Chuỗi cung ứng là vấn đề được thảo luận rộng rãi, mang tính toàn cầu sau khi đại dịch COVID-19 hoành hành, cộng hưởng với các biến động địa kinh tế, chính trị do chiến sự Nga - Ukraine; sự thay đổi chính sách của các cường quốc, đổ vỡ các thiết chế duy trì trật tự toàn cầu.

Nếu như trước đây, một doanh nghiệp đa quốc gia có thể R&D (nghiên cứu và sáng tạo) cách xa nơi sản xuất thành phẩm hàng vạn km thì nay không cho phép làm điều đó một cách thuận lợi. Hoặc, quá trình OEM/VAR tạo ra sản phẩm “đa quốc tịch” thì nay mối quan hệ này đang trên đà đổ vỡ.

Apple hợp tác với Foxconn để làm Iphone, trong đó “Táo khuyết” chỉ làm nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ và bán sản phẩm. Foxconn nhận đơn đặt hàng từ bản vẽ thiết kế, sản xuất linh kiện, lắp ráp thành phẩm. Công đoạn này vô cùng phức tạp bởi chỉ mỗi công ty Đài Loan không thể làm hoàn chỉnh Iphone.

Phân tích cấu trúc điển hình này cho ra chuỗi cung ứng. Không phải người Mỹ không tự làm được từ “A đến Z”, vấn đề là hao phí lao động xã hội cần thiết, nguyên liệu ở Trung Quốc rẻ hơn Mỹ. Theo luật Liên bang, mỗi giờ lao động tại Mỹ có giá 7,25USD; còn tại Trung Quốc 630USD/tháng/người, tương đương 21USD/ngày/8h, nghĩa là 2,6USD/giờ, chỉ bằng 1/3 so với ở Mỹ.

Những con số trên đây chứng minh rằng, chuỗi cung ứng là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Một nghiên cứu chỉ ra, nếu Apple chuyển khỏi Trung Quốc (trong thời điểm này) không khác gì tự bắn vào chân mình. Nếu chi phí mỗi khâu chỉ cần tăng 0,1USD thì giá bán ra của Iphone tăng theo cấp số cộng.

Cuộc đổ bể này thử thách tính linh hoạt của chủ nghĩa tư bản, nếu “rút ống thở” khỏi Trung Quốc và chuỗi cung ứng toàn cầu, khoảng 3/4 giá trị nền kinh tế thế giới sẽ biến mất. Nhưng làm sao duy trì nó trong khi mâu thuẫn Mỹ - Trung, Đông - Tây tới hồi không thể điều hòa? Nói cách khác, chiếc áo đang mặc đã quá chật so với yêu cầu tái định hình cấu trúc thế giới mới!

Dưới góc độ địa lý: Mỹ chủ trương rút chuỗi cung ứng - bắt đầu bằng công nghệ cao về phía Tây bán cầu. Nó từng là một hệ thống chung về khoa học kỹ thuật ra đời từ cuộc cách mạng công nghệ lần thứ nhất tại Anh (1750 - 1840); cách mạng công nghệ lần thứ hai (1871 - 1914) thành quả chung của phương Tây mà đại diện là Mỹ và Đức. Và cách mạng công nghệ lần thứ ba (1950 - 1970) cũng là sản phẩm của Âu - Mỹ. “Chuỗi cung ứng ngắn” về nghĩa đen có thể hiểu như vậy.

Dưới góc độ chính trị - xã hội: “Chuỗi cung ứng ngắn” có xu hướng giới hạn lại sân chơi chung của các nước có cùng hệ tư tưởng chính trị, xã hội, cụ thể ở đây là hệ thống kinh tế tư bản hình thành trên nền tảng tư tưởng Adam Smith, Wiliam Petty và David Ricardo.

Sau thế chiến II, bầu không khí hòa bình là chủ đạo, ngoại giao pháo hạm lùi vào hậu trường thay thế ngoại giao bóng bàn. Điển hình là cái bắt tay giữa Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình tại Bắc Kinh năm 1972. “Chiến tranh lạnh” vẫn diễn ra nhưng xu thế hợp tác, hội nhập rất mạnh mẽ. Nhằm giải quyết nhu cầu tái lập thị trường, khai thác tài nguyên phục vụ kinh tế tư bản; đổi lại các quốc gia Á, Phi, Mỹ Latin mới giành độc lập cần vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý để tái thiết quốc gia.

Từ thập niên 90, chứng kiến phong trào đầu tư, cho vay, viện trợ hoàn lại và không hoàn lại từ phương Tây chảy sang phương Đông với mức độ lớn chưa từng thấy trong lịch sử. Bản thân Trung Quốc đã phất lên nhờ dòng vốn FDI. Chuỗi cung ứng rộng hiện nay, bao gồm hàng nghìn công ty đa quốc gia đến làm ăn tại các nước đang phát triển bắt đầu như thế.

Chuỗi cung ứng là kết quả của xu thế đa phương hóa, đa dạng hóa, tái cấu trúc quan hệ kinh tế, thương mại, ngoại giao Đông - Tây trên nguyên tắc mới, thường được gọi là “đôi bên cùng có lợi”. Thu hút FDI trở thành nhiệm chính trị quan trọng ở nhiều quốc gia. Mang lại nguồn lực khổng lồ giúp nhiều nước thoát nghèo trở nên hùng cường như Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Nam Phi, Arghentina,…

Rõ ràng, một thế giới từng đạt được trạng thái thống nhất tương đối khi các siêu cường quản lý tốt căng thẳng, nên chuỗi hợp tác kinh tế là thống nhất trôi chảy, các chính phủ tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp của nhau tiếp cận khai thác lợi thế. Nhưng thời kỳ trăng mật đang khép lại!

Thế giới đa cực, sâu sắc mâu thuẫn, nghi kỵ lẫn nhau lập tức đẩy nền kinh tế vào tình thế mắc kẹt, ví như Apple, Toyota mặc dù bị đình trệ hoạt động tại Trung Quốc nhưng không thể rời đi. Mặc dù Tổng thống Mỹ kêu gọi doanh nghiệp hồi hương theo ý chí chính trị nhưng vấn đề với nhà đầu tư là kinh tế. Không phải khi nào kinh tế và chính trị cũng tương hỗ.

COVID-19 là “thế lực” tung cú đánh trực diện và khủng khiếp nhất vào xu thế toàn cầu hóa. Về mặt cơ học, chủng virus này không khuyến khích mở cửa bang giao hợp tác, chúng ngăn chặn quan hệ vật lý người với người; cản trở phương thức sản xuất, phân phối và tiêu dùng vốn thông dụng.

Một ổ dịch vài chục ca bệnh ở Thượng Hải đã hủy hoại tuyến đường hàng hải quan trọng nhất thế giới từ Trung Quốc đi châu Âu và Bắc Mỹ, khi dịch bệnh cao trào có hàng vạn điểm nghẽn tương tự. Bài toán tưởng chừng đơn giản, song chưa thể giải quyết.

Vấn đề lúc này là không thể khai thác tài nguyên thô ở Đông Nam Á, Nam Mỹ, Bắc Phi mang về Trung Quốc tinh chế, gửi sang châu Âu kiểm định rồi quay lại sản xuất linh kiện, thiết bị, lắp ráp thành phẩm ở châu Á và tái xuất sang thị trường Âu - Mỹ. Đây là chuỗi cung ứng rất dài và đầy rủi ro.

Chuỗi cung ứng ngắn yêu cầu rút gọn tối đa quãng đường hoàn thiện sản phẩm; xích lại gần hơn giữa trung tâm sản xuất và thị trường tiêu thụ. Với chủ thể sản xuất là doanh nghiệp - họ buộc tìm kiếm đối tác trong nước, trong khu vực. Thị trường vốn, tín dụng co hẹp lại, khả năng đầu tư liên lục địa không dồi dào như trước.

Loài người từng trải qua thời kỳ tự cung tự cấp trước khi nền kinh tế hàng hóa ra đời. Ở đó, chuỗi cung ứng chia nhỏ, cắt ngắn hầu như không liên quan gì nhau. Hiện nay, chuỗi cung ứng ngắn trong quá khứ đóng vai trò lối thoát hiểm. Dĩ nhiên nó đã phát triển nâng cấp lên trình độ mới theo nguyên tắc phủ định biện chứng.

Từ đầu thế kỷ 19, “ông trùm” cà phê thế giới, Brazil đã thực hiện chính sách “định giá”. Chính phủ thu mua cà phê khi giá thấp và “neo hàng” cho đến khi giá cao để bán ra. Nói đơn giản, quốc gia Nam Mỹ sử dụng sức mạnh sản lượng để điều tiết giá thị trường, điều Việt Nam rất muốn nhưng chưa làm được!

Đầu thế kỷ 20, Brazil đã sản xuất 80% lượng cà phê của thế giới và cà phê đã tài trợ vốn cho cơ sở hạ tầng huyết mạch của đất nước. Sản lượng không suy giảm này dẫn đến lượng cà phê dư thừa lớn. Cuối cùng, chính phủ Brazil đã tiêu hủy khoảng 78 triệu bao cà phê dự trữ trong nỗ lực tăng giá!

Đến nay, Brazil là nhà cung cấp cà phê hàng đầu thế giới, bất cứ điều gì ảnh hưởng đến sản xuất ở nước này đều có tác động trực tiếp đến giá toàn cầu. Với cà phê, người Brazil đã đi từ đồng ruộng đến vai trò quyết định giá cả thị trường thế giới.

Sản xuất cà phê ở Brazil có mối liên hệ với câu chuyện nội địa hóa sản phẩm công nghiệp tại Việt Nam. Gần 3 thập kỷ tỷ lệ nội địa hóa của Samsung Việt Nam là 59%, tính trung bình tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử nước ta 5 -10%. Điều này giải thích vì sao tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất nhì khu vực nhưng giá trị thực nhận thấp hơn nhiều.

Tại sao mô hình cánh đồng lớn và “siêu lớn” ở Đồng bằng Sông Cửu Long thất bại? Vì phương thức sản xuất mới không phù hợp với thói quen canh tác truyền thống của nông dân. Doanh nghiệp nhận thấy rủi ro quá lớn trên cánh đồng bất tận nên họ không rót vốn.

Mô hình này chỉ có thể lớn lên khi và chỉ khi người nông dân thực sự có nhu cầu thay đổi phương thức sản xuất, là động lực tự thân chứ không phải làm theo bản quy hoạch nào đó được vẽ ra bởi những người không làm ruộng!

Một lần đến thăm cơ sở chế biến cao dược liệu ở miền núi Quảng Trị, tôi nhận thấy nỗ lực cá nhân của chủ doanh nghiệp “vô tình” tạo ra chuỗi cung ứng ngắn rất vững chắc. Nhờ chuỗi cung ứng ngắn, nội bộ nên có thể sản xuất quanh năm, dung lượng thị trường nội địa còn nhiều nên dù dịch bệnh vẫn có thể lưu chuyển hàng hóa. Đây là mô hình vững bền và là tham chiếu cho rất nhiều kế hoạch lớn tầm vĩ mô.

Ông NGUYỄN AN HÀ - Viện Nghiên cứu Châu Âu

Phát triển chuỗi cung ứng ngắn nông sản thực phẩm giai đoạn tới 2030

Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sự cạnh tranh của nền kinh tế”. Với mục tiêu đó, việc tiếp tục phát triển nông nghiêp, kinh tế nông thôn, phát triển nông thôn mới, nâng cao hiệu quả của các chuỗi cung ứng, trong đó ưu tiên cho chuỗi cung ứng ngắn là nhiệm vụ quan trọng.

Muốn gia tăng xu thế tích cực này, cần phải có một lộ trình dài và phát huy mạnh mẽ vai trò “kiến tạo” của nhà nước, với một số gợi mở như sau:

Một là, trước những cơ hội và thách thức mới, Việt Nam cần tăng tốc tái cơ cấu sản xuất nông nghiêp, đổi mới mô hình tăng trưởng, đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản, trong hệ thống cung ứng nông sản thực phẩm cần chú trọng cả phát triển sản xuất, tăng cường tính cạnh tranh và tạo giá trị gia tăng trong các chuỗi cung ứng, đặt chuỗi cung ứng ngắn song hành với sự phát triển chung của các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, kết hợp phát triển nông nghiệp với nông thôn trong xu thế công nghiệp hóa hiện đại hóa;

Hai là, đổi mới tư duy, coi hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực không chỉ là cơ hội của sản xuất xuất khẩu, mà là sự gắn kết thị trường thực sự, tất yếu, kết nối các chuỗi giá trị chuỗi cung ứng toàn cầu với trong nước, coi phục vụ nhu cầu xuất khẩu và nhu cầu trong nước đều quan trọng như nhau, trên cơ sở đó, áp dụng các quy chuẩn của xuất khẩu vào sản xuất và tiêu dùng trong nước; Các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với nông nghiệp và nông thôn cũng phải điều chỉnh theo hướng minh bạch, phù hợp với các cam kết của WTO cũng như trong các FTA về cạnh tranh, về TBT, SPS, về sở hữu trí tuệ, về môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, các tiêu chuẩn về lao động...

Ba là, việc gắn kết các chương trình mục tiêu quốc gia phải đặt phát triển kinh tế nông hộ, kinh tế trang trại lên mức ưu tiên cao nhất, từ OCOP tới phát triển hợp tác xã cũng như chương trình nông thôn mới, tạo điều kiện để các nông hộ hướng tới liên kết hợp tác sản xuất, tham gia vào các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng cho cả xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, trong đó có chuỗi cung ứng ngắn. Đẩy mạnh chứng nhận VietGAP, chỉ dẫn địa lý, thương hiệu tập thể, nhãn mác ATTP, thân thiện môi trường, gắn kết với người tiêu dùng trong nước trên cơ sở lòng tin, sự minh bạch về quy trình sản xuất, về chất lượng nông sản thực phẩm;

Bốn là, việc hỗ trợ của nhà nước cũng theo hướng giảm dần hỗ trợ trực tiếp, gia tăng hỗ trợ về đào tạo nhân lực, hỗ trợ về phát triển hạ tầng logistic, về xây dựng các chợ đầu mối, chợ OCOP, hỗ trợ về chuyển đổi kinh tế số, ứng dụng công nghệ thông tin trong khảo sát thị trường, quảng bá, kết nối thị trường, thúc đẩy thương mại điện tử phục vụ cho chuỗi cung ứng ngắn;

Năm là, đẩy mạnh kinh tế số, phát triển TMĐT, trên quan điểm nền kinh tế chia sẻ, tạo điều kiện để cả nông hộ và người tiêu dùng dễ dàng bán mua các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam bằng phương thức trực tuyến. Kinh tế số vừa giúp cho các nông hộ, hợp tác xã nắm bắt được thông tin của thị trường, quảng bá thương hiệu, kết nối khách hàng, đồng thời, tạo điều kiện để người tiêu dùng yên tâm hơn khi mua sản phẩm qua mạng, bởi các loại sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đã được các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, và có thể truy suất nguồn gốc, gia tăng mối liên kết giữa người sản xuất và người tiêu dùng, một yếu tố quan trọng của chuỗi cung ứng ngắn;

Sáu là, tạo thuận lợi về tín dụng để các nông hộ, các hợp tác xã có thể chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao, gia tăng khả năng cạnh tranh cả về giá cả và chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm trong các chuỗi cung ứng, áp dụng mô hình bảo hiểm nông nghiệp vào các sản phẩm nhằm giảm bớt rủi ro của thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu tới sản xuất của các nông hộ;

Bảy là, các cơ quan khuyến nông hỗ trợ cho các hợp tác xã, các nông hộ việc cung ứng các vật tư đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng, tạo điều kiện gia tăng sự gắn kết giữa nhà nông, nhà khoa học và người tiêu dùng, tạo ra các loại giống phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, có chất lượng với giá thành hợp lý, giảm bớt các rủi ro trong sản xuất của người nông dân;

Tám là, gắn kết chuỗi cung ứng ngắn với các hoạt động du lịch, lễ hội, hội chợ... gia tăng sự kết nối giữa người tiêu dùng và nông hộ, trang trại thông qua du lịch, hiểu biết truyền thống văn hóa của mỗi vùng miền, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, dịch vụ liên quan tới chuỗi cung ứng ngắn.

Ông VŨ VINH PHÚ - Chuyên gia kinh tế

Chuỗi cung ứng ngắn - “cây gậy thần” xoá bỏ trung gian phân phối

Khi nói đến chi phí trung gian để kéo giá hàng hoá xuống theo chỉ đạo của Chính phủ, ngoài những biện pháp nêu trên thì rất may cho chúng ta là các nước phát triển ở Đông Âu, Đông Á đã đi trước nhiều năm và họ đã giải được “bài toán” đẩy giá lên vô lý của các khâu trung gian, bán lẻ bằng cách thiết lập một mô hình rất khoa học, tiên tiến và nhân văn đó là xây dựng các chuỗi cung ứng ngắn.

Nguyên tắc chung của các chuỗi này là hàng hoá đi từ nhà máy trang trại sẽ chủ yếu đến thẳng tiêu dùng bán lẻ trên các cửa hàng, cửa hiệu, siêu thị, chợ dân sinh… Một khi đã thiết lập được các chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng một cách bền vững, chia sẻ lợi nhuận hợp lý thì lập tức mặt bằng giá bán lẻ cho các gia đình dần tiếp cận về đúng gía trị của hàng hoá.

Việc xây dựng các chuỗi cung ứng ngắn có kết quả ngày càng cao hơn, hiệu quả hơn, đó là thiết lập hệ thống các chợ đầu mối vùng ở từng địa phương. Ở đó, hàng hoá sẽ được giao dịch công khai minh bạch, quản lý được chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đây đích thực là “chiếc gậy thần” đem lại lợi nhuận cho người sản xuất, giá cả hợp lý cho người tiêu dùng và giảm chi phí chung cho toàn xã hội cả trước mắt và lâu dài.

Muốn có được “cây gậy thần” này thì cần phải có những điều kiện để tạo dựng.

Thứ nhất, xây dựng những quy định hoặc luật hoá chuỗi cung ứng ngắn trên toàn lãnh thổ và từng địa phương.

Thứ hai, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, chợ, chợ đầu mối, sàn giao dịch, cải cách các thủ tục hành chính sao cho việc lưu thông hàng hoá thuận tiện hiệu quả và ít chi phí nhất.

Thứ ba, các tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh cần tự giác nhận thức những lợi ích đem lại cho mình và cho cả xã hội để cùng nhà nước và các địa phương thực hiện.

Lợi ích cửa các chuõi cung ứng ngắn đã rõ, nhưng việc học tập kinh nghiệm của các nước đi trước và vận dụng vào điều kiện sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ ở Việt Nam, thì trước tiên nên có Ban Chỉ đạo để thiết lập tổ chức vận hành một số chuỗi thí điểm ở một số vùng và địa phương trọng điểm.

Từ đó, qua thực hiện sẽ rút ra các bài học thực tiễn để nhân rộng ra toàn quốc. Chúng ta tin tưởng tương lai của các chuỗi cung ứng ở Việt Nam sẽ trở thành xu thế góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội ở mỗi địa phương và trong toàn quốc trong năm 2022 và những năm tiếp theo.