Mới đây, tại Hà Nội, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) tổ chức đối thoại tại nơi làm việc năm 2024.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết nối trực tuyến đến các đơn vị trực thuộc. Ông Phạm Lê Phú - Tổng Giám đốc EVNNPT và ông Trịnh Tuấn Sơn - Chủ tịch Công đoàn EVNNPT chủ trì Hội nghị.
Tham gia Hội nghị, đại diện cho người sử dụng lao động có ông Phạm Lê Phú - Tổng Giám đốc EVNNPT, ông Bùi Văn Kiên - Phó Tổng Giám đốc EVNNPT và các thành viên đại diện người sử dụng lao động tham gia đối thoại tại nơi làm việc cấp EVNNPT.
Về phía đại diện người lao động có ông Trịnh Tuấn Sơn - Chủ tịch Công đoàn EVNNPT, ông Nguyễn Huy Thắng - Phó Chủ tịch Công đoàn EVNNPT và các thành viên đại diện người lao động tham gia đối thoại tại nơi làm việc cấp EVNNPT.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú cho biết: Ngày 27/9/2022, EVNNPT và Công đoàn EVNNPT đã cùng nhau ký kết Thỏa ước lao động tập thể gồm 10 chương, 42 điều để bảo đảm quyền lợi và trách nhiệm của Người sử dụng lao động và Người lao động trong quan hệ lao động trên nguyên tắc tự nguyện bình đẳng công khai và tôn trọng lẫn nhau. Trong đó, xác định rất rõ quan hệ giữa EVNNPT/đơn vị với Công đoàn là quan hệ hợp tác, phối hợp để thực hiện chức năng, quyền, trách nhiệm của các bên theo quy định của pháp luật, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Năm 2023 và 2024 là những năm khó khăn đối với EVNNPT khi hệ thống điện gặp nhiều thách thức gây khó khăn cho truyền tải điện; Thời tiết cực đoan nắng nóng, mưa lũ ảnh hưởng đến lưới điện truyền tải… Đặc biệt từ cuối năm 2023 Thủ tướng Chính phủ và EVN giao cho EVNNPT triển khai Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối với thời gian hoàn thành hơn 6 tháng thi công. Tuy nhiên, toàn thể cán bộ công nhân viên/người lao động trong Tổng công ty đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng khắc phục những khó khăn, tập trung mọi nỗ lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh chung của Tổng công ty, bảo đảm sứ mệnh truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam.
Cùng với đó, EVNNPT đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong đầu tư xây dựng Dự án đường dây 500kV mạch 3 đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, tổ chức công đoàn từ Công đoàn Tổng công ty tới Công đoàn cơ sở tại các đơn vị trực thuộc đóng vai trò hết sức quan trọng, là cầu nối giữa doanh nghiệp và toàn thể người lao động trong EVNNPT, đã có các hoạt động tích cực, hiệu quả, đúng nhiệm vụ và quyền hạn. Phối hợp với chuyên môn thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc; Chỉ đạo các Công đoàn cơ sở thuộc Công đoàn Tổng công ty thực hiện các hình thức tham gia quản lý, thực hiện Luật lao động, thực hiện Thỏa ước lao động tập thể EVNNPT, tổ chức phong trào thi đua, tuyên truyền, hướng dẫn công tác bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ, chính sách khác…
Tại Hội nghị, ông Trịnh Tuấn Sơn – Chủ tịch Công đoàn EVNNPT cho biết: Căn cứ theo quy định của Bộ Luật Lao động và các quy định hiện hành, nhằm tăng cường chia sẻ thông tin, hợp tác; tạo sự đồng thuận trong điều hành, tổ chức sản xuất cùng EVNNPT khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động; Ban Thường vụ Công đoàn EVNNPT đã lấy ý kiến đề xuất các nội dung đối thoại định kỳ tại nơi làm việc năm 2024.
Công đoàn EVNNPT đã tổng hợp thành 2 nhóm nội dung đề xuất của các Công đoàn cơ sở gồm:
Sử dụng lao động sau khi tái cơ cấu Công ty Dịch vụ kỹ thuật Truyền tải điện (NPTS): Đại diện người lao động đề nghị bổ sung danh sách cụ thể lao động điều chuyển; số lượng và danh sách người lao động nghỉ hưu, biện pháp và nguồn tài chính đảm bảo thực hiện phương án... theo quy định tại Điều 44 Bộ Luật lao động 2019; Số lượng và danh sách người lao động tiếp tục được sử dụng, người lao động được đào tạo lại để tiếp tục sử dụng, người lao động được chuyển sang làm việc không trọn thời gian; Định biên gián tiếp NPTS sau khi tái cơ cấu là 43 người, trong khi lao động thực tế tại cơ quan NPTS hiện tại là 67 người. Do vậy, đề nghị EVNNPT bố trí, sắp xếp để đảm bảo việc làm, thu nhập cho tất cả người lao động theo quy định hiện hành; Người lao động thuộc đối tượng điều chuyển từ NPTS sang các đơn vị được bảo quyền lợi của người lao động…
Đối với Quy định về công tác lao động và tiền lương trong EVNNPT: Đề nghị hiệu chỉnh mức phụ cấp kiêm nhiệm công tác Đảng, Đoàn tại điểm 1.2, khoản 1, mục III cho phù hợp với mức tiền lương cơ sở Nhà nước quy định đã được thay đổi từ 1.800.000đ lên 2.340.000đ được áp dụng từ ngày 01/7/2024; Đề nghị xem xét điều chỉnh Mức lương cơ sở doanh nghiệp, mức phụ cấp trách nhiệm và các mức phụ cấp khác phù hợp quy định mới của EVN.
Tại hội nghị, tất cả các nhóm đề xuất của Công đoàn cơ sở thuộc thẩm quyền của EVNNPT đã được Tổng giám đốc EVNNPT, Công đoàn EVNNPT cùng đại diện các Ban chuyên môn của EVNNPT giải đáp thỏa đáng.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Chủ tịch Công đoàn EVNNPT Trịnh Tuấn Sơn cho biết: Sau một buổi làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, trên tinh thần hợp tác, xây dựng cùng sự chuẩn bị chu đáo của các Ban chuyên môn của EVNNPT và Công đoàn EVNNPT, Hội nghị đối thoại với người lao động đã thành công tốt đẹp.
Chủ tịch Công đoàn EVNNPT – đại diện cho người lao động cơ bản nhất trí với những nội dung giải đáp của đại diện người sử dụng lao động. Chủ tịch Công đoàn EVNNPT cho biết: Hội nghị đã thể hiện quyền làm chủ của người lao động, tạo điều kiện để người lao động được tham gia ý kiến về những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, cũng như phản ánh những tồn tại, vướng mắc trong thực tiễn lao động sản xuất để EVNNPT và Công đoàn EVNNPT kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền giải quyết.