Ngày DOANH NHÂN VIỆT NAM năm nay là thời khắc cả thế giới vẫn đang đối mặt với đại dịch COVID-19, tác động rất tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế- xã hội. Trong hoàn cảnh như vậy, khí chất và truyền thống “Tâm - Tài - Trí - Tín” của doanh nhân Việt Nam luôn tỏa sáng.

Chia sẻ tại báo cáo thường niên 2020, ông Phạm Nhật Vượng đã nhấn mạnh: "Đẩy mạnh hợp tác, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trên mọi lĩnh vực là định hướng xuyên suốt của Vingroup. Công nghệ sẽ là chìa khóa then chốt thúc đẩy sự phát triển, tối ưu trí tuệ, khai phóng tiềm năng của toàn bộ hệ thống".

Hiện thực hóa định hướng này, hai thành viên mới VinES (sản xuất awcquy) và VinAI (nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ) đã gia nhập hệ sinh thái Vingroup.

Trong công tác phòng chống dịch, tổng giá trị mà Vingroup đã tài trợ cho hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam đã lên tới hơn 2.287 tỷ đồng.

Thị trường ôtô càng về cuối năm, các hãng tung ra các mẫu xe mới sẽ góp thêm sức nóng, tạo đà phục hồi thị trường xe. Những ngày đầu thàng 10, Thaco của tỉ phú Trần Bá Dương đã "khấy động" thị trường xe bằng màn ra mắt đầy bất ngờ với mẫu xe mới Kia Sonet, Kia K5 và một số mẫu chủ lực của Kia sẽ có mặt tại Việt Nam trong năm 2022 gồm Sorento Hybrid, Sportage thế hệ mới, mẫu xe điện EV6 và Telluride. Đây là điều khá bất ngờ bởi chưa có hãng xe nào ra mắt nhiều sản phẩm cùng lúc, ngoại trừ tại Triển lãm ôtô Việt Nam.

Đồng hành cùng cả nước chống dịch, THACO đã trao tặng nhiều vật tư, phương tiện y tế thiết yếu cho TP HCM cùng nhiều tỉnh, thành trên cả nước với tổng giá trị tài trợ hơn 1.000 tỉ đồng.

Trong thành công của các thương vụ xuất khẩu của Vinamilk đều có sự nhạy bén trong việc nhận định được những lợi thế về thị hiếu tiêu dùng, chọn đúng sản phẩm nhắm đến đối tượng mục tiêu.

Nhưng "yếu tố thành công" mang tính quyết định giúp Vinamilk đi xa hơn tại mỗi thị trường, được đón nhận bởi của người tiêu dùng, theo lãnh đạo Vinamilk, luôn bắt đầu từ hai chữ "sản phẩm".

Đặc biệt, điểm khác biệt luôn được bà Liên theo đuổi đó là "may đo" được các sản phẩm riêng cho thị trường xuất khẩu chứ không chỉ "dựa" vào sản phẩm thế mạnh sẵn có.

Không chỉ các dự án quy mô lớn được BRG chăm chút và tập trung đầu tư, ở bất cứ dự án nào thì chuẩn mực quốc tế, sự đột phá về tiện ích, chất lượng và dịch vụ nhằm nâng tầm chất lượng sống của người Việt đều là kim chỉ nam đối với BRG.

Bà Nga quan niệm, Tập đoàn BRG có thể xây nên hàng nghìn căn hộ, nhưng có những khách hàng cả đời chỉ mua được một căn hộ. Vì vậy, BRG sẽ đầu tư xây dựng như xây nhà của chính mình, với tâm huyết và tình yêu từ trái tim để các căn hộ có chất lượng tốt nhất, nhằm mang những giá trị tuyệt vời nhất đến cho khách hàng, góp phần nâng tầm tiêu chuẩn sống của người Việt và khẳng định thương hiệu BRG trong lĩnh vực Bất động sản.

Cách đây 18 năm, trong khi thị trường đi bán nhà thì Ecopark tập trung đi xây dựng hệ sinh thái không gian xanh. Còn nay, Ecopark đi… bán thiên nhiên khi là một trong những khu đô thị xanh nhất với diện tích cây xanh mặt nước hơn 100ha và hơn 1 triệu cây xanh.

Trong giai đoạn “lockdown” của nền kinh tế nhưng việc tìm được cho mình một hướng đi riêng, tạo ra được sự khác biệt, đáp ứng được những nhu cầu của khách hàng với sự ra mắt 3 tòa R1, R2, R3 trong đợt dịch thứ 3, hay manh nha cho ra mắt Landmark - 2 tòa tháp trị liệu khoáng nóng tại gia trong đợt dịch thứ 4… đã giúp Ecopark “sống khỏe”.

Để một dự án có thể lọt vào “mắt xanh” của khách hàng ngoài yếu tố về thương hiệu, quy mô,… thì các chủ đầu tư đều phải tạo ra những sản phẩm bất động sản mang tính cạnh tranh, khác biệt. Đó chính là điều Chủ tịch Lương xuân Hà cùng Ecopark đang theo đuổi.

Giữa tháng 4/2021, bà Nguyễn Thị Phương Thảo nhận Huân chương Bắc đẩu bội tinh của Nhà nước Cộng hòa Pháp. Trong đại dịch, Hãng hàng không của bà Phương Thảo đã thực hiện hàng ngàn chuyến bay giải cứu và cứu trợ, dành tặng hàng triệu khẩu trang y tế cho người dân các nước Anh, Pháp, Đức, Mỹ…

Đúng như ông Michael Croft - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam nhận xét: "Bà hiểu rõ sự kinh doanh tử tế, trách nhiệm doanh nghiệp là nền tảng để tiến xa hơn sức mạnh tài chính. Điều này có lẽ là nhờ sự hiểu biết sâu sắc vai trò của doanh nghiệp trong một xã hội rộng lớn và trái tim nhân hậu bên cạnh tầm nhìn vượt trước của bà.

Kinh doanh luôn gắn liền với trách nhiệm xã hội cộng đồng là triết lý chưa bao giờ thay đổi của Viettel. Và với ông Lê Đăng Dũng, đi cùng nhau không chỉ để đi thật xa, mà phải đi thật nhanh.

Gần hai năm qua, là doanh nghiệp công nghệ lớn nhất đất nước, với tất cả thế mạnh về hạ tầng mạng lưới công nghệ, tài chính, con người, Viettel đã và đang dốc toàn lực cùng Chính phủ, nhân dân thực hiện cuộc chiến chống COVID-19 và song song thực hiện chuyển đổi số quốc gia, chính COVID-19 đã bắt chúng ta phải chuyển đổi số nhanh hơn.

Viettel và các doanh nghiệp khác đã cùng các ban ngành quyết liệt chuyển đổi số y tế, giáo dục, giao thông, thương mại, logistics, xây dựng đô thị thông minh và chính quyền số.

Trước sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ông Hiển cùng T&T đã chủ động sáng tạo, linh hoạt duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại, ổn định đời sống người lao động.

Không để ai bị bỏ lại phía sau, dù khó khăn nhưng T&T vẫn luôn bảo đảm thu nhập cho gần 100.000 cán bộ công nhân viên người lao động tại nhiều tỉnh thành phố trên cả nước và ở nước ngoài.

Đóng góp vào công tác phòng chống dịch COVID-19, riêng tập đoàn T&T và ngân hàng SHB đã đóng góp vào công tác phòng chống dịch COVID-19 với số tiền gần 1.300 tỷ đồng.

Ngay từ khi ra đời cho tới nay, Tập đoàn TH và cá nhân nữ doanh nhân Thái Hương - Nhà Sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH luôn bền bỉ lên tiếng, đấu tranh và thúc đẩy cho sự ra đời của các quy chuẩn, tiêu chuẩn đúng thông lệ quốc tế trong ngành sữa và dinh dưỡng. Trong nhiều năm, bà Thái Hương đã kiên trì lên tiếng, đưa kiến nghị nhằm thay đổi QCVN 5-1:2010, minh bạch hóa thị trường sữa. Bà đề xuất: Doanh nghiệp phải ghi rõ xuất xứ nguyên liệu đầu vào trên bao bì sản phẩm là sữa tươi hay sữa bột pha lại và Cơ quan chức năng cần tiến hành rà soát, kiểm tra, phân loại các sản phẩm sữa đang lưu hành trên thị trường; xử lí nghiêm ngặt khi có vi phạm.

Trong năm 2020 - 2021, khi COVID-19 bùng phát ông Nguyễn Đình Trung đóng góp sức người, sức của để cùng cả nước đẩy lùi bệnh dịch. Gần 200 tỷ đồng đã được Hưng Thịnh ủng hộ qua các hành động thiết thực, cụ thể như: đóng góp ngân sách cho Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 của Chính phủ, trao tặng trang thiết bị y tế, kit xét nghiệm, xe cấp cứu cho các bệnh viện, tài trợ Chương trình nghiên cứu thuốc điều trị COVID-19, hỗ trợ suất ăn cho người nghèo, tiếp sức cho đội ngũ y tế… tại khắp các tỉnh thành trên cả nước…

Thời gian qua ông và Tập đoàn Hưng Thịnh đã dành nguồn ngân sách hơn 800 tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện, nhân đạo vì cộng đồng.

Để hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, Lộc Trời tích cực đầu tư, ứng dụng các giải pháp khoa học, công nghệ vào hoạt động. Ông Thòn quan niệm, chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) mới sẽ giúp cho ngành nông nghiệp Việt Nam tạo lợi thế cạnh tranh khi tham gia chuỗi nông sản toàn cầu.

Tại Lộc Trời, AI được ứng dụng trong phân tích dữ liệu, giúp Lộc Trời có cơ sở đưa ra thông tin khuyến cáo và tư vấn hiệu quả, sát sao hơn, gia tăng sản xuất, tăng tính chuyên nghiệp trong truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, ông Thòn cũng trăn trở về những vùng nông thôn đáng sống. Ông cho rằng, làm gì thì làm, đời sống của nông dân phải được nâng lên, có vị thế cao hơn, để đất của họ không còn chỉ để sản xuất, mà là nơi đáng sống.

Năm 2020, khi nhiều người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 lần thứ nhất, ngay lập tưc ông Hoàng Tuấn Anh đã có sáng kiến chế tạo ATM gạo hỗ trợ người dân. Trong đợt dịch lần thứ 4, ông tiếp tục sáng tạo và phối hợp cùng các cơ quan thực hiện Chương trình ATM Oxy với 23 trạm tại 22 quận, huyện và TP. Thủ Đức, hoạt động 24/7. Sáng kiến của ông đã hỗ trợ bình oxy cấp cứu kịp thời cho hơn 30.000 trường hợp bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang điều trị tại nhà có triệu chứng trở nặng...

Khi được hỏi về điều khác biệt của ông trong cách làm từ thiện, ông Tuấn Anh cho rằng, đó là sự sáng tạo. “Tôi luôn nghĩ rằng, dù nhất thời, sự sáng tạo ấy chưa đem lại hiệu quả nhưng về lâu dài, chúng ta cần có những sáng tạo để có đột phá”, ông Tuấn Anh chia sẻ.