Sau khi Mỹ rút lui TPP, các cuộc đàm phán của 11 quốc gia còn lại đã bắt đầu về một hiệp định thương mại mới gọi là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Sau nhiều lần trì hoãn, CPTPP sẽ được ký kết vào ngày 8/3 tại Chile.
TPP bắt đầu bằng việc mở rộng Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPSEP hoặc P4) do Brunei, Chile, New Zealand và Singapore ký năm 2005 và có hiệu lực năm 2006.
P4 gỡ bỏ thuế quan đối với hầu hết các mặt hàng được trao đổi giữa các nước này và cam kết cắt giảm thuế nhiều hơn, đồng thời hợp tác trong các vấn đề rộng hơn như thực tiễn lao động, sở hữu trí tuệ và chính sách cạnh tranh. P4 cắt giảm 90% tất cả các thuế quan giữa các nước thành viên trước ngày 1 tháng 1 năm 2006, và giảm tất cả các mức thuế thương mại xuống 0 cho đến năm 2015.
Từ năm 2008, các nước khác đã tham gia đàm phán về một thỏa thuận rộng hơn, bao gồm Australia, Canada , Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Peru, Mỹ và Việt Nam, nâng số các nước đàm phán lên 12. Tháng 1 năm 2008, Mỹ đồng ý tham gia đàm phán với các thành viên P4 về tự do hóa thương mại trong các dịch vụ tài chính. Điều này đã dẫn đến 19 vòng đàm phán chính thức và một loạt các cuộc họp bổ sung tiếp theo, chẳng hạn như các cuộc họp của các nhà đàm phán trưởng và của các Bộ trưởng, và kết quả là thỏa thuận được thông báo vào ngày 5 tháng 10 năm 2015. Các nước đã ký kết TPP vào tháng 2 năm 2016, đại diện cho khoảng 40% sản lượng kinh tế thế giới.
Các thành viên cũng mong muốn thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn về các chính sách và quy định kinh tế. Hầu hết các hàng hoá và dịch vụ được trao đổi giữa các quốc gia đều có tên trong TPP, nhưng không phải tất cả thuế quan sẽ được loại bỏ và một số sẽ mất nhiều thời gian hơn các loại thuế khác. Nhìn chung, có khoảng 18.000 thuế quan được đưa vào trong TPP.
Thỏa thuận này được thiết kế để cuối cùng có thể tạo ra một thị trường chung mới giống như Liên minh châu Âu (EU). Nhưng tất cả 12 quốc gia cần phải phê chuẩn trước khi thỏa thuận có hiệu lực. Nhật Bản và New Zealand là hai nước đã phê chuẩn thỏa thuận ban đầu, trong đó Nhật Bản là nước đầu tiên phê chuẩn vào ngày 20 tháng 1 năm 2017 và New Zealand vào ngày 11 tháng 5 năm 2017.
Việt Nam đã chính thức ký kết TPP vào ngày 04 tháng 02 năm 2016 và TPP sẽ bắt đầu có hiệu lực 2 năm sau đó.
Sau khi nhậm chức, vào ngày 23 tháng 1 năm 2017, Tổng thống Trump đã quyết định rút nước Mỹ khỏi Hiệp định, thể hiện với thế giới cam kết của ông với chính sách bảo hộ “nước Mỹ là trên hết”, khiến TPP không thể đáp ứng điều kiện có hiệu lực như dự kiến ban đầu.
Tương lai của TPP đã trở nên không chắc chắn sau khi Mỹ rút lui. Tuy nhiên, một số nước ký kết đã báo hiệu ý định của họ về việc thúc đẩy TPP mà không có sự tham gia của Mỹ.
Vào tháng 5/ 2017, 11 quốc gia còn lại trong TPP đã đồng ý khôi phục lại thỏa thuận. Tại cuộc họp cấp cao trong Tuần lễ cao cấp APEC diễn ra tại Đà Nẵng vào ngày 11/11/2017, các Bộ trưởng các quốc gia thành viên TPP đã đạt được thoả thuận cơ bản cho TPP-11, đồng thời thống nhất tên mới cho Hiệp định là CPTPP.
Thỏa thuận gần như vẫn được giữ nguyên, nhưng bao gồm một danh sách 20 "điều khoản đóng băng" được thêm vào TPP theo yêu cầu của Mỹ và bây giờ không còn ràng buộc. Những điều khoản này chủ yếu liên quan đến đầu tư, mua sắm chính phủ và sở hữu trí tuệ.
Mặc dù con số này vẫn ít hơn đáng kể so với 28 nghìn tỷ USD của TPP ban đầu, nhưng CPTPP vẫn sẽ là một trong những hiệp định thương mại lớn nhất thế giới. Hiện nay, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Philippines và Đài Loan, cũng như Vương quốc Anh đều đã thể hiện sự quan tâm đến việc đàm phán và gia nhập Hiệp định thương mại này. Kể cả Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng để ngỏ khả năng sẽ tham gia trở lại CPTPP nếu các điều khoản của Hiệp định có lợi cho Mỹ.