Lùm xùm sao kê tài khoản: Cần minh bạch hoạt động từ thiện

GIA NGUYỄN 11/09/2021 04:20

Mặc dù được đánh giá là hành động nhân văn, đáng khích lệ, tuy nhiên, xoay quanh lùm xùm nghệ sĩ sao kê tài khoản thời gian qua, các chuyên gia cho rằng, cần minh bạch hoạt động từ thiện…

Nghệ sĩ làm từ thiện không phải câu chuyện mới, thực tế, ít nhiều, với uy tín cá nhân và lượng người ái mộ đông đảo, giới nghệ sĩ đứng ra kêu gọi từ thiện cũng đã nhận được rất đông sự ủng hộ, đem lại những hiệu quả tích cực, đáng quý. Tuy nhiên, việc nghệ sĩ làm từ thiện chỉ mang tính tự phát, là một hoạt động cá nhân, không có tính tổ chức, tính hợp pháp,… dẫn đến hàng loạt những lùm xùm không đáng có về sự công khai, minh bạch như làn sóng yêu cầu nghệ sĩ sao kê từ thiện thời gian vừa qua.

Khi vụ việc của nghệ sĩ Hoài Linh “ngâm” tiền từ thiện tới 6 tháng, không phát ngay cho bà con bị ảnh hưởng trong đợt lũ lụt miền Trung nghiêm trọng xảy ra năm 2020 chưa “hạ nhiệt”, thì mới đây, liên quan đến hoạt động từ thiện, dư luận lại tiếp tục “nóng lên” khi hàng loạt những nghệ sĩ đình đám lại tiếp tục bị “gọi tên” do liên quan đến những lùm xùm sao kê từ thiện.

Theo đó, thời gian vừa qua, phần lớn các ý kiến trong cộng đồng mạng đề nghị các nghệ sĩ làm thiện nguyện không chỉ phải sao kê đầu vào những khoản quyên góp nhận được, mà các khoản chi tiêu, chi phí, cứu trợ, ủng hộ… tức là đầu ra cũng cần phải được công khai rõ ràng.

Đầu tiên phải kể đến sự việc MC, diễn viên Trấn Thành kêu gọi ủng hộ người dân miền Trung năm 2020 với tổng số tiền nhận được là 9,4 tỷ đồng nhưng nam MC này lại chuyển 3 tỷ đồng cho MC Đại Nghĩa và hơn 6,4 tỷ đồng cho bà Ngọc Hương (mẹ Hồ Ngọc Hà) làm từ thiện, thay vì gửi cho ca sỹ Thủy Tiên như lời hứa ban đầu.

Hay như vụ việc ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng bị bà Nguyễn Phương Hằng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam “tố” trên mạng xã hội là nhận được số tiền kêu gọi quyên góp thực tế 96 tỷ đồng, nhiều hơn con số mà ca sỹ công bố.

Đến ca sỹ Thủy Tiên, người từng không quản ngại gian nan, vất vả đem những khoản đóng góp từ thiện của các mạnh thường quân đến bà con miền Trung bị ảnh hưởng đợt lũ lụt năm 2020 từng được cộng đồng ghi nhận, khen ngợi. Tuy nhiên đến nay, không ít ý kiến vẫn thắc mắc về sự minh bạch đối với số tiền mà người hâm mộ, mạnh thường quân đã đóng góp cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt thông qua Thủy Tiên.

Chuyện nghệ sĩ làm từ thiện, người có ảnh hưởng trong cộng đồng thực hiện những nghĩa cử cao đẹp, làm những điều tốt đẹp, lẽ ra phải lan tỏa cảm xúc tích cực, truyền cảm hứng. Vậy, vì sao những ngày qua lại dậy sóng chuyện đòi nghệ sỹ sao kê các khoản tiền quyên góp được?

Thông tin với báo chí, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hoà chia sẻ: “Nghệ sĩ làm từ thiện không phải câu chuyện mới, họ được công chúng yêu mến, có sức hút mãnh liệt, nên dễ dàng huy động được rất nhiều tiền. Tuy nhiên, nghệ sĩ làm từ thiện chỉ là một hoạt động cá nhân, không có tính chuyên nghiệp bởi đó không phải là nghề nghiệp của họ”.

Cũng chính bởi không phải là người hoạt động cứu trợ chuyên nghiệp, nên chắc chắn nghệ sĩ sẽ có chỗ này hay chỗ kia sơ suất, thiếu sót, đặc biệt là trong khâu thu thập các hóa đơn, chứng từ đầu ra. Tuy nhiên, đó cũng không thể trở thành lý do để không giải trình các khoản chi tiêu một cách có trách nhiệm và rõ ràng, minh bạch.

“Nếu không làm thì thôi, còn đã làm là phải minh bạch, người nghệ sĩ chỉ là người ở giữa, nhận tiền của nhà hảo tâm, chuyển tới những người khó khăn. Nếu nghệ sĩ chỉ chuyển đi tiền của cá nhân mình hay gia đình thì không cần phải công khai, nhưng trong trường hợp này, nghệ sĩ chỉ là người đại diện”, ông Hoà nhận định.

Theo ông Hòa, cần khẳng định rằng, đòi hỏi sự minh bạch từ các nghệ sĩ như Thuỷ Tiên, Đàm Vĩnh Hưng... của dư luận là hoàn toàn chính đáng, và các nghệ sĩ có nghĩa vụ phải làm rõ các con số. Sự minh bạch đó không chỉ là sao kê đầu vào những khoản quyên góp được, mà cả đầu ra bao gồm các chi tiêu, chi phí, cứu trợ, ủng hộ,…

Liên quan đến lùm xùm kêu gọi, quyên góp từ thiện của giới nghệ sĩ thời gian qua, thông tin với báo chí bên lề cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 6/9, Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh văn phòng Bộ Công an cho rằng, việc cá nhân, tổ chức đứng ra kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ đồng bào vượt qua khó khăn dịch bệnh, thiên tai... là nghĩa cử cao đẹp, nhân văn, đúng với truyền thống dân tộc Việt Nam.

Theo ông Xô, đây là việc làm mà Nhà nước rất khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức đóng góp, vận động, kịp thời mang lại hiệu quả thiết thực cho những người đang cần hỗ trợ. Trong khi đó, pháp luật cũng quy định cụ thể việc vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn, thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng hay bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Cụ thể, các khoản quyên góp, hỗ trợ mà các tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận, phải được phân bổ, sử dụng và thực hiện “kịp thời, đúng mục đích, đối tượng, minh bạch, công khai”. Pháp luật quy định, nghiêm cấm sử dụng hoạt động cứu trợ, thiện nguyện để vụ lợi hay gian lận, báo cáo sai sự thật để chiếm đoạt tiền, hàng do các cá nhân, tổ chức quyên góp.

Vì vậy, ông Xô khẳng định với những trường hợp nào có dấu hiệu của việc chiếm đoạt tài sản là tiền, hàng từ hoạt động quyên góp ủng hộ, cơ quan chức năng sẽ xem xét, xử lý với tội danh là lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Liên quan đến các thông tin dư luận gần đây về việc một số nghệ sĩ, người nổi tiếng quyên góp tiền từ thiện nhưng lại có nghi vấn sử dụng không đúng mục đích, ông Xô cho biết, hiện các cục nghiệp vụ của Bộ Công an chưa nhận được tố cáo, công an địa phương chưa có báo cáo, tổng hợp.

“Nếu ai có chứng cứ, tài liệu gửi cho Cơ quan điều tra tại địa phương hoặc các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an thì chúng tôi sẽ vào cuộc để đảm bảo đúng quy định”, trung tướng nhấn mạnh.

Theo ông Xô, việc minh bạch số tiền quyên góp được không khó bởi “việc nhận bao nhiêu, chi bao nhiêu là con số số học, nên hoàn toàn có thể làm được”, nên mong những người đứng ra kêu gọi cố gắng minh bạch.

Người phát ngôn của Bộ Công an cũng khẳng định, dù chưa có thông tin tố giác nhưng công an luôn chủ động nắm thông tin, để đảm bảo an ninh trật tự xã hội, trường hợp có dấu hiệu gây bất ổn xã hội thì sẽ điều tra, xử lý theo đúng quy định.

Liên quan đến việc nhiều nghệ sĩ dính lùm xùm từ hoạt động kêu gọi từ thiện bị “gọi tên” trên mạng xã hội, yêu cầu minh bạch “sao kê” số tiền kêu gọi ủng hộ đổ về tài khoản ngân hàng, bị lên án vì quảng cáo sai lệch sự thật… Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đang hoàn thiện dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật gồm ngành biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật và nhiếp ảnh.

Trong đó, hành vi ứng xử ở đây là những phát ngôn, tác phong, lối sống, trang phục của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Ngoài quy tắc ứng xử chung, ban soạn thảo đưa ra các quy tắc cụ thể trong hoạt động nghề nghiệp, ứng xử với đồng nghiệp, khán giả, ứng xử trong công tác xã hội, trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội.

Thông tin với báo chí, ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng phụ trách khối nghệ thuật, Bộ VHTT&DL cho biết, văn bản được xây dựng để nghệ sĩ ứng xử có văn hóa, giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống, nâng cao ý thức trách nhiệm, chuẩn mực đạo đức.

Theo ông Đông, đây là khung về quy tắc ứng xử chứ không phải quy phạm pháp luật, không có phần xử phạt, vì thế không có chuyện cấm sóng các nghệ sĩ. Bộ quy tắc sẽ áp dụng với nghệ sĩ tự do lẫn thuộc các đơn vị nghệ thuật công lập.

Cũng theo ông Đông, Bộ VHTT&DL đã gửi văn bản dự thảo cho sáu đơn vị gồm Hội Điện ảnh, Hội Mỹ thuật, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh, Hội Nhạc sĩ để lấy ý kiến góp ý.

Các chuyên gia cũng đánh giá Bộ Quy tắc dành cho nghệ sĩ sẽ có những tác dụng nhất định với cách hành xử, ứng xử của họ, thế nhưng, song hành với đó là việc xử phạt phải được cụ thể hóa bằng các văn bản pháp luật có hiệu lực cao hơn, và cần đưa một số vụ việc ra xử nghiêm để làm gương

Trước thực trạng đã nêu, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh Bộ Quy tắc ứng xử của Bộ VHTT&DL thì đã đến lúc cần sửa đổi, bổ sung kịp thời Nghị định số 64/2008/NĐ-CP, theo hướng tăng cường cơ chế kiểm tra giám sát hoạt động để tránh những tiêu cực có thể phát sinh.

“Khi sửa đổi bổ sung Nghị định 64, cần quy định rõ những trường hợp nào, tổ chức, cá nhân được phép kêu gọi, tiếp nhận, phân phát hàng, tiền cứu trợ. Nội dung kêu gọi phải quy định thời hạn kêu gọi, mục đích từ thiện, thời gian thực hiện hoạt động từ thiện, kinh phí cho việc tổ chức, minh bạch số tiền tiếp nhận, số tiền phân phát bằng các sổ sách, chứng từ, có thể là cần phải có sự xác nhận của cơ quan chức năng.

Với những số tiền lớn từ 1 tỷ đồng trở lên, bắt buộc phải có bên thứ ba giám sát việc quản lý và sử dụng tiền từ thiện, yêu cầu người tiếp nhận tiền từ thiện phải liên hệ với chính quyền địa phương hoặc các cơ quan chuyên môn như: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Chữ thập đỏ...”, các chuyên gia kiến nghị.

Còn theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, hoạt động cứu trợ tự nguyện có tổ chức cao của người dân từ đợt bão lũ năm 2020 của miền Trung vừa qua đã đặt ra các vấn đề về chính sách và pháp luật cần giải quyết, trong đó, bao gồm: tính hợp pháp; bảo đảm công khai minh bạch; bảo đảm phân phối hợp lý, công bằng; hỗ trợ hậu cần; cơ chế phối hợp; ứng xử thống nhất của chính quyền địa phương; bảo đảm an ninh, an toàn cho tài sản và người tham gia; có chính sách nhất quán, ổn định để khuyến khích và hỗ trợ.

Luật sư Lập kiến nghị, quy định chung phải phân biệt với tài trợ trực tiếp, riêng tư, có địa chỉ cụ thể; là hoạt động công khai, có tính đại chúng; quy định quyền chính đáng của các tổ chức, cá nhân, được Nhà nước khuyến khích, phối hợp và bảo trợ; quy định các quyền pháp lý và các lợi ích tinh thần, vật chất mà bên tổ chức hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối cứu trợ và bên tài trợ, đóng góp được hưởng.

Đặc biệt, Luật sư Lập cho rằng, cần quy định chi tiết về các mô hình tổ chức hoạt động theo hướng quy định nghĩa vụ của Bên tổ chức có đề án hoạt động và văn bản cam kết, đăng ký với chính quyền; công khai hóa và trách nhiệm báo cáo, giải trình; Bên đóng góp, tài trợ có nghĩa vụ sử dụng tài sản hợp pháp của mình để đóng góp, tài trợ; Bên nhận tài trợ có nghĩa vụ sử dụng các khoản đóng góp đúng mục đích của Nhà tài trợ và cam kết của cá nhân; Bên giám sát, phối hợp, hỗ trợ có chương trình phối hợp; hỗ trợ, không gây phiền hà; giải quyết các khiếu nại, tranh chấp; xử lý quan hệ quốc tế.

Nổi bật
Mới nhất
Lùm xùm sao kê tài khoản: Cần minh bạch hoạt động từ thiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO