Chị Sophie Hà Nguyễn là cựu học giả Chevening, từng ghi dấu ấn trong lĩnh vực tài chính tại Ngân Hàng ANZ Việt Nam và tiếp đó là thành công với thương hiệu thời trang trẻ em Skabella.
Song song với đó, chị cũng sáng lập ra Style Academy, Học viện đào tạo về Phong cách và Định vị thương hiệu cá nhân chuẩn quốc tế. Với vai trò nhà sáng lập và điều hành, chị đã tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng hơn 3.000 phụ nữ hiện đại, giúp họ phát huy giá trị riêng, toả sáng trong sự nghiệp lẫn cuộc sống.
Từng làm việc, tiếp xúc, huấn luyện và đào tạo cho hàng nghìn phụ nữ trong hành trình cuộc sống đầy sắc màu của mình, chị Sophie giúp họ tìm thấy không chỉ nguồn cảm hứng, động lực mà cả những chìa khoá thực tế để trở thành phiên bản tuyệt vời hơn của chính mình.
Nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã có một cuộc trò chuyện nhanh với chị Sophie Hà Nguyễn về một chủ đề mà luôn là mối quan tâm hàng đầu của mọi phụ nữ, mà ở đó, chị Sophie vừa là một chuyên gia, vừa là một nữ doanh nhân: Thời trang.

 

- Thành ngữ có câu “Y phục xứng kỳ đức“, tức là quần áo phải tương ứng với địa vị xã hội. Nhưng chị lại tin vào triết lý: Đừng đợi thành công rồi mới mặc đẹp, hãy mặc đẹp để thành công hơn. Chị có thể kể câu chuyện của mình về niềm tin này được không?

 

Mỗi câu thành ngữ đều được gắn với một thời kỳ lịch sử nhất định. Thành ngữ phương Tây có câu “Bạn không thể đánh giá một cuốn sách qua cái bìa của nó”. Xã hội hiện đại đã chứng minh rằng ở mọi nơi trên thế giới, người tiêu dùng vẫn quyết định mua sản phẩm dịch vụ dựa trên cảm nhận, đánh giá của họ về bao bì, mẫu mã.
Thuật ngữ Dress for Success (Mặc đẹp để thành công) ra đời tại Mỹ vào năm 1975 sau nhiều nghiên cứu và chỉ rằng cách chúng ta ăn mặc có ảnh hưởng trực tiếp đến thành công trong sự nghiệp và cuộc sống. Kể từ đó, khái niệm này được ứng dụng rộng rãi, mở đầu với những người nổi tiếng và sau lan rộng ra giới doanh nhân và nhiều thành phần xã hội khác.
Tôi khuyến khích các cá nhân xây dựng định vị bắt nguồn từ giá trị cốt lõi và nền tảng tri thức, đồng thời không quên phát triển diện mạo để họ dễ dàng “khoe khéo” những giá trị bên trong, đẹp từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong. Những người có một vẻ đẹp bền vững và thu hút như vậy luôn được yêu mến, ủng hộ và có nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống.
- Chị và Style Academy đang làm gì để lan tỏa niềm tin này?
Style Academy có các chương trình chia sẻ miễn phí qua livestream hằng tuần, qua các chương trình Style Talk hằng tháng về chủ đề Định vị - Phong cách – Phong thái. Style Academy có các lớp họ chuyên sâu ở nhiều trình độ khác nhau như tự học trực tuyến qua video, lớp học trực tuyến có giáo viên hướng dẫn trực tiếp, lớp học trực tiếp, các chương trình huấn luyện, tư vấn 1:1 và các khóa đồng hành 6 tháng để giúp học viên có các sự lựa chọn khác nhau, phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của mình.
Tôi cũng là khách mời thường xuyên của các doanh nghiệp và truyền thông như Tạp chí kinh doanh Forbes, Truyền hình K+ (trong tháng 3), Daiichi, Liberty, Coca Cola, các Ngân hàng trong và ngoài nước, tập đoàn Dầu Khí, v.v..

 

 

 

- Mọi người vẫn thường nghĩ rằng, công ty lớn thì mới quan trọng thương hiệu, người “lớn” mới quan trọng nhân hiệu. Quan điểm của chị về việc này thế nào?
Bạn định nghĩa thế nào là người “lớn”? Góc nhìn của tôi là mỗi cá nhân, cho dù họ có nhận thức thấy hay không, đều đã, đang và sẽ có nhân hiệu của riêng mình rồi. Sự khác biệt là cách họ giới thiệu nhân hiệu của họ với những người xung quanh như thế nào?
Việc để lại được ấn tượng với những người xung quanh sẽ giúp bạn trở thành “top of mind” (xuất hiện đầu tiên trong suy nghĩ) khi họ nghĩ về một lĩnh vực, chủ đề nhất định.
Nếu hình ảnh bạn để lại là hình ảnh tích cực và có dấu ấn, họ có xu hướng tự nhiên là sẽ nghĩ, liên lạc và chia sẻ cơ hội với bạn đầu tiên trước khi họ nghĩ và chia sẻ với người khác. Nếu nội lực của bạn đã được chuẩn bị sẵn và đủ đầy, cơ hội đến, bạn đón nhận và “cất cánh” một cách tự nhiên.
- Hình ảnh là một phần rất quan trọng của thương hiệu. Vậy theo chị, trang phục sẽ có những vai trò gì cho nhân hiệu?
Như tôi đã chia sẻ, khi trang phục và diện mạo giúp bạn “khoe khéo”những giá trị bên trong của bạn mà không cần “xưng danh”, lúc đó trang phục đã làm tròn trách nhiệm trong bài toán tổng thể về nhân hiệu.
- Nếu chỉ được giữ lại “ít nhất có thể”, chị sẽ giữ lại bao nhiêu và là những món trang phục gì để vẫn “ra” được nhân hiệu của mình?
Tôi luôn tâm đắc với khái niệm “less is more” (tạm dịch: ít mà chất) và thường xuyên chia sẻ quan điểm này với học viên. Trong việc tạo dựng phong cách và xây dựng định vị, số lượng không phải là biến số then chốt. Điều quan trọng là bạn có món đồ gì giúp bạn thể hiện một cách tự nhiên và hiệu quả nhất khí chất, trình độ và phẩm chất của bạn ra bên ngoài.
Chỉ cần chút kiến thức và hiểu các nguyên tắc phối kết hợp quần áo, một người phụ nữ có thể trở nên biến hóa và hấp dẫn với một tủ đồ đơn giản, gọn nhẹ. Tôi đã từng ngồi với học viên để tạo ra 42 bộ trang phục khác nhau chỉ từ 09 món đồ riêng lẻ.

 

 

- Rất hay nếu chị có thể chia sẻ câu chuyện “lột xác” của một học viên tốt nghiệp Style Academy.
Nếu chỉ có một học viên “lột xác”, có lẽ tôi sẽ không tiếp tục Style Academy. Khi học về đề tài “Mặc đẹp để thành công hơn”, học viên thường chia sẻ lại một danh sách các điểm chuyển hóa và trong đó luôn có những điểm họ hạnh phúc khi chuyển hóa còn hơn cả ngoại hình.
Đó thường là sự tự tin, cảm giác tự hào về bản thân và việc đón nhận các cơ hội mới trong công việc và cuộc sống khi họ được những người xung quanh nhìn nhận không chỉ đẹp và gu hơn, mà còn có những biến chuyển tích cực về tư duy và phong cách sống.
Chính vì những phản hồi tích cực này, tôi nhận thấy Style Academy có cơ hội giúp đỡ nhiều phụ nữ khác nữa thông qua việc mở khoá học trực tuyến chuyên sâu về Định vị Nhân hiệu, Kiến tạo Thành công – nơi các học viên được hướng dẫn cách sống chậm và tỉnh thức, dành thời gian kết nối, suy nghĩ sâu để tìm ra mục đích sống, đặt mục tiêu sáng rõ, biết cách khai thác tiềm năng, hạn chế trở lực của bản thân để trở thành phiên bản tuyệt vời hơn của chính mình.
- Hiện nay thế giới đang có nhiều ứng dụng tư vấn trang phục bằng trí tuệ nhân tạo. Những ứng dụng này có thể nhanh chóng đưa ra lời khuyên về trang phục cho từng khách hàng cho từng sự kiện cụ thể vào bất kỳ lúc nào. Là một chuyên gia thời trang, chị đánh giá thế nào về tính hữu dụng của những ứng dụng này, nhất là với người Việt? Và Style Academy sẽ có “vũ khí” gì để “thi đấu” với những ứng dụng kiểu đó?
Tôi đã nghe và rất muốn có cơ hội để khai phá và thử nghiệm công nghệ này ở Việt Nam. Anh hỏi “vũ khí” gì ư? Thú thật là tôi không cần vũ khí vì tôi không cạnh tranh với máy móc.
Máy móc có thể hữu dụng trong việc đưa ra gợi ý về cách ăn mặc. Nếu các cá nhân không hiểu được giá trị “gốc” của mình và theo chỉ dẫn của máy móc, có thể họ sẽ học theo, trở thành xinh đẹp hơn và “xinh” như nhiều người khác nữa cũng nghe theo chỉ dẫn của máy tính.
Có những yếu tố “mềm” và rất “con người” được Style Academy chia sẻ và giúp các học viên cá nhân hóa phiên bản của mình để cho dù bạn chọn phong cách thời trang gì, bạn vẫn sẽ luôn là phiên bản có một không hai của chính bạn, có câu chuyện riêng của bạn.
- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện rất thú vị này. Xin chúc chị luôn xinh đẹp và thành công trên con đường của mình.