Giá vàng cuối tuần này đã chịu áp lực điều chỉnh do các nhà đầu tư kỳ vọng FED sẽ thu hẹp Chương trình nới lỏng định lượng (QE) trong tuần tới. Vậy giá vàng tuần tới sẽ ra sao?
Trong tuần này có thời điểm giá vàng đã leo lên mức 1.810USD/oz, nhưng sau đó lại giảm xuống mức 1.773USD/oz và đóng cửa ở mức 1.785USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng đã biến động theo giá vàng quốc tế, nhưng vẫn cao hơn giá vàng quốc tế khá nhiều. Theo đó, giá vàng SJC có thời điểm lên tới mức 58,6 triệu đồng/lượng, nhưng sau đó giảm xuống mức 58,3 triệu đồng/lượng.
Nỗi lo lạm phát đã đẩy giá vàng tiếp tục vượt mốc 1.800USD/oz lên tới 1.810USD/oz trong đầu tuần này. Tuy nhiên, áp lực lạm phát của Mỹ tăng mạnh lại khiến giới đầu tư lo ngại FED sẽ bắt đầu thu hẹp QE trong cuộc họp ngày 3/11 tới, nên đã bán tháo vàng để phòng ngừa rủi ro, khiến giá vàng giảm xuống 1.773USD/oz.
Chỉ số chi phí lao động (ECI) quý 3 của Mỹ đã tăng tới 1,3% sau khi tăng 0,7% trong quý 2, đây là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2001. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số này đã tăng 3,7%, mức cao nhất kể từ năm 2004, sau khi tăng 2,9% trong quý 2. Chỉ số này cho thấy tình trạng thiếu hụt lao động ở Mỹ vẫn đang rất nghiêm trọng, buộc giới sử dụng lao động phải tiếp tục tăng lương để thu hút lao động, qua đó gây áp lực cho lạm phát.
Trong khi đó, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) quý 3- chỉ số đo lường lạm phát được yêu thích của FED, cũng tăng mạnh lên mức 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 của Mỹ cũng đã tăng lên mức 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, và chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 9 của Mỹ cũng đã tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Áp lực lạm phát tăng mạnh có thể khiến FED sẽ phải thu hẹp QE như dự kiến vào cuộc họp tuần tới, dù rằng trước đó FED vẫn khẳng định lạm phát tăng mạnh chỉ là nhất thời. Theo dự kiến, lúc đầu FED sẽ giảm quy mô mua trái phiếu hàng tháng khoảng 15 tỷ USD, sau đó tăng lên 20 tỷ USD mỗi tháng (hiện quy mô mua trái phiếu hàng tháng của FED là 120 tỷ USD).
Khi FED thu hẹp QE, sẽ kích hoạt làn sóng bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ, đẩy lợi suất trái phiếu tăng mạnh, qua đó làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ vàng, khiến vàng giảm hấp dẫn dưới con mắt của nhà đầu tư. Mặt khác, khi FED rút QE, thì dòng vốn giá rẻ từ các thị trường mới nổi sẽ quay trở lại Mỹ vì lợi suất trái phiếu tăng mạnh, giúp USD tăng mạnh so với các đồng tiền khác, đẩy giá vàng giảm.
Dù thu hẹp QE cũng sẽ có một số tác động tiêu cực đối với kinh tế Mỹ, nhưng FED khó cưỡng lại vì áp lực lạm phát của Mỹ ngày càng tăng mạnh. Theo đó, khi FED thu hẹp QE sẽ khiến lượng cung tiền USD trong nền kinh tế Mỹ giảm trong ngắn hạn trong khi cầu tiền mặt vẫn tăng cao. Điều này vô hình chung đẩy mặt bằng lãi suất và lợi suất trái phiếu chính phủ tại Mỹ tăng, qua đó sẽ gây áp lực lớn cho các khoản nợ của Mỹ vốn đã ở mức cao, đồng thời tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán.
Đối với các quốc gia khác, việc FED rút QE có nguy cơ đẩy lạm phát tăng cao hơn do một lượng vốn lớn bằng USD bị rút khỏi các thị trường này, khiến giá trị đồng nội tệ giảm so với USD, về dài hạn sẽ kích hoạt nhu cầu mua vàng để phòng ngừa rủi ro lạm phát. Tuy nhiên, đồng nội tệ giảm so với USD lại giúp các quốc gia này có lợi khi xuất khẩu, còn nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa sẽ bị tác động tiêu cực: giá nguyên liệu tăng khiến chi phí sản xuất tăng, làm cho chi tiêu tiêu dụng giảm, tác động xấu đến tăng trưởng GDP... Do đó, các quốc gia khác cũng phải xem xét thắt chặt tiền tệ khi FED rút QE.
Ông Colin, Chuyên gia phân tích ngoại hối, cũng cho rằng khi FED thu hẹp QE, thì giá vàng sẽ bị tác động tiêu cực trong ngắn hạn, vì lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ và USD tăng. Tuy nhiên, lạm phát Mỹ vẫn đang có xu hướng tăng mạnh do đứt gãy chuỗi cung ứng, khủng hoảng năng lượng, thiếu hụt lao động, các gói kích thích kinh tế…, nên FED chưa thể chấm dứt sớm QE, cũng như chưa thể tăng mạnh lãi suất cơ bản. Hơn nữa, FED rút QE sẽ khiến lạm phát ở nhiều quốc gia tăng mạnh, làm tăng nhu cầu đầu tư vàng phòng ngừa rủi ro lạm phát. Do đó, giá vàng vẫn có thể tăng mạnh trong trung và dài hạn.
Theo phân tích kỹ thuật, giá vàng tuần tới có thể vẫn ở trong biên độ 1.670- 1.835USD/oz. Trước mắt, mức 1.745USD/oz đang là mức hỗ trợ đầu tiên, nếu bị đẩy xuống dưới mức này, giá vàng tuần tới có thể xuống dưới 1.700USD/oz với mức 1.670USD/oz là mức hỗ trợ quan trọng. Nếu giá vàng tuần tới vẫn duy trì trên mức này, thì sẽ sớm phục hồi trở lại.
Trong tuần tới, ngoài cuộc họp của FED, còn có số liệu quan trọng, như số liệu việc làm của Mỹ, PMI sản xuất và dịch vụ… Các số liệu này mạnh hơn dự kiến, sẽ tác động tiêu cực đến giá vàng tuần tới và ngược lại, sẽ hỗ trợ tích cực cho giá vàng tuần tới.
Có thể bạn quan tâm
Áp lực lạm phát đẩy giá vàng tăng vọt
05:20, 27/10/2021
Lạm phát “bùng phát”, giá vàng tuần tới sẽ thế nào?
08:30, 24/10/2021
Yếu tố nào sẽ “dẫn dắt” giá vàng tuần tới?
05:30, 17/10/2021
“Lối đi" nào cho giá vàng tuần tới?
05:30, 10/10/2021
Cuộc họp của FED tác động thế nào đến giá vàng tuần tới?
11:30, 19/09/2021