Trong cuộc trò chuyện riêng với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Huỳnh Quang Hưng - Chủ tịch UBND TP Phú Quốc khẳng định: Sau dịch Covid-19, Phú Quốc là một trong những điểm đến đông khách nhất trong những điểm đến du lịch của cả nước.

Tuy nhiên, ông Hưng cũng trăn trở, Phú Quốc là điểm sáng du lịch của cả nước và hiện nay đang có tầm ảnh hưởng trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, Phú Quốc giống như một chiếc áo đã quá chật, cần phải thay một chiếc áo mới. 

"Thay áo mới là thay cơ chế, chính sách đặc thù trong việc thu hút nhân tài, thu hút nguồn nhân lực để đảm bảo cho sự phát triển của TP" - theo ông Hưng.

Thưa ông! Sự phục hồi, tăng trưởng của TP Phú Quốc được thể hiện như thế nào sau giai đoạn dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề?

Ông Huỳnh Quang Hưng: Có thể nói sau đại dịch covid-19 hoành hành ở toàn quốc cũng như ở thành phố Phú Quốc, hiện nay, kinh tế thành phố đảo đang có sự tăng trưởng và phục hồi ấn tượng, đặc biệt là du lịch dịch vụ.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2022, du lịch Phú Quốc tăng so với cùng kỳ là 153%, thậm chí khách du lịch đến Phú Quốc tăng hơn cả thời điểm trước khi có dịch covid-19 diễn ra.

Hiện nay có 150-160 chuyến bay đi và đến Phú Quốc, có khoảng 50 chuyến tàu, phà, tàu cao tốc đưa khách đến Phú Quốc. Lượng khách đến Phú Quốc bình quân hàng ngày vào khoảng 22.000- 25.000 khách/ngày. Thậm chí, những ngày cuối tuần hoặc ngày lễ lượng khách tăng trên 30.000 khách/ngày. Lượng khách chủ yếu là khách nội địa. 

Thời điểm này, hầu hết các khách sạn lớn, các khu resort lớn đặc biệt là khu Vinpearl, khu Sun Group, khu Bim Group,... những khu nghỉ dưỡng cao cấp tiêu chuẩn 4 sao, 5 sao hoặc trên 5 sao luôn đạt công suất cao, thậm chí nhiều nơi full phòng.

Chúng tôi luôn cập nhật thông tin thời tiết, về giá cả, đường dây nóng phục vụ du khách khi họ có nhu cầu. Đặc biệt, chúng tôi thường xuyên kiểm tra tình trạng niêm yết giá, bán đúng theo giá niêm yết... làm sao đảm bảo tốt nhất cho du khách khi đến Phú Quốc. 

- Vậy tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn thành phố thay đổi ra sao khi Phú Quốc đã có những nhà đầu tư lớn, số vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng thưa ông?

Ông Huỳnh Quang Hưng: Cho đến thời điểm này, Phú Quốc đã thu hút được 339 dự án của các nhà đầu tư, chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ cũng như vui chơi giải trí.

Có thể kể đến các tập đoàn kinh tế hàng đầu như Vin Group, Sun Group, Bim Group, Tân Á Đại Thành và một số tập đoàn khác đã và đang đầu tư vào Phú Quốc với những dự án, công trình rất lớn, trong đó tập trung cho du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp cũng như những khu đô thị.

Chính việc thu hút các nhà đầu tư này đã làm cho Phú Quốc phát triển nhanh chóng, đặc biệt tăng trưởng của Phú Quốc trong những năm gần đây là rất mạnh.

Trong giai đoạn ảnh hưởng bởi đại dịch covid chúng tôi cũng tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng cũng như hạ tầng cho du lịch và dịch vụ. Chính đầu tư hạ tầng du lịch và dịch vụ từ nguồn vốn của các thành phần kinh tế và các nhà đầu tư cho nên đã có nhiều công trình, dự án điểm nhấn, trọng điểm, trọng tâm để thu hút khách.

Ví dụ như khu Safari, khu công viên chủ đề VinWonder, khu thành phố không ngủ Grand World trong khu quần thể của Vinpearl, bên cạnh đó là khu vực cáp treo phía Nam Hòn Thơm của Tập đoàn Sun Group.

Cuối năm 2022, Phú Quốc sẽ cho đi vào hoạt động, khánh thành cầu Hôn, đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ cho Phú Quốc (Kiên Giang) mà cả ngành du lịch Việt Nam.

Chủ đầu tư Sun Group cũng như thành phố Phú Quốc kì vọng đây là công trình điểm nhấn, tiêu biểu ở phía Nam đảo của thành phố Phú Quốc. Đây cũng là công trình sẽ thu hút lượng lớn khách tới đây thăm quan, check in, chụp ảnh, chụp hình, quay phim.


Những kết quả đạt được là không thể phủ nhận, nhưng theo ông vẫn còn những nút thắt nào đang cản trở sự phát triển của thành phố?

Ông Huỳnh Quang Hưng: Mặc dù Phú Quốc là điểm đến du lịch hấp dẫn, được xem như thiên đường du lịch, là đảo ngọc và lượng khách đến Phú Quốc rất là đông. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Đặc biệt hiện nay, mặc dù là du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao, tuy nhiên vấn đề môi trường là một vấn đề chúng tôi hết sức quan tâm. 

Đối với việc xử lý rác thải, các nhà máy chưa xử lý được theo quy chuẩn và rác thải hiện nay vẫn phải thu gom, xử lý lộ thiên. Chúng tôi cũng đã kiến nghị đến Ban quản lý khu kinh tế, Sở TN&MT, lựa chọn nhà đầu tư có tâm huyết, có năng lực, có công nghệ để đảm bảo tốt nhất cho việc xử lý rác thải ở Phú Quốc. 

Vấn đề thứ hai hiện nay, chúng tôi đang làm báo cáo tiền khả thi, dự kiến một vài năm tới sẽ đầu tư hệ thống nước thải tập trung, theo đó toàn bộ hệ thống nước thải ở khu dân cư, đô thị sẽ được xử lý trước khi thải ra sông, ra biển.

Bên cạnh đó, khi Phú Quốc có thể phát triển nhanh, phát triển mạnh, phát triển “nóng” thì hệ lụy kéo theo là tình hình an ninh trật tự hết sức phức tạp, băng nhóm tội phạm, dạng bảo kê tranh chấp đất đai, bao chiếm đất rừng, rồi kể cả việc xây dựng trái phép,... cũng diễn ra. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, cơ bản tình hình an ninh trật tự cũng đã ổn định.

Do Phú Quốc cùng một lúc triển khai rất nhiều dự án của các nhà đầu tư, hiện nay chúng tôi có hơn 250 phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, chúng tôi phải thu hồi đất và giao đất cho chủ đầu tư lên đến 11.000 ha.

Cho đến thời điểm này, kinh phí bồi thường cho các hộ dân, tổ chức, cá nhân tái định cư lên tới hơn 10.000 tỷ và hơn 9.000 hộ gia đình bị ảnh hưởng thì việc khiếu nại, khiếu kiện của người dân liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là rất nhiều.

- Ngoài các yếu tố tự nhiên, nguồn lực, giải phóng mặt bằng… thì cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ 4.0 là yếu tố the chốt trong môi trường đầu tư kinh doanh tạo động lực thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển địa phương. Với Phú Quốc vấn đề này được chú trọng ra sao thưa ông?

Ông Huỳnh Quang Hưng: Có thể nói, ngoài những quy định về việc cải cách thủ tục hành chính theo ISO, những quy chuẩn chung, chúng tôi cũng đã có chỉ đạo cho các xã, phường, các phòng ban chuyên môn, phối hợp chặt chẽ với ban quản lý khu kinh tế và văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Phú Quốc để thực hiện tốt nhất, giải quyết hành chính cho người dân.

Khó khăn của Phú Quốc hiện nay là chúng tôi đang có ba bộ phận một cửa: Uỷ ban nhân dân thành phố đang có một bộ phận một cửa, ban quản lý khu kinh tế cũng có bộ phận một cửa, văn phòng đăng ký đất đai cũng có một bộ phận một cửa. Khi ba văn phòng này sáp nhập lại, hợp nhất thành một văn phòng, hay thành một văn phòng một cửa sẽ có những thuận lợi hơn cho người dân.

Chúng tôi từng bước áp dụng công nghệ 4.0 và thực hiện áp dụng vào cuộc sống hàng ngày của người dân, làm sao đó giúp giảm thủ tục hành chính, giấy tờ và tất cả đều thao tác trên máy.

Liên quan tới quy hoạch, xác nhận quy hoạch, xác định kế hoạch sử dụng đất thì chỉ cần thao tác trên máy tính hoặc trên điện thoại là có thể xác định đất của mình quy hoạch đó là đất gì, được xây bao nhiêu tầng, tỷ lệ xây dựng bao nhiêu,... Người dân không cần phải đi làm giấy xác nhận quy hoạch được xây bao nhiêu tầng, hay đất này quy hoạch là xây dựng được bao nhiêu phần trăm,...

Không chỉ phục vụ người dân, chúng tôi cũng đặt mục tiêu số hoá dữ liệu thông tin về Phú Quốc. Khách du lịch đến Phú Quốc chỉ cần gõ “Phú Quốc” sẽ có tất cả thông tin liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội, thời tiết, giá cả, kể cả quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, an ninh trật tự,...

Vấn đề này chúng tôi cũng đang đề xuất các Sở ngành của tỉnh, đặc biệt là Sở thông tin và truyền thông, Sở KH&CN để có những bước đi, lộ trình cụ thể.

- Vâng! Xin cảm ơn ông.