Hội thảo Khoa học về Quản trị tài chính khu vực Châu Á Thái Bình Dương - FMA 2019 lần thứ 11 đã chính thức Khai mạc sáng nay, ngày 11/7/2019, tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, TP. HCM.
FMA 2019 quy tụ nhiều học giả nổi tiếng trong ngành Tài chính thế giới, với 130 báo cáo tham luận, Hội thảo được tổ chức thành 49 phiên chính thức diễn ra trong hai ngày 11 và 12 tháng 7. Bên cạnh các các phiên chính thức, phiên dành cho nghiên cứu sinh được tổ chức ngày 10 tháng 7. GS. Gordon Phillips, Giám đốc Trung tâm đầu tư mạo hiểm và đầu tư tư nhân thuộc Trường quản trị kinh doanh Laurence F. Whittemore, Đại học Dartmouth (Hoa Kỳ) là một trong các diễn giả chính và có báo cáo đề dẫn tại phiên khai mạc.
Phát biểu tại Lễ Khai mạc, GS. Lê Vinh Danh – Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng, đồng Chủ tịch FMA 2019 cho biết: “Đây là lần đầu tiên FMA được tổ chức tại Việt Nam và trong khuôn viên của một trường Đại học. Hội thảo đã thu hút hàng ngàn công trình khoa học của nhiều học giả trên khắp thế giới, trở thành một trong hai hội thảo khu vực lớn nhất của FMA trong vòng 11 năm qua”.
Cũng theo GS. Danh, FMA 2019 là một hội thảo hàng đầu về tài chính ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương với mục đích tập hợp các học giả và và nhà giáo dục quan tâm đến tài chính, đồng thời là một diễn đàn hữu ích để giới thiệu các nghiên cứu mới và thảo luận về các vấn đề hiện tại trong quản lý tài chính và các chủ đề liên quan.
“Chúng tôi coi hội nghị này là một trong những hoạt động chiến lược để phát triển thành một trường đại học nghiên cứu có uy tín. Đại học Tôn Đức Thắng là một tổ chức giáo dục đại học năng động tại Việt Nam với 16 khoa và 01 trường hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau từ Khoa học, Kỹ thuật đến Kinh doanh và Nghệ thuật. Trường có khoảng 25.000 sinh viên, và được xem là một trong những trường đại học phát triển nhanh nhất tại Việt Nam”. GS. Danh chia sẻ thêm.
Nói về những điểm khác biệt của FMA 2019, TS. Võ Văn Lai – Khoa Quản trị Kinh doanh Đại học Tôn Đức Thắng, Đồng Chủ tịch Chuyên môn của FMA 2019 cho biết: Đây là lần đâu tiên một Hội thảo quy mô quốc tế về Tài chính do một Hiệp hội chuyên ngành uy tín của Hoa Kỳ tổ chức trong một khuôn viên của một trường Đại học của Việt Nam; Lần đầu tiên tại Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Hiệp hội Quản trị tài chính Hoa Kỳ (FMA) tổ chức tuyển giảng viên cho các trường đại học trên thế giới. Ngoài ra, tại Hội thảo này, trường Đại học Tôn Đức Thắng sẽ giới thiệu cơ sở dữ liệu về kinh doanh của Việt Nam tới các nhà Khoa học đến từ các trường đại học trên thế giới.
Bên cạnh đó, TS. Võ Văn Lai cũng đưa ra 4 việc cần làm để giúp các nhà nghiên cứu Tài chính Việt Nam nâng cao vai trò của ngành Tài chính Việt với cộng đồng thế giới:
Một là: Các nhà nghiên cứu tài chính trong nước cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu Khoa học và công bố quốc tế.
Hai là: Các nhà nghiên cứu Tài chính cần tham gia sâu rộng các vấn đề học thuật quốc tế như: tham gia Hội thảo, hội nghị, tham gia vào công tác phản biện, biên tập cho các tạp chí quốc tế.
Ba là: Hàng năm, giới nghiên cứu tài chính của Việt Nam nên tổ chức một vài Hội thảo quốc tế lớn ở trong nước với sự tham dự của các nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học hàng đầu thế giới và khu vực.
Bốn là: Chúng ta nên có cơ sở dữ liệu đủ lớn về Kinh tế - Kinh doanh của Việt Nam nhằm phục vụ nghiên cứu khoa học.
TS. Lai tin rằng, nếu làm được những việc trên, vai trò của giới nghiên cứu tài chính Việt Nam sẽ được nâng cao trong cộng đồng nghiên cứu tài chính quốc tế.