và có thể bị lạm dụng để thoái thác trách nhiệm.
- Theo ông các doanh nghiệp đang có hợp đồng giao nhận thầu bị đình trệ do dịch COVID-19, trong trường hợp này cần hành động như thế nào?
PGS.TS Đỗ Văn Đại: Ngoài việc khai thác các quy định về bất khả kháng với những ràng buộc nêu trên, các bên trong hợp đồng xây dựng nên ngồi lại với nhau để cùng chia sẻ những khó khăn của nhau, tìm ra phương án ít thiệt hại nhất cho nhau.
Việc ngồi lại với nhau là nên làm và pháp luật cũng có quy định thúc đẩy các bên làm việc đó. Bởi lẽ, BLDS đã quy định ‘cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực’ (khoản 3 Điều 3). Ở đây, yêu cầu về ‘thiện chí’ buộc các bên phải ngồi lại với nhau để tìm ra phương án tốt nhất cho các bên trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Thực tế, sự xuất hiện của dịch Covid-19 có thể làm cho doanh nghiệp xây dựng bỏ ra những chi phí chưa dự báo trước, làm cho hoàn cảnh thay đổi cơ bản sơ với lúc hợp đồng được giao kết.
Lúc này, các bên có thể khai thác Điều 420 BLDS về Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản để yêu cầu Toà án hay Trọng tài ‘sửa đổi hợp đồng’ nếu các bên không tự thoả thuận về việc thay đổi nội dung của hợp đồng.
- Xin cảm ơn ông!