Với những gì người cộng sản chân chính Nguyễn Duy Cống - Tổng Bí thư Đỗ Mười làm được trong thời kỳ bắt đầu đổi mới, ông xứng đáng là gạch nối giữa hai thời kỳ lịch sử của đất nước.
Tám mươi năm tuổi Đảng, sáu mươi mốt năm chính thức dấn thân vào thời cuộc kể từ năm 1936 đến khi kết thúc trên cương vị Tổng Bí thư Ban chấp hành TW Đảng CSVN năm 1997, ông Nguyễn Duy Cống - Đỗ Mười, xứng đáng là một gạch nối của lịch sử.
Với thế hệ trẻ sinh ra và lớn sau thời kỳ đổi mới (1986), không nhiều người biết đến cái tên Nguyễn Duy Cống nếu không có niềm đam mê với môn Lịch sử, nhưng đó chính là Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Quá trình hoạt động cách mạng của ông gắn liền với nhiều mốc lịch sử quan trọng: Năm 1936 ông tham gia vào Phong trào Mặt trận bình dân - thời kỳ cách mạng Việt Nam bắt đầu khởi sắc sau mấy năm lâm vào thoái trào khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh kết thúc.
Năm 1939, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, cũng là thời điểm tình hình trong nước có nhiều biến chuyển. Chủ nghĩa Tư bản bắt đầu cảm thấy “chật chội” về dư địa để tiếp tục bành trướng, một vài cường quốc mới nổi hăm he gây thế chiến thứ II để chia lại thị trường thế giới.
Có thể bạn quan tâm
10:35, 02/10/2018
08:30, 02/10/2018
08:15, 02/10/2018
00:29, 02/10/2018
Sau Cách mạng mùa Thu thắng lợi đến năm 1988, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng từ địa phương lên đến Trung ương. Nhưng có lẽ, người ta nhớ nhất về ông Nguyễn Duy Cống là danh xưng Tổng Bí thư Đỗ Mười giai đoạn 1991 - 1997.
Ở cương vị lãnh đạo cao nhất Đảng bắt đầu từ Đại hội Đảng lần thứ VII (năm 1991). Tại Đại hội này đánh dấu sự ra đời một văn kiện tối quan trọng mà đến nay, sau 27 năm vẫn còn giá trị, đó là “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH”.
Trước “Cương lĩnh 1991”, Đảng có 3 Cương lĩnh quan trọng, đó là: “Cương lĩnh đầu tiên, tháng 2/1930” do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo; “Luận cương tháng 10/1930” của Trần Phú và “Cương lĩnh 1951” sau Đại hội lần thứ II của Đảng.
Ông Đỗ Mười là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng bắt tay vào thực hiện Cương lĩnh thứ 4, ở thời điểm hết sức nhạy cảm của vệnh mệnh dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển, phải tìm đáp án cho câu hỏi: “Hội nhập hay tụt hậu?”.
Chuyển từ tâm thế chống kẻ thù xâm lược bằng súng đạn đến thay đổi tư duy để bắt tay hợp tác với đối tác - bạn - thù là một quá trình trưởng thành đầy vất vả.Thời kỳ của Tổng Bí thư Đỗ Mười có đầy đủ những đặc điểm đó.
Sau đúng một nhiệm kỳ kể từ đại hội lần thứ VI (thường được gọi là đại hội đổi mới tư duy) phải thật sự đến những năm 90 Việt Nam mới bắt đầu mở cửa hòa vào dòng chảy nhân loại.
Thời kỳ 1991-1999 được coi là giai đoạn phát triển thành công của Việt Nam, gắn với nhiệm kỳ Tổng Bí thư Đỗ Mười, và nhiệm kỳ của Thủ tướng lỗi lạc Võ Văn Kiệt (8/1991 - 9/1997).
Bước chuyển từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng XHCN đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo quốc gia. Tăng trưởng kinh tế trên 9% đạt được vào các năm 1995 (9,54%) và 1996 (9,34%) tạo cú hích bứt ra khỏi cơ chế quan liêu bao cấp và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Giai đoạn 1993-1997 là thời kỳ kinh tế Việt Nam kiềm chế thành công lạm phát đồng thời lại tăng trưởng nhanh chóng. Thành quả này giúp Việt Nam “cách ly” với cơn khủng hoảng tài chính tiền tệ hoành hành khắp Châu Á từ tháng 7 năm 1997.
Nền móng đổi mới dưới thời Tổng Bí thư Đỗ Mười giúp Việt Nam tích cực hội nhập kinh tế những năm sau đó, mà đỉnh cao là việc ký hiệp định gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2006 và Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ năm 2001.
Truyền thông trong nước thời kỳ này dùng cụm từ “đổi mới” để mô tả giai đoạn 1986 - 2000, thời kỳ chuyển biến thực sự về nhận thức tư duy kinh tế, áp dụng kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.
Báo chí nước ngoài thời diểm đó dự báo Việt Nam sẽ trở thành “con hổ” kinh tế trong tương lai gần. Năm cuối cùng của thiên niên kỷ thứ II, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,75% (vượt hơn 1% so với chỉ tiêu Quốc hội giao), GDP bình quân đầu người đạt mức 400 USD (Lào 328 USD, Campuchia 283 USD).
Với những gì người cộng sản chân chính Nguyễn Duy Cống - Tổng Bí thư Đỗ Mười làm được trong thời kỳ bắt đầu đổi mới, ông xứng đáng là gạch nối giữa hai thời kỳ lịch sử của đất nước. Chúng ta đang được hưởng thành quả do chính ông và đội ngũ thời kỳ đó xây nền móng.
Một vài lời không thể đong đếm hết công lao của ông, ông về với tổ tiên, lịch sử mãi mãi khắc ghi sự nghiệp lẫy lừng. Mong ông an nghỉ, Tổng Bí thư Đỗ Mười!