FED tăng lãi suất (Kỳ II): Tiềm ẩn nguy cơ suy thoái kinh tế

TS. BÙI NGỌC SƠN, Chuyên gia kinh tế độc lập 13/11/2022 04:00

FED liên tục tăng lãi suất, đã và đang tác động tiêu cực đến các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình có lạm phát cao, kinh tế suy thoái...

>> FED tăng lãi suất (Kỳ I): Tác động đến các nền kinh tế

p/Những quốc gia vay nợ Trung Quốc nhiều nhất

Những quốc gia vay nợ Trung Quốc nhiều nhất

Khó khăn lớn nhất hiện nay cho sự phối hợp quốc tế trong việc tìm ra giải pháp cho vấn đề nói trên là thiếu sự phối hợp từ Trung Quốc. Tuy nhiên, khả năng có nhiều nước bị khủng hoảng như thập kỷ trước đây là không cao.

Thiếu giải pháp khả thi

Các nước giàu, đặc biệt là Trung Quốc, có nhiều khoản cho vay đối với các nước nghèo, cần phải có phối hợp thì mới có hy vọng giải quyết được vấn đề. Môt hội nghị quốc tế giữa các nước giàu với các tổ chức tài chính quốc tế như IMF và WB đã được tổ chức nhằm tìm ra cách thức giúp các nước nghèo vượt qua khó khăn, cũng như giúp nền kinh tế toàn cầu tránh được những thảm họa kinh tế như trong quá khứ. Chủ đề chính của hội nghị là tạo ra “Khuôn khổ thống nhất” để ứng xử với các nước không thể trả được nợ, những nước có thể trả được một phần, và/hoặc những nước có khả năng hoàn trả nợ.

Tuy nhiên, theo bà Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, trở ngại lớn nhất hiện nay là thiếu sự hợp tác từ Trung Quốc. Một số nước như Chad, Ethiopia và Zambia đã đề nghị giúp đỡ để có thể trả nợ theo hướng dẫn mới nhưng Trung Quốc lại cản trở điều này. Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất thế giới đối với các nền kinh tế đang phát triển với tổng mức cho vay lên đến khoảng 1.000 tỷ USD- một khoản cho vay khổng lồ. Nếu không có sự hợp tác từ Trung Quốc, thì không thể giúp được các nước nói trên giải quyết áp lực nợ nần hiện nay.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm cách hỗ trợ các nước này. Hiệp hội Các nước châu Phi đại diện cho 50 quốc gia kêu gọi cần được vay hỗ trợ thêm từ IMF. Các thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Mỹ cũng tán thành ý kiến này khi gợi ý một khoản cho vay lên tới khoảng 650 tỷ USD. Nhưng Bộ Tài chính Mỹ lại không muốn ủng hộ bước đi này và cho rằng chỉ cần một khoản cho vay nhỏ là đủ.

Tại cuộc họp vừa qua, FED đã tăng lãi suất thêm 0,75% lên 3,75- 4%. Theo dự kiến, FED có thể sẽ giảm quy mô tăng lãi suất, chứ chưa dừng tăng lãi suất khi lãi suất còn dưới 5%.

Trong khi đó, các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ cũng cho rằng không nên dùng khoản này để hỗ trợ những quốc gia đối địch với Mỹ như Triền Tiên, Iran, Nga. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, sự bất đồng ở Mỹ chỉ là mức độ khoản hỗ trợ là chính, còn lý do mang tính chính trị vẫn có thể vượt qua được. Trái lại, những khoản cho vay từ Trung Quốc mới là trở ngại lớn vì nhiều khoản trong số đó có các điều khoản mang tính chính trị mà Trung Quốc không muốn tiết lộ và không muốn bỏ qua.

>> Fed tăng lãi suất 0,75% lần thứ tư liên tiếp

Ngoài ra, các nước nghèo sẽ sử dụng các biện pháp kiểm soát và hạn chế dòng vốn ra. Thông thường, cách này không được khuyến khích, nhưng lần này bà Yellen cho biết có thể dùng cách này trong bối cảnh hiện nay, nhưng chỉ hãn hữu thôi. Bởi vì, về lý thuyết và thực tế cho thấy các biện pháp này thường bóp méo các giao dịch và nếu lạm dụng, sẽ để lại hậu quả lớn, khiến dòng vốn đầu tư trên toàn cầu trở nên hỗn loạn.

Rủi ro tiềm ẩn

Theo tính toán của IMF, với những biến cố tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương và diễn biến chiến sự Nga- Ukraine thì xác suất kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái trong năm 2023 là 25%. Như vậy, vẫn có khả năng không xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế thế giới trong năm 2023 mà chỉ có sự sụt giảm tăng trưởng vì hiệu ứng lạm phát cao trong năm 2022 và phản ứng của các ngân hàng trung ương nâng lãi suất. Tuy nhiên, nếu không tìm ra được giải pháp thích hợp cho vấn đề vay nợ của các nền kinh tế đang phát triển thì xác suất một cuộc suy thoái toàn cầu sẽ tăng lên vì suy cho cùng những biến động tiêu cực sẽ dội ngược từ các nền kinh tế đang phát triển lên các nền kinh tế phát triển.

Tại cuộc họp vừa qua, FED đã tăng lãi suất thêm 0,75% lên 3,75- 4%.

Tại cuộc họp vừa qua, FED đã tăng lãi suất thêm 0,75% lên 3,75- 4%.

Tuy nhiên, các chuyên gia kỳ vọng có thể tránh được tình trạng tồi tệ ở các nền kinh tế đang phát triển hiện nay, bởi vì tình trạng của nhiều nền kinh tế đang phát triển tốt hơn nhiều so với thập kỷ 1970 và 1980. Các định chế tài chính và ngân hàng lớn trên thế giới cũng tốt hơn khi các cuộc kiểm tra sức chống chịu các cú sốc của các định chế này được tiến hành hàng năm đều cho thấy chúng có sức chống chịu rất tốt, làm chỗ dựa cho sự ổn định kinh tế toàn cầu.

Trên thực tế, khu vực tài chính và ngân hàng thế giới được quản lý tốt hơn, và các ngân hàng trung ương, các tổ chức tài chính quốc tế cũng giàu kinh nghiệm hơn so với thời kỳ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Nền kinh tế Mỹ cũng chắc chắn hơn và đang có trạng thái tốt. Tất cả những yếu tố này cho phép thế giới có thể tìm cách nào đó giúp các nền kinh tế đang phát triển và kinh tế thế giới có thể tránh được một cuộc suy thoái.

Chẳng hạn, trước cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997-1998, Thái Lan có dự trữ ngoại hối chỉ bằng 17% GDP, còn hiện nay con số này là 47%, như vậy khả năng chống chịu của Thái Lan tốt hơn nhiều. Trong khi Việt Nam cũng có thể được xem là một nền kinh tế an toàn trong bối cảnh hiện nay khi có một nền xuất khẩu vững chắc, dự trữ ngoại hối cao kỷ lục hơn 110 tỷ USD, đủ khả năng duy trì ổn định tỷ giá và cân bằng vĩ mô.

Có thể bạn quan tâm

  • Chính sách tiền tệ Việt Nam nhìn từ ảnh hưởng của Fed

    Chính sách tiền tệ Việt Nam nhìn từ ảnh hưởng của Fed

    05:30, 07/11/2022

  • FED tăng lãi suất lần thứ 4 liên tiếp, vàng “lao dốc” không phanh

    FED tăng lãi suất lần thứ 4 liên tiếp, vàng “lao dốc” không phanh

    11:00, 03/11/2022

  • FED tăng lãi suất gây sức ép lên các nền kinh tế

    FED tăng lãi suất gây sức ép lên các nền kinh tế

    05:30, 23/09/2022

  • FED giảm tốc tăng lãi suất, giá vàng tuần tới sẽ bứt tốc?

    FED giảm tốc tăng lãi suất, giá vàng tuần tới sẽ bứt tốc?

    11:30, 11/09/2022

  • FED có thể cắt giảm lãi suất từ quý 2/2023?

    FED có thể cắt giảm lãi suất từ quý 2/2023?

    04:50, 04/09/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
FED tăng lãi suất (Kỳ II): Tiềm ẩn nguy cơ suy thoái kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO