Từ đầu tháng 2/2024, các mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ chịu giám sát an toàn thực phẩm tại cửa khẩu, gồm ớt chuông, mỳ ăn liền, sầu riêng với tần suất kiểm tra 50%, 20% và 10%.
>>Doanh nghiệp cần chung tay thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang Mỹ
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) cho biết, Văn phòng SPS Việt Nam đã nhận được từ Ban thư ký WTO về thông báo của Liên minh châu Âu (EU) về việc tạm thời tăng cường kiểm soát chính thức và các biện pháp khẩn cấp quản lý việc đưa một số hàng hóa nhất định từ một số nước thứ ba vào EU.
Liên quan đến thông báo này Việt Nam có 5 mặt hàng nông sản, thực phẩm thuộc diện kiểm soát của EU khi xuất khẩu vào thị trường này.
Trong đó, tại Phụ lục 1 là những mặt hàng phải chịu tần suất kiểm tra biên giới gồm: sản phẩm ớt chuông bị tần suất kiểm tra là 50%; mì ăn liền có gói gia vị, bột nêm hoặc nước sốt bị tần suất kiểm tra là 20%.
Với tần suất trên thì 2 mặt hàng này vẫn giữ nguyên so với năm 2023. Nhưng trong phụ lục 1 có bổ sung thêm mặt hàng sầu riêng với tần suất kiểm tra 10%.
Đối với phụ lục 2 là những mặt hàng nông sản, thực phẩm ngoài việc phải chịu tần suất kiểm tra biên giới còn phải bổ sung thêm giấy chứng nhận kèm theo kết quả lấy mẫu và phân tích mẫu.
Việt Nam có hai mặt hàng là đậu bắp và thanh long với tỷ lệ tần suất kiểm tra tương ứng là 50% và 20%. Hai mặt hàng này cũng đã nằm trong thông báo của EU sáu tháng cuối năm 2023.
Như vậy, so với thông báo của 6 tháng cuối năm 2023, chúng ta có 4 mặt hàng gồm đậu bắp, mỳ ăn liền, ớt chuông, thanh long vẫn giữ nguyên tần suất kiểm tra như giai đoạn trước. Chỉ riêng có mặt hàng sầu riêng thì bổ sung tần suất kiểm tra là 10%.
Theo dữ liệu thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, trong 6 tháng cuối năm 2023 Việt Nam chỉ có ba lô hàng sầu riêng bị vi phạm quy định của EU. Vì vậy, phía EU đã đưa vào diện kiểm soát mặt hàng này.
Theo ông Ngô Xuân Nam, việc sầu riêng sẽ phải chịu tần suất kiểm tra 10% sẽ không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu. Bởi trong thương mại nông sản, việc bị kiểm soát ở biên giới đối với các mặt hàng nông sản là chuyện bình thường.
“Các mặt hàng nông sản thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam cũng chịu sự kiểm soát theo quy định của pháp luật Việt Nam”, ông Nam nói.
Theo quy định của EU, định kỳ 6 tháng/lần, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu sẽ họp để xem xét đưa ra các quy tắc liên quan đến việc tăng/giảm tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức khi nhập khẩu vào Liên minh châu Âu đối với một số thực phẩm và thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc phi động vật từ một số nước thứ ba.
Trong lần thông báo vào tháng 1/2023, rau mùi, húng quế, bạc hà, mùi tây xuất khẩu sang EU đã được đưa ra khỏi danh sách kiểm soát.
Trước đó, từ ngày 6/1/2022, EU bổ sung mặt hàng mỳ ăn liền vào kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (Ethylene Oxide) với tần suất kiểm tra là 20% do mỳ ăn liền là sản phẩm tổng hợp.
Tuy nhiên, kể từ ngày 27/6/2023, EU đã chính thức đưa các loại mì ăn liền của Việt Nam từ phụ lục II (kiểm soát bằng chứng thư an toàn thực phẩm và kiểm soát tại cửa khẩu) sang phụ lục I với tần suất kiểm tra tại biên giới là 20%.
Hiện Việt Nam đã xuất khẩu sầu riêng tươi đến 24 thị trường. Mặt hàng sầu riêng đông lạnh cũng được xuất khẩu tới 23 thị trường.
Theo lý giải của EU, dữ liệu từ Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF) cùng thông tin về các biện pháp kiểm soát chính thức của các quốc gia thành viên, cho thấy có sự xuất hiện của những rủi ro mới với sức khỏe con người do khả năng bị ô nhiễm bởi dư lượng thuốc trừ sâu.
Do đó, EU phải yêu cầu tăng cường mức độ kiểm soát chính thức việc nhập khẩu các lô hàng sầu riêng từ Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm