Liên minh Châu Âu (EU) vừa thông qua gói tài chính số mới (DFP) nhằm tăng cường tính cạnh tranh và đổi mới của khối này trong lĩnh vực tài chính.
Gói DFP bao gồm một số chiến lược và đề xuất về mặt pháp lý đối với tiền điện tử và được kỳ vọng sẽ lấp lỗ hổng tài chính hiện tại, giúp EU trở thành khối xây dựng tiêu chuẩn trên toàn cầu.
COVID-19 tung thêm cú đòn chí mạng vào kinh tế EU, trong bối cảnh khối này liên tục gặp bất ổn, như mất đoàn kết nội bộ, khủng hoảng nợ công, suy giảm khả năng sáng tạo, tăng trưởng dần tới hạn…
Với EU lúc này, tài chính là nút thắt chưa thể tháo gỡ, nhất là khi các gói hỗ trợ thất nghiệp, kích cầu kinh tế trị giá 96 tỷ USD giống như “muối bỏ bể” vì phải chia theo tỷ lệ cho 15 thành viên bị ảnh hưởng nặng nhất…
Trong khi đó, nhiều ngân hàng ốm yếu tại EU buộc phải phá sản hoặc sáp nhập để sống sót. Tại Thụy Sĩ, UBS Group AG đang nghiên cứu phương án mua lại đối thủ Credit Suisse Group AG. Còn ở Tây Ban Nha, CaixaBank đang thúc đẩy mua lại Bankia SA để thành lập ngân hàng nội địa lớn nhất nước này.
Thêm vào đó, nợ công nhiều nước như Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý,… luôn trên 90% GDP. Bức tranh thị trường tài chính EU ảm đạm hơn bao giờ hết. Vậy nên, gói DFP trước mắt giúp giảm áp lực giải ngân tiền mặt.
EU hy vọng DFP đóng vai trò là “tấm khiên” giúp thị trường tài chính EU giảm bớt tác động thâu tóm từ bên ngoài, khi có hàng chục loại tiền kỹ thuật số đang lưu hành, hầu hết xuất phát từ Mỹ.
DFP cũng giúp EU vượt qua sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế từ Visa, MasterCard, Amazon, Apple và PayPal - tất cả đều có trụ sở tại Mỹ.
Theo ông Asher Tan, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của sàn giao dịch kỹ thuật số CoinJar ở Australia: “Cuộc chiến giành quyền bá chủ thế giới tương lai sẽ diễn ra trong lĩnh vực tiền điện tử”.
Facebook và Tập đoàn Libra đã hướng tới việc phát hành đồng tiền điện tử, trong khi Chính phủ Trung Quốc cũng đã phát hành thử nghiệm đồng Nhân dân tệ điện tử…
Một khi chuyển sang nền kinh tế số, thì tiền điện tử là công cụ không thể thiếu; cũng giống như trước đây, đại công nghiệp và kinh tế thị trường làm “bà đỡ” cho sự ra đời của phương thức thanh toán bằng tiền mặt và tạo ra giới tư bản ngân hàng giàu có. Việc thông qua gói DFP sẽ là tiền đề cho EU tiến tới phát hành tiền điện tử.
Khả năng thanh toán tức thời là thế mạnh tuyệt đối của tiền điện tử, nó hoàn toàn tương thích với thương mại điện tử và xa hơn là nền kinh tế số đang được phát động mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới.
Dĩ nhiên, sự bùng nổ tiền điện tử một lần nữa giúp các nước giàu, các nền công nghệ phát triển tiếp tục “nắm đầu cán” trên thị trường tài chính. Các quốc gia đang phát triển như Việt Nam - không còn cách nào khác phải xây dựng hạ tầng kinh tế số để tương thích nếu không muốn đứng ngoài dòng chảy thời đại.
Có thể bạn quan tâm
Tiền điện tử tác động thế nào đến thị trường tài chính thế giới?
05:30, 13/08/2020
Thị trường tiền điện tử có tín hiệu khởi sắc trở lại
10:08, 11/03/2020
EU nhất trí không cấp phép lưu hành tiền điện tử Libra của Facebook
12:00, 06/12/2019
Thêm startup châu Á nhập nhóm công ty đam mê tiền điện tử ở Thụy Sỹ
04:15, 28/11/2019