Sau CPTPP, Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) được kỳ vọng là cơ hội giúp Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là FTA đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) với một quốc gia đang phát triển tại châu Á.
Có thể bạn quan tâm
20:16, 15/04/2019
23:04, 15/03/2019
21:08, 01/03/2019
16:55, 28/02/2019
Từ cơ hội cải thiện môi trường kinh doanh
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, kỳ vọng mà EVFTA mang lại thì nhiều nhưng có 2 nội dung chính tạo bước chuyển mạnh mẽ cho Việt Nam khi Hiệp định Thương mại tư do đình đám này chính thức có hiệu lực.
“Thứ nhất, hiệp định sẽ đem lại sự thay đổi về lượng. Cụ thể là mức độ tăng trưởng kinh tế cao hơn, quan hệ thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU dự báo tăng mạnh, đặc biệt là xuất khẩu.
Thứ hai, đem đến những thay đổi về chất. Đó là cải thiện toàn diện môi trường kinh doanh, cũng như thể chế, giúp Việt Nam cơ cấu lại xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn”, ông Khánh nói.
Nhiều chuyên gia nhận định Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế được dự báo là hưởng lợi nhiều từ quá trình thương mại toàn cầu và các chuỗi giá trị đang dịch chuyển. Hơn thế, tốc độ tăng trưởng được duy trì ở mức 6,7% của kinh tế Việt Nam trong năm 2018 và việc hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô sẽ tạo nên những tác động tích cực, mang tính cộng hưởng.
Nhưng, đúng như ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã nói, tất cả mới chỉ là cơ hội. “Chìa khóa thành công cho quá trình chuyển các cơ hội thành hiện thực chính là công cuộc cải cách thể chế trong nước. Nghĩa là tận dụng được các cơ hội từ hội nhập hay không phụ thuộc hoàn toàn vào các quyết định bên trong của nền kinh tế”, ông Lộc nhấn mạnh.
Hay nói một cách khác, hội nhập và cải cách thể chế luôn là cặp đôi song sinh của sự phát triển ở Việt Nam. Quá trình hội nhập sâu rộng và cải cách thể chế mạnh mẽ hai yếu tố quan trọng này đã góp phần làm nên những bước phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp Việt Nam, kinh tế Việt Nam trong suốt hơn 30 năm đổi mới.
Do đó, nhiều chuyên gia nhấn mạnh rằng cơ hội lần này sẽ đi qua rất nhanh, nếu như những cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế không thật sự tác động đến hoạt động hằng ngày của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Cạnh tranh toàn cầu buộc giới kinh doanh phải quyết định nhanh. Nghĩa là, những bước cải cách cơ chế, cải thiện môi trường kinh doanh cũng phải thực hiện với tốc độ tương ứng.
Tới hành động cụ thể
Công bằng mà nói, sau hơn 20 năm tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam đã thu được một số bài học kinh nghiệm lớn cho cả khối doanh nghiệp và quản lý nhà nước.
Nhưng như nhiều chuyên gia đánh giá để có thể tận dụng được những cơ hội mà EVFTA mang lại, thì Việt Nam cần có những hành động cụ thể.
Nói như Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh thì đối với doanh nghiệp, bài học lớn nhất là các doanh nghiệp phải chủ động hơn nữa trước cơ hội mà các FTA đem lại.
Ở góc độ quản lý nhà nước, bài học cơ bản là cần tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, một mặt thực thi các cam kết quốc tế, hiệp định đã ký kết; mặt khác, giúp doanh nghiệp có điều kiện phát triển, từ đó, nâng cao năng lực, nắm bắt cơ hội.