Ngày 26/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên Chính phủ, cùng VCCI đã Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp khắp mọi miền đất nước, từ Hà Giang, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Đắc Lắc, Kon Tum đến TPHCM và Cà Mau,…

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Chịu ảnh hưởng toàn diện từ dịch bệnh COVID-19, những gì mà cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát biểu, đề xuất, kiến nghị với nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau, nhưng chung quy lại, tất cả đều gai góc, nóng bỏng và cần kíp.

Hơn lúc nào hết, các cơ quan hữu quan từ Trung ương tới địa phương nên lấy đó làm nhiệm vụ trọng tâm - trợ lực cho doanh nghiệp nhiều nhất có thể, đó cũng là một vế quan trọng trong mệnh đề “vừa chống dịch, vừa chống suy thoái kinh tế”.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công

Đáp lại, suốt mấy tiếng đồng hồ, hàng loạt giải pháp được các vị “Tư lệnh ngành” nêu ra, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đề xuất “6 nguyên tắc thích ứng an toàn”; Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng đề cập đến chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp do thủ tục còn phức tạp, một số điều kiện chưa phù hợp.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, vừa qua trên địa bàn một số địa phương còn có hiện tượng ùn tắc lưu thông hàng hóa cục bộ do quy định chưa phù hợp của địa phương, dẫn đến tăng chi phí rất lớn cho doanh nghiệp, gây bức xúc trong dư luận, người dân.

Đó chỉ là 2 trong rất nhiều khúc mắc cần tháo gỡ. Như thường lệ người đứng đầu Chính phủ dường như đã am tường mọi khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, quan điểm là “phòng dịch tốt thì không phải chống dịch”, điều trị từ sớm, từ xa để khỏi bị động. Có giải pháp phù hợp thì yên tâm chuyển đổi trạng thái.

Dĩ nhiên, không có chính sách nào có thể phủ kín mọi ngõ ngách của thực tiễn đời sống, vì vậy, trên nhìn xa trông rộng thì dưới phải cụ thể, đi vào tiểu tiết, có khi linh hoạt. Hàm ý của Thủ tướng ở đây không chỉ nói đến cộng đồng dân cư mà còn cả doanh nghiệp.

Vậy, doanh nghiệp có thể chủ động được không? Hoàn toàn có thể, như sáng kiến của Chủ tịch VCCI: “Trong cuộc chiến lâu dài chống COVID-19, chúng ta cần công nhận và cho doanh nghiệp chủ động tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tùy theo khả năng, điều kiện của doanh nghiệp, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp”.

Vừa qua Bộ Chính trị đã ra kết luận bảo vệ cán bộ năng động và sáng tạo, đây là quyết định rất phù hợp trong bối cảnh chúng ta đang tăng cường phân quyền và giao quyền về địa phương chủ động nghiên cứu, đề xuất và triển khai biện pháp chống dịch, trên cơ sở “dĩ bất biến”, bám vào nguyên lý chung, tổng quát.

Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19, sáng 26/9,

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19, sáng 26/9.

Một hội nghị trực tuyến, khó lòng giải phóng hết khó khăn dồn nén bấy lâu nay mà hàng vạn doanh nghiệp đang gánh chịu. Tuy nhiên, nó phát đi thông điệp rõ ràng, các cấp lãnh đạo cao nhất chưa bao giờ xao nhãng trách nhiệm với doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Đầu tiên là sự cầu thị của Thủ tướng Phạm Minh Chính, tả xung hữu đột từ phòng họp ra ngoài đời, dường như ông không bỏ sót điều gì trên cung đường thực hiện quyền hành, vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ.

Vì vậy, cần nhắc lại thực trạng rất cũ “trên nóng dưới lạnh”, hàng loạt hoạt động gần đây của Thủ tướng ắt lay động đến các lãnh đạo địa phương, nhất là trong vùng dịch, mở ra nhiều gợi ý cho chính quyền cơ sở. Các Chủ tịch, Bí thư tỉnh vẫn có thể mở đối thoại để ít nhất là động viên doanh nghiệp, tăng cường xuống thôn, bản để hiểu hơn khó khăn của người dân khi thực hiện các Chỉ thị.

Trong vòng vài tháng, Thủ tướng và Chính phủ đã liên tục “ngồi lại” với doanh nghiệp trong và ngoài nước, nếu nhìn kỹ đã có rất nhiều nút thắt được cởi bỏ, điển hình là khi trả lời kiến nghị của một số doanh nghiệp Hàn Quốc đòi hỏi vượt quá khả năng hiện tại, ông nói “lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ”.

Khó khăn này không chỉ riêng ai, thế giới xác thực phương châm “sống chung với đại dịch”, “zero COVID” là không thể. Thế nên cần đoàn kết hơn, chung tay thiết thực hơn, lắng nghe nhau nhiều hơn để vượt qua khó khăn.

Trước 1.200 doanh nghiệp và 63 địa phương cả nước, Chính phủ đã chuyển tải nhiều thông điệp vi mô lẫn vĩ mô: Chống dịch dựa trên trụ cột xét nghiệm, cách ly, điều trị, vaccine, ý thức của người dân; phạm vi nhỏ nhất nhưng quyết liệt, sâu sát, khoa học, đúng nguyên lý. Bao trùm tất thảy là kiến thiết nền kinh tế tự cường, tự chủ.

Dĩ nhiên, về cơ cấu tổ chức, địa phương phải có trách nhiệm trước hết với những gì xảy ra với người dân, doanh nghiệp tại địa bàn, Thủ tướng và Chính phủ không thể làm thay công việc đã hiến định cho hàng nghìn vị lãnh đạo cấp tỉnh, thành, quận, huyện.

Có thể xem những gì thấy được qua những chuyến đi thực tế của Thủ tướng là những lỗ hổng chết người cần bít ngay, đã có hiện tượng đứt gãy tín hiệu chỉ đạo, lãnh đạo từ trên xuống dưới. Đó cũng là động thái “thị phạm” ngầm nhắc nhở, uốn nắn một cách tinh tế nhưng đầy uy lực.

Vì vậy, phân quyền, phân cấp một lần nữa cho thấy tính cấp thiết, không thể trì hoãn dựa trên nguyên tắc tập trung cao thông qua luật pháp, thể chế, đây là khung mẫu của hệ thống hiện đại, linh hoạt. Để người điều hành vĩ mô không bị hạn chế bởi vi mô, để cấp thừa hành vi mô không nhầm tưởng đó là vĩ mô.

Đồng hành thiết thực, hiệu quả với doanh nghiệp - là khẩu hiệu xuyên suốt của Hội nghị này, rất nhiều tín hiệu được phát đi, rất nhiều ý tưởng đã manh nha. Kết quả của nó - ngay lập túc truyền đi luồng sinh khí niềm nin vào sự đồng lòng giữa Chính phủ và địa phương cùng doanh nghiệp trong cuộc chiến phục hồi kinh doanh, giúp xoa dịu nhiều nỗi lo lắng, băn khoăn. Một "mặt trận kinh tế mới" đang hình thành...