Ngày 2/7 tới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ tổ chức đấu giá gần 11,336 triệu cổ phiếu TV4 tương đương 71,6% vốn điều lệ của CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 4 (PECC4).
Được biết, PECC4 tiền thân là Phân viện Quy hoạch thiết kế điện miền Nam thuộc Bộ Điện than được thành lập năm 1976 và được chuyển đổi sang hình thức CTCP năm 2007. Ngày 22/7/2008, công ty chính thức niêm yết 2,75 triệu cổ phiến trên HNX với mức giá chào sàn là 60.000 đồng/cp.
Cổ đông cô đặc
Kể từ khi thành lập, PECC4 tăng vốn điều lệ từ 27,5 tỷ đồng năm 2007 lên 158,4 tỷ đồng tính đến thời điểm hiện tại. Đáng chú ý, giai đoạn 2007 - 2013, công ty liên tục tăng vốn điều lệ. Việc tăng vốn chủ yếu thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và thưởng cho cổ đông. PECC4 là một trong 4 công ty tư vấn hàng đầu chuyên ngành khảo sát thiết kế lập dự án đầu tư xây dựng phát triển điện. Vị thế và uy tín của công ty được thể hiện qua những dự án lớn như dự án đường dây 500KV Quảng Ninh-Thường Tín, dự án Thủy điện Buôn Tua Srah và dự án Thủy điện Bản Uôn.
Có thể bạn quan tâm
11:30, 03/06/2019
04:05, 01/06/2019
15:32, 28/05/2019
09:57, 24/05/2019
Bên cạnh đó, công ty tham gia hoàn thành một số dự án tiêu biểu như thiết kế kỹ thuật cho các nhà máy thủy điện: thủy điện Hồi Xuân, thủy điện Nho Quế 1, thủy điện Nho Quế 2, thủy điện Srêpok 4A, thủy điện sông Tranh, thủy điện La Ngâu, thủy điện TR'Hy, thủy điện Thác Cá…Ngoài ra, công ty đang thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng phát triển hệ thống nguồn và lưới điện trên lãnh thổ Lào và Campuchia.
Công ty có cổ đông lớn duy nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Cụ thể, EVN nắm quyền chi phối với 11,336 triệu cổ phiếu tương ứng tỷ lệ sở hữu 71,76% vốn điều lệ. Trong đó, ông Trần Hoài Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc đại diện sở hữu 6,801 triệu cổ phiếu và ông Trần Cao Hỷ, Ủy viên HĐQT đại diện sở hữu 4,534 triệu cổ phiếu.
Về sở hữu của lãnh đạo doanh nghiệp, nếu không tính phần đại diện vốn góp nhà nước, ông Trần Hoài Nam sở hữu 26.250 cổ phiếu (0,17% vốn điều lệ). Ông Lâm Du Sơn, Ủy viên HĐQT sở hữu 339.257 cổ phiếu (2,145% vốn điều lệ). Ông Vũ Thành Danh, Ủy viên HĐQT kiêm Kế toán trưởng sở hữu 53.907 cổ phiếu (0,34% vốn điều lệ). Ông Phạm Ngọc Sơn A, Phó Tổng Giám đốc sở hữu 31.187 cổ phiếu (0,2% vốn điều lệ). Các lãnh đạo còn lại sở hữu dưới 10.000 cổ phiếu của công ty.
Do tỷ lệ tự do chuyển nhượng thấp, cổ phiếu TV4 gần như không có biến động trong nhiều năm với giá lình xình quanh 16.000 đồng/cp và khối lượng khớp lệnh trung bình khoảng 5.000 cổ phiếu mỗi phiên. Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 5 trở lại đây, sau khi có thông tin EVN muốn thoái vốn, cổ phiếu TV4 có chuỗi tăng giá liên tiếp với thanh khoản trung bình mỗi phiên 40.000 cổ phiếu, thậm chỉ có những phiên khớp gần 100.000 cổ phiếu.
Tính khả thi còn bỏ ngỏ
Với mức giá khởi điểm EVN đưa ra là 59.400 đồng/cp, cao gần gấp đôi so với thị giá TV4 trên sàn giao dịch chứng khoán (kết phiên 7/6, cổ phiếu TV4 đóng cửa ở mức 28.400 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh 56.150 đơn vị), EVN muốn thu về 700 tỷ đồng từ đợt thoái vốn này trong trường hợp thoái thành công toàn bộ số cổ phần đem ra đấu giá.
Trước đó, vào cuối tháng 5/2019, EVN thông báo bán đấu giá toàn bộ 4 triệu cổ phiếu sở hữu tại Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 3 (mã TV3), tương đương tỷ lệ 48,78% vốn công ty. Mức giá đấu khởi điểm dự kiến là 76.700 đồng/cổ phiếu, cao gần gấp đôi so với giá trên sàn chứng khoán (tính đến phiên giao dịch 5/6 đạt 38.900 đồng/cổ phiếu).
EVN cho biết, mức giá đấu khởi điểm cổ phần TV3 và TV4 được xác định theo 3 phương pháp: tài sản; chiết khấu dòng tiền thuần vốn chủ sở hữu; và giá giao dịch. Một số ý kiến đánh giá, sở dĩ EVN đưa ra mức giá đầu cao hơn 2 lần thị giá là do các mảng kinh doanh của TV3 và TV4 đều rất tiềm năng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường điện Việt Nam có nhiều cơ hội trong tương lai. Tuy vậy, tính khả thi của hai phiên đấu giá vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ, nhất là khi thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn điều chỉnh kéo dài, thanh khoản giảm mạnh như hiện nay.
Được biết, PECC4 nhận được nhiều dự án với giá trị thực hiện lớn, đơn cử như dự án các trạm biến áp 220kV Ninh Phước, Chư Sê, Vũng Áng, Phố Cao, Tương Dương, Bờ Y và đường dây 220kV Bờ Y – Kon Tum với tổng giá trị thực hiện 20 tỷ đồng; dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng tổng giá trị 17 tỷ đồng…
Không những thế, PECC4 cũng tham gia đầu tư tài chính vào một số đơn vị, đơn cử phải kể đến Công ty CP Thủy điện Buôn Đôn (giá gốc 103,8 tỷ đồng) – công ty có ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng và quản lý điều hành nhà máy thủy điện Srêpôk 4A. Ngoài ra phải kể đến khoản đầu tư vào Công ty CP Điện Sơn Giang (5 tỷ đồng); Công ty CP EVN Quốc tế (hơn 1 tỷ đồng); Công ty CP Đầu tư Phát triển Khánh Hòa – Hà Nội (hơn 1 tỷ đồng).