Kinh tế thế giới

FED giảm lãi suất, vì sao nhà đầu tư thất vọng?

Trường Đặng 20/12/2024 04:07

Ngay sau khi FED công bố giảm lãi suất thêm 0,25%, các chỉ số chứng khoán Mỹ đồng loạt "lao dốc" cực mạnh.

fed.jpg
Quyết định giảm lãi suất của FED lại khiến thị trường điều chỉnh đáng kể (Ảnh: ABC News)

Chứng khoán châu Á "chao đảo"

Không riêng gì thị trường Mỹ, phiên giao dịch ngày thứ Năm chứng kiến các thị trường chứng khoán châu Á giảm mạnh, kéo theo sự suy yếu ở các tài sản rủi ro khác.

Tại Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc, các chỉ số chứng khoán đều đi xuống, khiến chỉ số chung của khu vực giảm tới 1,7%. Tại Trung Quốc, chỉ số CSI 300 giảm nhẹ hơn nhưng vẫn phản ánh tâm lý lo ngại của nhà đầu tư. Chỉ số Kospi (Hàn Quốc) giảm mạnh nhất, mất đi 1,42% trong khi các thị trường khác giảm dưới 1%.

Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index mở cửa giảm mạnh, mất 12,78 điểm (-1,01%) chỉ trong 5 phút đầu phiên.

Đáng chú ý, đồng Yên Nhật giảm giá vượt qua ngưỡng quan trọng 155 so với đô la Mỹ sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) không tăng lãi suất. Thị trường kỳ vọng cuộc họp báo của Thống đốc BoJ Kazuo Ueda sẽ cung cấp tín hiệu rõ ràng hơn về triển vọng lãi suất, nhưng sự không cam kết có thể tiếp tục đẩy cặp USD/JPY lên cao hơn, theo Alvin Tan từ Royal Bank of Canada.

Trên thị trường ngoại hối, sự mạnh lên của đồng đô la Mỹ đã tạo áp lực lớn lên các đồng tiền châu Á. Đồng rupee Ấn Độ giảm xuống mức thấp kỷ lục, trong khi đồng won Hàn Quốc giảm xuống đáy 15 năm. Đồng nhân dân tệ Trung Quốc cũng rơi xuống mức thấp nhất trong một năm.

Các tài sản đầu cơ khác như Bitcoin cũng không nằm ngoài vòng xoáy này. Bitcoin - đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới- đã giảm xuống dưới mốc 100.000 USD/BTC, đánh dấu một sự điều chỉnh mạnh sau khi đạt mức cao kỷ lục đầu tuần. Michael Saylor từ MicroStrategy nhận định Bitcoin vẫn có triển vọng tốt nhưng cần vượt qua giai đoạn điều chỉnh ngắn hạn này.

Trong khi đó, giá dầu thô chịu áp lực giảm do kỳ vọng cắt giảm lãi suất chậm hơn của FED, trong khi vàng phục hồi nhẹ sau khi giảm mạnh hơn 2% ở phiên trước.

FED Cut Dec
FED bật tín hiệu sẽ thận trọng trong cắt giảm lãi suất trong năm 2025 (Ảnh: CNBC)

Triển vọng xấu năm 2025

Nguyên nhân chính khiến các thị trường toàn cầu chao đảo được cho đến từ dự báo thận trọng từ FED về lộ trình cắt giảm lãi suất trong năm 2025.

Thay vì 4 lần cắt giảm lãi suất như kỳ vọng trước đây, FED hiện chỉ dự báo 2 lần giảm trong năm 2025. Mức giảm 25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 12 này đã là lần thứ ba liên tiếp FED giảm lãi suất trong năm nay.

Chủ tịch Jerome Powell nhấn mạnh: “Chúng tôi cần thấy tiến triển về lạm phát. Chúng tôi đã hành động nhanh chóng để đạt được vị trí hiện tại, nhưng trong tương lai chúng tôi sẽ tiến hành chậm hơn.” Tuyên bố này cho thấy FED sẽ tiếp tục duy trì cách tiếp cận thận trọng, tập trung vào mục tiêu lạm phát 2% trước khi thực hiện các bước đi nới lỏng thêm.

Chuyên gia Tony Sycamore từ IG Australia Pty nhận định rằng sự thận trọng này không quá bất ngờ khi xem xét dữ liệu lạm phát và tăng trưởng kinh tế Mỹ gần đây. Tuy nhiên, thông báo này đã trở thành “chất xúc tác” để loại bỏ các khoản đầu cơ thái quá vào các tài sản rủi ro như cổ phiếu và Bitcoin sau cuộc bầu cử Mỹ.

Whitney Watson từ Goldman Sachs Asset Management dự đoán Fed sẽ không cắt giảm lãi suất vào tháng 1/2025, mà sẽ chờ đến tháng 3 để tiếp tục xu hướng giảm lãi suất. Ông nhận xét: “Có vẻ như mục tiêu năm mới của Fed là tiến hành cắt giảm với tốc độ chậm hơn.”

Tác động từ các quyết định này của FED cũng lan tỏa tới các chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu. Các ngân hàng trung ương tại Philippines, Đài Loan, Anh, Na Uy, Thụy Điển và Mexico dự kiến sẽ công bố quyết định lãi suất vào cuối tuần này, trong khi Trung Quốc đang theo dõi sát sao để điều chỉnh tỷ lệ Công cụ Cho vay Trung hạn trước ngày 24/12.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
FED giảm lãi suất, vì sao nhà đầu tư thất vọng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO