Thu hút FDI "hụt hơi" bởi COVID-19

LINH NGA 27/08/2020 11:00

Vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài giảm trong 8 tháng năm 2020, chỉ bằng 94,9% so với cùng kỳ, đạt 11,35 tỷ USD.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng năm 2020, vốn góp, mua cổ phần vẫn tiếp tục giảm do dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát, kéo theo tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thu hút chỉ bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 19,54 tỷ USD. Tuy nhiên, vốn đăng ký cấp mới và vốn điều chỉnh đều tăng, lần lượt là 6,6% và 22,2%.

Cụ thể, có 1.797 dự án đăng ký mới với tổng vốn đăng ký đạt 9,73 tỷ USD; 718 lượt dự án điều chỉnh với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 4,87 tỷ USD.

Tính tới 20/8/2020, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 11,35 tỷ USD, bằng 95,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Vốn FDI đăng ký 8 tháng đầu năm giai đoạn 2016 - 2020

Vốn FDI đăng ký 8 tháng đầu năm giai đoạn 2016 - 2020.

Trong 18 ngành lĩnh vực, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 9,3 tỷ USD, chiếm 47,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đến là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện (trên 4 tỷ USD), hoạt động kinh doanh bất động sản (gần 2,87 tỷ USD) và bán buôn bán lẻ (1,21 tỷ USD)...

Về đối tác đầu tư, trong 106 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, dẫn đầu là Singapore (6,54 tỷ USD), tiếp đến là Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan... Về số lượng dự án, Hàn Quốc đứng thứ nhất (463 dự án); Trung Quốc đứng thứ hai (256 dự án); Nhật Bản đứng thứ ba (196 dự án); Hồng Kông đứng thứ tư (164 dự án)…

Nhờ 1 dự án lớn có vốn đầu tư 4 tỷ USD, Bạc Liêu vẫn tiếp tục dẫn đầu 59 tỉnh, thành phố trên cả nước tiếp nhận đầu tư trong 8 tháng qua. Xếp thứ tự tiếp theo là Hà Nội (2,86 tỷ USD), TP.HCM (2,62 tỷ USD), Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hải Phòng...

Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KH&ĐT, “việc tái bùng phát dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam trong thời gian qua đã có những tác động, ảnh hưởng nhất định tới các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài”. Cụ thể, theo Cục Đầu tư nước ngoài, vì COVID-19 tái bùng phát ở Việt Nam, các hoạt động sản xuất - kinh doanh bị đình trệ, thêm nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn. Cũng vì vậy, vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài tiếp tục giảm trong 8 tháng năm 2020.

Trong khi đó, mặc dù hiện vẫn có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án đầu tư nước ngoài cũng tiếp tục bị ảnh hưởng. Số dự án mới, điều chỉnh vốn và cả số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đều giảm so với cùng kỳ. 

Công nhân làm việc ở nhà máy điện tử tại TP HCM.

Công nhân làm việc ở nhà máy điện tử tại TP HCM.

Trong tháng 7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020, trong đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Chính phủ yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương thành lập Tổ công tác đặc biệt thu hút FDI do các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Tổ trưởng để phối hợp với Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ tập trung giải quyết các vướng mắc, thúc đẩy thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển, nhất là từ các công ty đa quốc gia, có công nghệ tiên tiến.

Tuy nhiên, một tin không mấy vui đối với Việt Nam đó là việc ông lớn Apple có thể đang cân nhắc tạm ngừng kế hoạch sản xuất IPhone tại Việt Nam sau khi có chuyến thăm nhà máy của Luxshare, một trong những đối tác lắp ráp iPhone của Apple (tại khu công nghiệp Vân Trung, Bắc Giang) để đánh giá khả năng sản xuất iPhone tại cơ sở này. Điều này như hồi chuông cảnh báo đối với Việt Nam trong việc chuẩn bị các điều kiện để đáp ứng các tiêu chuẩn của các doanh nghiệp lớn. 

Trước đó, Tổ Công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Tổ trưởng Tổ Công tác. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ Việt Nam đang được xác định là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn với những lợi thế cạnh tranh sẵn có, cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư và vị thế trên trường quốc tế ngày càng tăng, cùng với những biện pháp phòng chống COVID-19 tích cực và hiệu quả.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là thời điểm thuận lợi cho Việt Nam để thu hút có chọn lọc dòng vốn đầu tư nước ngoài mới phù hợp với nhu cầu của Việt Nam. "Song cũng cần nhận diện rõ, xử lý các thách thức khách quan và chủ quan trong hợp tác đầu tư nước ngoài và cần có những hành động và giải pháp đột phá để kịp thời thu hút dòng vốn" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài cần hướng tới có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Trong đó đặc biệt lưu ý coi trọng phát triển doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác của Việt Nam, có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển...

Một số dự án lớn trong 8 tháng đầu năm 2020

- Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore), vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD với mục tiêu sản xuất điện từ khí tự nhiên hóa lỏng LNG (cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 16/1/2020).

- Dự án Tổ hợp hoá dầu miền Nam Việt Nam (Thái Lan) tại Bà Rịa - Vũng Tàu, điều chỉnh tăng vốn đầu tư 1,386 tỷ (giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cấp ngày 18/4/2020).

- Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe Radian Jinyu (Việt Nam), tổng vốn đầu tư 300 triệu USD với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại Tây Ninh (cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 21/1/2020).

- Dự án Victory - Nhà máy sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao tại Đồng Văn, Hà Nam (Đài Loan), tổng vốn đầu tư 273 triệu USD với mục tiêu sản xuất, lắp ráp các thiết bị máy tính điện tử và ngoại vi máy tính; sản xuất các thiết bị âm thanh và hình ảnh điện tử dân dụng (cấp giấy chứng nhận đầu tư này 1/4/2020).

- Dự án Công trình văn phòng tại 29 Liễu Giai (Singapore), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 246 triệu USD (giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cấp ngày 31/3/2020).

Có thể bạn quan tâm

  • Thu hút FDI: Cần tiêu chuẩn giúp sàng lọc các nhà đầu tư

    Thu hút FDI: Cần tiêu chuẩn giúp sàng lọc các nhà đầu tư

    11:45, 02/06/2020

  • ĐIỂM BÁO NGÀY 29/05: Hành động để thu hút FDI chất lượng cao

    ĐIỂM BÁO NGÀY 29/05: Hành động để thu hút FDI chất lượng cao

    05:00, 29/05/2020

  • Thu hút FDI:

    Thu hút FDI: "Trong nguy có cơ"

    02:49, 28/02/2020

  • Hài hòa lợi ích quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài

    Hài hòa lợi ích quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài

    08:30, 19/06/2020

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ 18/6: Thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ 18/6: Thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài

    18:31, 18/06/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thu hút FDI "hụt hơi" bởi COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO